Bệnh mạch vành

Spironolacton – Thuốc lợi tiểu giữ kali cho người bệnh tim mạch

Ngày đăng: 25 Tháng Mười Hai, 2018
5/5 - (2 bình chọn)

Khắc phục nhược điểm của nhóm thuốc lợi tiểu tăng đào thải kali, Spironolacton là đại diện tiêu biểu cho thuốc lợi tiểu “tiết kiệm” kali, ngăn không cho cơ thể thấp thụ quá nhiều muối và phòng ngừa biến chứng hạ kali huyết. Tuy vậy, Spironolacton vẫn còn tồn tại những tác dụng phụ nghiêm trọng mà người bệnh không nên chủ quan. Tất cả thông tin về thuốc sẽ có trong bài viết dưới đây.

Cơ chế tác dụng của Spironolacton

Spironolacton có tác dụng đối kháng với aldosteron – một hormon được sản xuất bởi tuyến thượng thận đóng vai trò giữ muối nước trong cơ thể. Kết quả là Spironolacton làm tăng bài tiết natri và nước, đồng thời thuốc còn làm giảm bài tiết kali, H+ theo đường nước tiểu. Hiệu quả thể hiện rõ nhất sau 2 – 3 ngày và kéo dài tối đa 3 ngày sau khi ngừng thuốc.

Do đó, thuốc được ứng dụng trong điều trị bệnh tim mạch và nhiều bệnh lý khác để giảm phù nề, hạ huyết áp.

Spironolacton – Thuốc lợi tiểu giữ kali

Chỉ định của Spironolacton

Spironolacton được dùng phổ biến trong điều trị các bệnh sau:

– Phù do suy tim, xơ gan cổ trướng, suy thận.

– Tăng huyết áp vô căn (kết hợp với các thuốc hạ áp khác).

– Tăng aldosteron nguyên phát.

– Người bị giảm kali huyết.

Tại một số nước, Spironolacton còn được dùng để điều trị mụn trứng cá, rụng tóc di truyền..

Chống chỉ định của Spironolacton

Spironolacton không thích hợp cho những đối tượng sau:

– Người bị quá mẫn với thành phần của thuốc.

– Người bị suy thận cấp, vô niệu.

– Người bệnh Addison (suy giảm hormon tuyến thượng thận).

– Người bị rối loạn điện giải: tăng kali máu, hạ natri máu.

– Nhiễm acid máu.

– Phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Tương tác của thuốc lợi tiểu Spironolacton với thuốc khác

Spironolacton có thể gây tương tác với một số thuốc sau, do đó cần thận trọng khi sử dụng kết hợp:

– Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (benazepril, captopril, enalapril…); thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (losartan, valsartan…); furosemide kết hợp cùng Spironolacton có thể làm tăng nguy cơ suy thận, tăng kali máu quá mức.

– Thuốc chống viêm NSAID: làm giảm tác dụng lợi tiểu của Spironolacton và tăng nguy cơ tổn thương thận.

– Thuốc hạ cholesterol như cholestyramine kết hợp cùng Spironolacton làm tăng kali và nguy cơ nhiễm acid máu.

– Thuốc trợ tim Digoxin: Spironolacton làm tăng tác dụng của Digoxin.

Tác dụng phụ của Spironolacton

Tác dụng không mong muốn phổ biến nhất của Spironolacton là tăng kali máu, vú to và hạ huyết áp quá mức:

– Tăng kali huyết: với biểu hiện yếu cơ, người mệt mỏi, ngứa ra, tê liệt ở bàn tay hoặc bàn chân, nhịp tim chậm…

– Vú to: Spironolacton có thể khiến ngực phình to ở cả nam và nữ. Triệu chứng này thường biến mất sau khi bạn ngừng thuốc.

– Rối loạn điện giải: với các triệu chứng khô miệng, khát nhiều, yếu cơ, mệt mỏi, tim đập nhanh, chóng mặt và không thể đi tiểu…

– Huyết áp thấp: gây chóng mặt, choáng váng, đau đầu, hoa mắt…

– Phản ứng dị ứng: gây phát ban da, phồng rộp, lột da, sốt, khó thở, nặng hơn là gây sưng môi, lưỡi, cổ họng…

Đây không phải là danh sách đầy đủ những tác dụng phụ của Spironolacton. Nếu thấy cơ thể xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào không chỉ là những biểu hiện trên, bạn cần báo ngay cho bác sỹ điều trị.

Vú to ở nam giới là một tác dụng phụ của Spironolacton

Lưu ý khi dùng Spironolacton

– Ngay cả khi bạn có những biểu hiện tương tự như những người đang dùng Spironolacton thì bạn cũng không được tự ý dùng thuốc mà chưa có ý kiến bác sỹ.

– Bạn có thể dùng Spironolacton cùng với bữa ăn hoặc xa bữa ăn vào thời điểm nhất định trong ngày.

– Thuốc có thể gây ra ảnh hưởng đến một số xét nghiệm, vì vậy hãy thông báo cho bác sỹ về việc đang sử dụng Spironolacton.

– Cần ngưng sử dụng Spironolacton một thời gian ngắn trước khi thực hiện phẫu thuật.

– Nếu bạn đang điều trị bệnh cao huyết áp, hãy tiếp tục duy trì dùng thuốc theo đơn ngay cả khi huyết áp đã trở về bình thường bởi đây là bệnh mạn tính, đòi hỏi phải điều trị lâu dài.

– Uống rượu có thể làm tăng tác dụng phụ của Spironolacton, do đó bạn cần ngừng uống rượu khi đang dùng thuốc.

– Không sử dụng sản phẩm thay thế muối, thực phẩm chứa hàm lượng kali cao như dưa hấu, đậu đen, rau cải, khoai lang, bí đỏ… khi đang uống Spironolacton.

– Ăn giảm muối để tránh giữ nước và làm giảm hiệu quả của Spironolacton.

– Hạn chế ở trong môi trường quá nóng, tránh để mất nước khi đang dùng Spironolacton vì có thể gây rối loạn điện giải.

– Spironolacton có thể ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của bạn, do đó hãy cẩn trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

– Để tránh nguy cơ hạ huyết áp quá mức, bạn cần tránh thức dậy quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm. Nếu thấy chóng mặt, bạn hãy đứng dậy một cách từ từ, chậm rãi.

Spironolacton là loại thuốc khá thông dụng giúp giải quyết các triệu chứng phù, huyết áp cao cho người bệnh tim mạch. Để giảm thiểu những rủi ro khi sử dụng Spironolacton, bạn cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra chức năng tim, gan, thận, huyết áp để kịp thời phát hiện bất thường và xử trí.

Xem thêm:

Những điều cần biết về thuốc lợi tiểu Furosemid

Ds. Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.healthline.com/health/spironolactone-oral-tablet#about

https://www.drugs.com/spironolactone.html

https://www.pharmawiki.ch/wiki/index.php?wiki=spironolacton

Viết bình luận