Hoạt động Trung Mỹ

Trải nghiệm khóa học can thiệp hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý

Ngày đăng: 4 Tháng Năm, 2021
4.7/5 - (3 bình chọn)

Ngoài những kiến thức chuyên môn về thuốc, Dược sĩ Cao Thủy – Tốt nghiệp Trường Đại Học Dược Hà Nội còn rất am hiểu về lĩnh vực tâm lý trẻ em, nghiên cứu sâu về hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ. Sau khi tham dự “Khóa học can thiệp hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý” được tổ chức tại Khoa Giáo dục đặc biệt – Trường ĐHSP Hà Nội, do Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo giảng dạy, dược sỹ cũng đã có những chia sẻ rất hữu ích như sau.

Chia sẻ về những khó khăn mà trẻ tăng động giảm chú ý gặp phải

Theo TS. Đỗ Thị Thảo, tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển khá phổ biến, thường khởi phát từ thời thơ ấu và khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập, cuộc sống, đặc biệt gây thiếu hụt về các chức năng điều hành, trong đó bao gồm:

– Kỹ năng tổ chức: Trẻ thường không biết sắp xếp đồ dùng học tập, đồ chơi,… của mình.  Phòng ngủ, phòng học của trẻ luôn trong tình trạng bề bộn, lộn xộn, không ngăn nắp.

– Kỹ năng quản lý thời gian: Trẻ không biết cách ước tính, phân phối thời gian để thực hiện các nhiệm vụ trong ngày. Có những nhiệm vụ đơn giản thì trẻ lại quá chú tâm và dành quá nhiều thời gian, còn những nhiệm vụ quan trọng thì lại lơ là, bỏ dở giữa chừng.

– Kỹ năng lập kế hoạch: Trẻ khó có thể làm mọi việc theo một kế hoạch nhất định, thường chờ đến phút chót mới làm và sau đó thì không biết mình cần phải làm gì để hoàn thành những nhiệm vụ được giao phó.

– Kỹ năng bắt đầu nhiệm vụ: Trẻ tăng động thường xuyên tìm mọi cách để trì hoãn thời gian bắt đầu một nhiệm vụ bất kỳ. Ví dụ trẻ hay lấy lý do phải gọt bút chì, tìm sách vở,… để tránh không phải làm bài tập về nhà.

– Khả năng kiềm chế cảm xúc, tự điều chỉnh hành vi: Trẻ không thể kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình, dễ tức giận, cáu gắt vô cớ và thường thiếu kiên nhẫn, nên rất khó có thể chờ đến lượt của mình khi chơi các trò chơi hay xếp hàng ở nơi công cộng,…

– Khó khăn trong việc học tập: Vì sự thiếu tập trung, chú ý nên các kỹ năng như nghe, nói, đọc, viết,… của trẻ đều kém hơn bạn bè đồng trang lứa. Trẻ thường nói ngọng, nói lắp, nghe không rõ, không hiểu được lời thầy cô hướng dẫn,… nên việc học tập ngày càng sa sút, từ đó dễ bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt, xa lánh.

TS. Đỗ Thị Thảo chia sẻ kiến thức trong buổi học can thiệp hành vi cho trẻ tăng động

Hướng dẫn cha mẹ cách can thiệp hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý

Chỉ với 3 buổi học ngắn ngủi, nhưng Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo đã chia sẻ rất nhiều kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ tăng động giảm chú ý. Theo cô, để giúp các con mau chóng cải thiện hành vi, kiểm soát cảm xúc và khắc phục những khó khăn trong học tập, cuộc sống, điều quan trọng nhất đó là cha mẹ cần luôn quan tâm, san sẻ cùng con. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản trong việc nuôi dạy trẻ tăng động giảm chú ý bao gồm:

– Tạo những thói quen tốt cho trẻ: Cùng con thiết lập kế hoạch hằng ngày thật chi tiết, trong đó có mốc thời gian cụ thể cho từng nhiệm vụ và yêu cầu con nghiêm túc thực hiện theo. Điều này giúp trẻ tập trung, chú ý và cải thiện kỹ năng tổ chức, sắp xếp, quản lý thời gian, công việc tốt hơn.

– Khen ngợi, động viên trẻ: Thường xuyên dành những lời khen ngợi khi con làm được việc tốt hoặc tặng quà theo hình thức đổi điểm, tức là mỗi một việc tốt mà con làm trong ngày sẽ được tính là 1 điểm, sau đó cuối tuần tổng kết điểm và tặng con phần quà tương ứng. Ví dụ khi con được 5 điểm sẽ tặng một quyển sách, còn nếu được 10 điểm sẽ được đi chơi cùng cha mẹ,… Việc làm này sẽ giúp con cảm thấy những nỗ lực của mình được công nhận và tiếp tục cố gắng để làm nhiều điều đúng đắn hơn.

– Giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực của trẻ: Cha mẹ cần hiểu rõ năng lực của trẻ để có thể đưa ra những nhiệm vụ phù hợp, tránh đơn giản hoặc phức tạp quá. Lưu ý không yêu cầu trẻ làm nhiều việc cùng lúc và nên hạn định thời gian ngắn từ 15 – 20 phút cho mỗi nhiệm vụ, như vậy trẻ sẽ dễ dàng hoàn thành và hứng thú với những nhiệm vụ tiếp theo.

– Khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa: Cơ thể trẻ tăng động luôn trong trạng thái dư thừa năng lượng, nên trẻ sẽ rất nghịch ngợm, hiếu động, bởi vậy cha mẹ nên cho con theo học các lớp như Yoga, ngồi thiền, cùng con đi bộ mỗi ngày và hướng dẫn con cách hít sâu thở chậm khi bồn chồn, lo lắng,… những điều này sẽ giúp con cải thiện sức khỏe và tinh thần tốt hơn.

– Dành thời gian trò chuyện với con nhiều hơn: Cha mẹ nên thường xuyên tâm sự, trò chuyện cùng con để hiểu rõ những khó khăn mà con đang gặp phải, từ đó đưa ra những hướng dẫn cụ thể giúp con vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

Không chỉ chia sẻ những kiến thức chuyên sâu, TS. Đỗ Thị Thảo cũng đưa ra nhiều tình huống cũng như các bài tập cụ thể, để giúp các học viên dễ dàng hiểu rõ nội dung buổi học và có thể thực hành ngay.

Cả lớp nhận bằng khen và lưu giữ những kỉ niệm khi học cùng nhau

Mong rằng những chia sẻ của Dược sĩ Cao Thủy đã phần nào giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về khó khăn mà trẻ tăng động gặp phải, đồng thời biết cách chăm sóc, nuôi dạy để giúp con mau chóng thoát khỏi chứng tăng động giảm chú ý này!

Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học can thiệp hành vi cho trẻ tăng động

Xem thêm:

Các phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý phổ biến hiện nay

Hướng dẫn cách giáo dục hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý

Giải pháp thảo dược giúp cải thiện chứng tăng động giảm chú ý hiệu quả

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Viết bình luận