Bệnh tăng động

Trẻ tăng động chậm nói – Lý giải nguyên nhân và cách điều trị!

Ngày đăng: 11 Tháng Chín, 2018
5/5 - (4 bình chọn)

Theo các số liệu thống kê gần đây, đa phần trẻ tăng động giảm chú ý đều chậm phát triển ngôn ngữ. Điều này khiến trẻ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Vậy tại sao trẻ tăng động chậm nói? Và liệu có cách nào để điều trị hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Nguyên nhân nào khiến trẻ tăng động chậm nói?

Chậm nói là một trong những triệu chứng điển hình của trẻ tăng động, nguyên nhân là do:

Trẻ thiếu tập trung, chú ý

Trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ (1 – 2 tuổi), trẻ sẽ học hỏi từ những người xung quanh để bổ sung vốn từ, cách phát âm, cách ghép câu và ngữ điệu của mình. Tuy nhiên với trẻ tăng động, sự thiếu tập trung chú ý dường như đã cản trở quá trình tiếp nhận thông tin mới của trẻ, khiến ngôn ngữ phát triển chậm hơn những trẻ khác.

Cấu trúc não bất thường

Thùy trán của não bộ là nơi xử lý mọi suy nghĩ của trẻ và điều khiển các hoạt động như nói chuyện, đi đứng, ghi nhớ, tổ chức sắp xếp công việc, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề… Tuy nhiên thùy trán của trẻ tăng động thường có kích thước nhỏ hơn so với trẻ bình thường, điều này dẫn đến sự suy giảm các chức năng của thùy trán. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ tăng động chậm nói và yếu kém về các kỹ năng xã hội.

Thùy trán não trẻ tăng động thường có kích thước nhỏ hơn

Sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng não bộ của trẻ tăng động thường bị thiếu hụt dopamine – một chất dần truyền thần kinh liên quan tới chức năng của thùy trán, góp phần vào những phản ứng thái quá và ảnh hưởng nhiều tới việc học tập, ghi nhớ, kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ.

Sóng điện não chậm

Sự gia tăng sóng chậm trong não bộ (hay còn gọi là sóng theta) là nguyên nhân khiến trẻ tăng động thường mất tập trung, hay mơ mộng và dễ buồn ngủ hơn khi đang đọc hoặc nghe người khác nói, do vậy trẻ thường không tiếp thu được những điều mới mẻ, dẫn đến quá trình trau dồi kỹ năng ngôn ngữ chậm hơn các trẻ khác.

Hướng dẫn cách nhận biết trẻ tăng động chậm nói

Ông cha ta vẫn có câu “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò do tập đi” và bắt đầu từ tháng thứ 12 trẻ sẽ bất đầu “ê”, “a” những câu chữ đầu đời. Với trẻ tăng động giảm chú ý, đây chính là giai đoạn dễ dàng nhận thấy những điểm bất thường trong kỹ năng ngôn ngữ của trẻ, do đó cha mẹ cần chú ý tới những biểu hiện sau:

Trẻ 12 tháng tuổi

– Không chủ động tìm cách giao tiếp với người khác.

– Chưa biết nói một từ đơn nào chẳng hạn như: ba, bà, ạ, măm…

– Không phản ứng lại khi được gọi tên.

– Vốn từ ngữ tăng chậm.

Trẻ 2 tuổi

– Không thể nói được nhiều từ, vốn từ ít, khoảng dưới 15 từ.

– Không thể nối 2 từ với nhau để thành một từ có nghĩa.

– Chỉ biết nhại lại lời người khác, không thể tự nói lên suy nghĩ của bản thân.

– Gặp khó khăn khi thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản.

– Không hiểu rõ công dụng của các đồ vật trong nhà.

Trẻ 3 tuổi

– Chưa nói được một câu ngắn như “con muốn ăn cơm”, “con đói rồi”…

– Không hiểu những chỉ dẫn, câu hỏi ngắn như “hôm nay con muốn làm gì?”, “lấy giùm mẹ lọ muối”…

– Nói lắp, nói ngọng, lời nói không rõ ràng.

– Không biết đặt câu hỏi.

– Khó tách rời khỏi bố mẹ.

Trẻ 3 tuổi chưa nói được 1 câu ngắn gọn có thể là biểu hiện của chậm nói

Cách giúp trẻ tăng động cải thiện kỹ năng ngôn ngữ

Can thiệp sớm là rất quan trọng với trẻ tăng động chậm nói. Nếu thấy bé có những biểu hiện bất thường về ngôn ngữ, hãy ngay lập tức cho con đi khám để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Ngoài ra, một số chiến lược của các chuyên gia dưới đây có thể mang nhiều lợi ích cho trẻ tăng động chậm nói:

Cần sự tương tác và phối hợp giữa các thành viên trong gia đình

– Tạo cảm giác an toàn, dễ chịu khi trẻ ở nhà: Bạn phải thật sự kiên nhẫn với trẻ, nếu thấy trẻ ấp úng, khó nói, hãy cung cấp từ vựng để giúp trẻ tiếp tục câu chuyện, tránh để mọi người xung quanh cười nhạo trẻ.

– Đọc sách cho trẻ nghe hoặc khuyến khích trẻ đọc sách: Điều này giúp tăng vốn từ vựng và kích thích những ý tưởng sáng tạo của trẻ.

– Trò chuyện với trẻ nhiều hơn: Tạo cơ hội để trẻ được tham gia thảo luận về các chủ đề, sự kiện trong cuộc sống tại các bữa ăn tối hay cuộc họp gia đình.

– Tạo cơ hội để trẻ được tiếp xúc với bạn bè, người thân trong gia đình: Đây chính là cách giúp trẻ tăng kỹ năng giao tiếp

– Đề nghị giúp trẻ làm bài tập về nhà: Bạn có thể giúp trẻ viết hoặc đánh máy khi trẻ trả lời các câu hỏi bằng lời nói.

– Dạy trẻ cách kể chuyện: Bạn có thể đưa ra một chủ đề như “Hãy kể về người bạn con yêu quý nhất”, “Kể cho mẹ/cha nghe về những gì con đã làm ở trên lớp?để trẻ có cơ hội được giao tiếp, cũng như đưa ra những ý kiến của bản thân.

Nhờ sự trợ giúp của giáo viên tại trường học

– Giảm áp lực thời gian bằng cách rút ngắn nhiệm vụ của trẻ: Nếu một bài kiểm tra có 6 câu hỏi tự luận, giáo viên có thể yêu cầu trẻ chỉ cần trả lời 3 câu thôi. Trong trường hợp trẻ phải làm hết, bạn có thể tăng thời gian hoàn thành nhiệm vụ của trẻ

– Không trừ điểm của trẻ nếu trẻ viết xấu hay sai ngữ pháp, trừ trường hợp bài tập có yêu cầu: Bởi không như những đứa trẻ bình thường, trẻ tăng động chậm nói thường phải cố gắng rất nhiều để có thể ghi nhớ, giao tiếp, thực hiện các kỹ năng đọc, viết, do đó nếu trẻ có sai đôi chút bạn cũng có thể chấp nhận, thông cảm với trẻ. Tuy nhiên, bạn cần chỉ ra lỗi sai của trẻ và hướng dẫn trẻ cách thực hiện đúng.

– Thầy cô nên khuyến khích trẻ tự đặt câu hỏi: Để giúp trẻ tăng động chậm nói cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, bạn nên khuyến khích trẻ thường xuyên đặt ra các câu hỏi ở trên lớp cũng như ở nhà.

– Khuyến khích trẻ đọc bài trước lớp: Giáo viên có thể yêu cầu trẻ đọc các bài học trước lớp và đề nghị các bạn không cười nhạo nếu trẻ đọc sai, đồng thời kiên nhẫn lắng nghe trẻ đọc hết và hướng dẫn trẻ đọc đúng chính tả.

Để hiểu rõ hơn về cách giáo dục hành vi cho trẻ tăng động chậm nói, các bậc phụ huynh có thể tham khảo qua video sau:

Cách giáo dục hành vi cho trẻ tăng động chậm nói

Như mọi kỹ năng khác, khả năng nói của trẻ tăng động cũng có thể được cải thiện bằng cách rèn luyện. Điều quan trong là cha mẹ cần nhận biết sớm trẻ tăng động chậm nói, từ đó có những biện pháp thích hợp giúp trẻ cải thiện kỹ năng này.

Ds. Mai Hoa

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

 

Nguồn tham khảo:

https://ct.counseling.org/2015/01/the-connection-between-adhd-speech-delays-motor-skill-delays-sensory-processing-disorders-and-sleep-issues/

https://www.additudemag.com/language-skills-reading-writing-help-adhd-children/

Viết bình luận