Huyết áp thấp và thiếu máu não

6 cách đơn giản để ngăn ngừa tụt huyết áp sau ăn

Ngày đăng: 21 Tháng Tư, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Cảm giác chóng mặt, choáng váng thường xuyên sau khi ăn là điều thường thấy ở nhiều người. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là do tụt huyết áp sau ăn. Áp dụng một số cách đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh và phòng tránh được những rủi ro sau này.

Hạn chế một số loại thực phẩm dễ gây tụt huyết áp sau ăn

Sau khi ăn một số thực phẩm nhất định người bệnh sẽ rất dễ bị tụt huyết áp, do vậy nếu bạn thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, choáng ngay sau bữa ăn thì hãy hạn chế một số thực phẩm dưới đây:

– Thực phẩm giàu carbohydrate: Cơm, cháo, bánh mì, bún, bánh quy…, bạn nên dùng ngũ cốc nguyên hạt để thay thế cho các thực phẩm này.

– Đồ ăn ngọt, thực phẩm chế biến, hay đóng gói sẵn như: Bánh ngọt, bánh quy, khoai tây chiên…

– Đồ uống có đường, có cồn, cà phê hoặc bất kỳ loại chất kích thích khác

Tránh các bữa ăn lớn (tránh ăn quá no)

Ngoài một số thực phẩm nhất định như đã nói ở trên thì tình trạng tụt huyết áp sau ăn cũng dễ xảy ra nếu bạn ăn quá no. Chính vì vậy, thay vì một bữa ăn với lượng thức ăn lớn, bạn hãy ăn làm nhiều bữa trong ngày với lượng thức ăn vừa phải với dạ dày của mình.

Uống nhiều nước hơn

Uống một cốc nước đầy trước khi ăn và tăng cường lượng nước uống hằng ngày (ít nhất khoảng 2 lít nước) cũng là cách để giúp bạn hạn chế sự xuất hiện của các cơn tụt huyết áp sau khi ăn.

Nằm nghỉ khoảng một giờ sau khi ăn giúp tránh tụt huyết áp sau ăn

Đối với những người có tiền sử huyết áp thấp, các chỉ số thường bị tụt xuống mức thấp nhất sau khi ăn khoảng 30 phút tới 1 giờ. Lúc này nếu người bệnh vận động nhiều sẽ rất dễ bị choáng váng, ngất xỉu… Vì vậy, ngồi hay nằm nghỉ sau khi ăn khoảng ít nhất 1 giờ sẽ là một cách đơn giản và hiệu quả để giúp bạn tránh bị tụt huyết áp. Trong trường hợp nếu bạn bắt buộc phải di chuyển, hãy di chuyển từ từ, tránh đứng lên đột ngột.

Nằm nghỉ sau ăn khoảng 30 phút – 1 giờ giúp ngăn ngừa tụt huyết áp sau ăn

Theo dõi và duy trì nồng độ hormon ổn định

Mức độ estrogen và progesterone trong cơ thể thay đổi thất thường có thể gây ra nhiều triệu chứng, trong đó có hạ huyết áp sau ăn dẫn tới chóng mặt, choáng váng. Vì vậy, ăn các loại thực phẩm có hàm lượng phytoestrogens (chất sẽ chuyển hóa thành hormon) như các loại đậu và các thực phẩm từ đậu, hạt lanh… sẽ giúp cân bằng hormon của bạn, giảm nguy cơ xuất hiện tụt huyết áp sau ăn.

Sử dụng thảo dược ngăn ngừa tụt huyết áp sau ăn

Gừng là một loại thảo dược dễ kiếm, có tác dụng làm tăng huyết áp tạm thời do có thể kích thích tăng nhịp tim trong một thời gian ngắn. Do vây, một cốc trà gừng sau mỗi bữa ăn cũng có thể giúp giảm nguy cơ xuất hiện của các cơn chóng mặt, choáng váng do tụt huyết áp sau ăn. Tuy nhiên, trong những ngày hè nóng bức thì sử dụng trà gừng có thể gây nóng trong người, đồng thời sử dụng lâu cũng sẽ không tốt cho sức khỏe. Một số thảo dược khác, điển hình như Đương quy với bộ phận dùng làm thuốc được gọi là Quy đầu cũng có tác dụng ngăn ngừa tụt huyết áp sau ăn hiệu quả dựa trên tác dụng bổ máu, tăng tạo máu, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, nhờ vậy huyết áp được duy trì ở mức ổn định và bền vững

Ds. Ngọc Hải

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo: http://www.34-menopause-symptoms.com/dizziness/articles/8-easy-steps-to-prevent-dizziness-after-eating.htm

Viết bình luận