Bệnh mạch vành

Xơ vữa động mạch vành và những thông tin không thể bỏ qua

Ngày đăng: 2 Tháng Hai, 2017
5/5 - (11 bình chọn)

Xơ vữa động mạch vành (bệnh mạch vành) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Trong đó, ước tính cứ 34 giây lại có một người bị đau tim mà nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa động mạch vành.

Trái tim hoạt động không bao giờ ngừng nghỉ với nhiệm vụ bơm trung bình khoảng 3000 lít máu mỗi ngày đi khắp cơ thể. Để có thể hoạt động bình thường, cơ tim cần được liên tục cung cấp máu và oxy qua hệ thống động mạch vành. Xơ vữa động mạch vành gây hẹp mạch vành, làm tắc nghẽn dòng máu về tim để nuôi dưỡng cơ tim.

Bệnh xơ vữa động mạch vành là gì?

Xơ vữa động mạch vành khởi đầu là tình trạng tích tụ cholesterol trong lòng động mạch. Các lớp cholesterol này cùng với các tế bào chết trong máu, protein, canxi hình thành nên mảng xơ vữa. Theo thời gian, mảng xơ vữa tiến triển dày lên, cứng lại khiến động mạch bị xơ hóa, có thể dẫn tới nứt vỡ và tạo ra các cục máu đông.

Hậu quả là lòng mạch bị thu hẹp, tổn thương liên tục kéo dài. Tim bị thiếu máu, thiếu oxy để hoạt động nên người bệnh bị đau thắt ngực. Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn bởi cục máu đông, người bệnh sẽ bị nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng của bệnh xơ vữa động mạch vành

Triệu chứng điển hình nhất của xơ vữa động mạch vành là các cơn đau thắt ngực, đau chính giữa tim và lan lên vai, cổ, hàm hoặc ra sau lưng. Thời gian diễn ra trong thời gian vài phút và thường giảm khi nghỉ ngơi, kết hợp dùng thuốc. Cơn đau thắt ngực thường kèm theo một số triệu chứng khác như:

–  Cảm giác khó thở, thở gấp.

–  Toát mồ hôi lạnh, buồn nôn hoặc nôn

–  Ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn, buồn đi cầu…

–  Cảm giác yếu ớt cùng cực, choáng váng, chóng mặt

–  Nhịp tim nhanh hoặc không đều

Người bệnh xơ vữa động mạch bị đau thắt ngực lan tỏa ở cổ, dưới hàm

Chẩn đoán xơ vữa động mạch vành

Khi có các triệu chứng của bệnh xơ vữa động mạch vành, người bệnh nên đến ngay bệnh viện chuyên khoa tim mạch. Tại đó, các bác sỹ sẽ kết hợp các triệu chứng với những kết quả xét nghiệm sau đây để chẩn đoán chính xác bệnh:

–  Kết quả đo điện tâm đồ khi người bệnh nghỉ ngơi và khi vận động nhẹ

–  Xét nghiệm máu do nồng độ cholesterol, C-reactive protein và canxi huyết

–  Dùng ống thông tim để xét nghiệm mạch vành

–  Siêu âm tim

–  X-quang tim, chụp cắt lớp tim, chụp cộng hưởng từ tim

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh xơ vữa động mạch vành

Xơ vữa động mạch vành là một bệnh lý tim mạch phổ biến, trong đó những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này là:

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

–  Là nam giới có nguy cơ mắc cao hơn nữ giới

–  Trên độ tuổi 65

–  Gia đình có người thân mắc bệnh tim mạch

Yếu tố nguy cơ thay đổi được:

–  Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thụ động với khói thuốc

–  Nồng độ cholesterol, đặc biệt là LDL cholesterol có hại ở mức cao

–  Tăng huyết áp (trên 140/90 mmHg)

–  Đái tháo đường không kiểm soát được đường huyết

–  Thừa cân béo phì

–  Chế độ ăn nhiều chất béo, uống nhiều rượu bia

–  Cuộc sống quá căng thẳng không kiểm soát

Điều trị bệnh xơ vữa động mạch vành

Thay đổi lối sống

Trong giai đoạn đầu, bạn có thể không cần phải dùng thuốc mà áp dụng các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được thông qua chế độ ăn uống khoa học: hạn chế ăn nhiều chất béo, rượu bia, bỏ thuốc lá, giảm cân nếu thừa cân. Đồng thời, người bệnh cần luyện tập thể dục thường xuyên với thời gian khuyến cáo ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Điều trị dùng thuốc

Nếu việc thay đổi lối sống để kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ vẫn không thể ngăn chặn được tiến triển của bệnh xơ vữa động mạch vành, thì người bệnh sẽ cần đến sự hỗ trợ của các loại thuốc điều trị. Các bác sỹ sẽ kê đơn thuốc phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của từng người bệnh, và người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định.

Các phương pháp khác

Phương pháp đặt stent trong điều trị xơ vữa động mạch vành

–  Nong mạch vành, đặt stent: Phương pháp dùng ống thông có bóng nong mạch và stent ở đầu ống. Ống thông này được đưa đến vị trí xơ vữa động mạch, bóng nong mạch được bơm căng để ép mảng xơ vữa vào thành mạch nhằm nong rộng lòng động mạch. Sau đó, 1 stent có thể được đặt tại vị trí này để “gia cố” phần mạch bị tổn thương này.

–  Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Một hoặc nhiều phần của động mạch vành bị xơ vữa sẽ được bỏ qua và thay thế bằng một động mạch hoặc tĩnh mạch khác, giúp dẫn máu lưu thông về vùng cơ tim bị thiếu máu.

–  Tăng cường chu kỳ tim bên ngoài (EECP): Phương pháp dùng các lực cơ học từ máy EECP để tạo áp lực lên mạch máu ở chân với chủ đích cải thiện lưu lượng máu về tim.

Ba phương pháp kể trên chỉ có thể làm tăng lượng máu về tim, giải quyết tức thời nhu cầu máu và oxy cho các tế bào cơ tim mà không điều trị được nguyên nhân gốc rễ. Người bệnh vẫn sẽ cần phải thay đổi lối sống, phải dùng thuốc theo đơn của bác sỹ để chung sống lành mạnh với căn bệnh này nhằm giảm thiểu các nguy cơ biến chứng tim mạch trong tương lai.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo

http://my.clevelandclinic.org/health/articles/coronary-artery-disease

Viết bình luận