Plavix là tên thương mại của Clopidogrel – một thuốc kháng tiểu cầu được dùng phổ biến cho hầu hết người bệnh tim mạch kể từ năm 1998. Trong suốt hơn 20 năm qua, Plavix vẫn được đánh giá là loại thuốc chống đông máu khá an toàn và hiệu quả, điều này đã tạo tâm lý chủ quan cho nhiều người dùng, bởi thực tế nó vẫn tiềm ẩn những mối nguy hại khó lường.
Mục lục
Khi bạn bị thương, cơ thể sẽ tự sửa chữa bằng cách hình thành cục máu đông để ngăn máu chảy quá mức. Quá trình này có sự tham gia của các tiểu cầu, chúng liên kết với nhau để tạo nên một mạng lưới bắt giữ các hồng cầu. Plavix ức chế sự hình thành cục máu đông bằng cách ngăn cản các tiểu cầu kết tập lại với nhau.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu Plavix (clopidogrel)
Việc ngăn chặn cục máu đông hình thành có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nó xuất hiện tại những vị trí trọng yếu như mạch vành (mạch máu nuôi tim), mạch máu não… Do đó, thuốc được chỉ định trong những trường hợp sau:
– Ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác ở người bệnh xơ vữa động mạch.
– Hội chứng mạch vành cấp.
– Người bệnh rung tâm nhĩ.
– Phòng ngừa cục máu đông sau phẫu thuật tim mạch như đặt stent, bắc cầu động mạch, thay van tim…
Thuốc Plavix không thích hợp sử dụng trong những đối tượng sau:
– Người bị dị ứng với Plavix hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
– Người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, chảy máu nội tạng hoặc xuất huyết não.
– Người mắc bệnh gan, vàng da ứ mật.
– Phụ nữ có thai và cho con bú: Thuốc không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai trừ khi lợi ích lớn hơn nguy cơ rủi ro, hãy trao đổi với bác sỹ nếu bạn đang cho con bú.
– Người bệnh suy gan thận cần được đánh giá mức độ bệnh và hiệu chỉnh liều cho phù hợp.
Các tác dụng phụ dưới đây đã được báo cáo bởi ít nhất 1% người dùng thuốc này, mặc dù một số tác dụng phụ có thể tự biến mất theo thời gian:
– Chảy máu bất thường: chảy máu cam, máu trong nước tiểu, ho ra máu, đi ngoài phân đen, chảy máu nướu răng, bầm tím dưới da không rõ nguyên nhân…
– Các triệu chứng giống cúm: mệt mỏi đột ngột, sốt, ho, đau họng, khó thở, chóng mặt…
– Viêm phổi với các biểu hiện ho, sốt, khó thở, đổ mồ hôi về đêm…
– Phát ban trên da, ngứa da, dát sần, tróc vảy…
– Các vấn đề về gan như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn, đau bụng…
– Sưng họng, mặt, khó thở
– Các dấu hiệu đột quỵ như đau đầu dữ dội, giảm thị lực, giảm khả năng nói, tê hoặc đau ở cánh tay, chân…
– Rối loạn tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy, ợ nóng, buồn nôn, nôn mửa…
– Đau đầu, chóng mặt.
– Đau cơ, đau khớp.
– Vú to ở nam giới.
Nếu gặp phải một trong số những dấu hiệu trên, hãy hỏi ý kiến bác sỹ điều trị để được đánh giá mức độ ảnh hưởng và có hướng điều chỉnh liều phù hợp hoặc ngừng thuốc.
Bầm tím dưới da là biểu hiện tác dụng phụ của Plavix (Clopidogrel)
– Nếu bỏ lỡ 1 liều Plavix trong vòng 12 giờ, hãy dùng càng sớm càng tốt; nếu quá 12 giờ thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống như thường lệ.
– Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và độ ẩm, giữ xa tầm với của trẻ em.
– Ngừng Plavix vài ngày trước khi tiến hành bất kỳ phẫu thuật nào để phòng ngừa nguy cơ chảy máu quá mức.
– Tránh các thực phẩm giàu vitamin K như bắp cải, rau chân vịt, súp lơ… vì chúng có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Một số thực phẩm chứa salicylate làm tăng tác dụng của thuốc mà bạn cần hạn chế ăn là việt quất, táo, bơ, cam, đào, mận…
– Chú ý tránh để bị thương trong thời gian dùng thuốc, cẩn thận khi đi lại, lái xe, sử dụng dao kéo, máy cạo râu…
– Thông báo với bác sỹ nếu bạn đang sử dụng các thuốc khác, đặc biệt là thuốc chống đông máu khác, NSAIDs, thuốc chống trầm cảm… vì chúng có thể gây tương tác với Plavix.
– Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tình trạng đông máu để tránh nguy cơ quá liều.
Plavix chỉ thực sự an toàn khi bạn thực hiện đúng những lưu ý khi sử dụng. Hãy theo dõi những phản ứng bất thường của cơ thể khi dùng loại thuốc này để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.
Ds. Mạnh Hùng
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn tham khảo:
https://www.medbroadcast.com/drug/getdrug/plavix
https://www.drugs.com/plavix.html
https://www.rxlist.com/consumer_clopidogrel_plavix/drugs-condition.htm
Tin liên quan
Viết bình luận