Nifedipine là thuốc hạ áp không gây giữ muối nước và không ảnh hưởng đến tần số tim. Với những đặc tính ưu việt như vậy nên thuốc thường góp mặt trong nhiều phác đồ điều trị. Tuy nhiên đằng sau những lợi ích mang lại thì còn nhiều điều mà người bệnh tim mạch chưa hề biết tới.
Nếu bạn được kê đơn Nifedipine thì đừng bỏ qua những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Mục lục
Nifedipine (Adalate) là một trong những thuốc hạ áp thuộc nhóm chẹn kênh canxi. Thuốc hoạt động theo cơ chế ngăn chặn ion canxi đi vào trong tế bào cơ tim và cơ trơn thành mạch để kích hoạt sự co cơ tim và co mạch. Nhờ đó, thuốc làm giãn mạch, hạ huyết áp và giảm cơn đau thắt ngực
Nifedipine – Thuốc hạ áp nhóm chẹn kênh canxi
Với những công dụng kể trên, Nifedipine được dùng trong những trường hợp sau:
– Dự phòng cơn đau thắt ngực cho người bệnh tim mạch, đặc biệt là cơn đau ngực do co thắt vành Prinzmetal.
– Người bị tăng huyết áp.
– Hội chứng Raynaud: Tình trạng hẹp mạch máu làm giảm lượng máu tới ngón tay, ngón chân, đầu mũi, tai…
Những đối tượng sau đây cần thận trọng khi sử dụng vì nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao:
– Người bị mẫn cảm với thành phần của thuốc.
– Người bị sốc tim
– Hẹp động mạch chủ nặng
– Hẹp ống tiêu hóa nặng
– Người bị rối loạn chuyển hóa porphyrine (bệnh rối loạn di truyền máu di truyền).
– Người mới bị lên cơn nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tháng trở lại, đau thắt ngực không ổn định.
– Không dùng Nifedipine cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi và tiết vào sữa mẹ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng là rất hiếm khi xảy ra, tỷ lệ chỉ vào khoảng 1/1000 người. Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp của Nifedipine:
– Choáng váng, đau đầu, có thể ngất.
– Đau thắt ngực nghiêm trọng hơn.
– Tim đập nhanh, trống ngực.
– Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân.\
– Đau vùng thượng vị, vàng da, vàng mắt (có thể là dấu hiệu của tổn thương gan).
– Ợ nóng, buồn nôn, táo bón.
– Chuột rút cơ bắp, run chân tay.
– Ho, khò khè, đau họng, nghẹt mũi.
Liên hệ ngay với bác sỹ nếu bạn có biểu hiện dị ứng da như nổi mẩn, ngứa, đỏ; sưng, phồng rộp ở môi, lưỡi, cổ họng… vì đây là những dấu hiệu cảnh báo phản ứng dị ứng thuốc nghiêm trọng.
Nifedipine kết hợp cùng với thuốc hạ áp khác có thể gây ra tụt huyết áp quá mức với biểu hiện chóng mặt, ngất xỉu. Nếu điều này xảy ra bạn cần trao đổi với bác sỹ để cân nhắc liều lượng phù hợp.
Dưới đây là một số nhóm thuốc có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của Nifedipine mà bạn cần thông báo với bác sỹ trước khi sử dụng:
– Thuốc kháng sinh như rifampicin, clarithromycin, erythromycin…
– Thuốc chống nấm như fluconazole, itraconazole…
– Thuốc điều trị HIV và HCV (viêm gan C).
– Thuốc chống động kinh: natri valproate, phenobarbital, carbamazepine, phenytoin…
– Thuốc chữa viêm loét dạ dày như cimetidine.
– Thuốc chống trầm cảm: nefazodone, fluoxetine…
Lưu ý để sử dụng Nifedipine đúng cách
Để phòng ngừa và đối phó với các tác dụng phụ của Nifedipine, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
– Trong quá trình điều trị, nếu thấy cơn đau thắt ngực có dấu hiệu nặng lên nhanh chóng thì cần báo ngay với bác sỹ điều trị.
– Không nên sử dụng Nifedipine nếu bạn bị bệnh mạch vành nghiêm trọng hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim trong 2 tuần qua.
– Trước khi dùng thuốc, hãy cho bác sỹ biết về tiền sử mắc bệnh gan, thận, đường tiêu hóa, bệnh mạch vành, suy giáp, tiểu đường…
– Nếu cần phẫu thuật thì bạn cần tạm ngưng thuốc ít nhất 36 giờ trước khi phẫu thuật.
– Không được tự ý ngừng Nifedipine đột ngột mà chưa có ý kiến bác sỹ, ngay cả khi bạn thấy tình trạng bệnh ổn định vì có thể làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
– Không nghiền nát, nhai viên giải phóng kéo dài mà cần nuốt trọn viên với nước.
– Một số dạng viên có thể được bào chế bằng vỏ nang không tiêu hóa được, do đó vỏ có thể được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Đây là hiện tượng bình thường vì hàm lượng thuốc vẫn có thể được hấp thu đầy đủ và không bị ảnh hưởng tới tác dụng nên bạn không cần lo lắng.
– Nước bưởi và bưởi có thể gây tương tác với Nifedipine, gây ra tác dụng không mong muốn. Do đó nên hạn chế loại trái cây này khi đang dùng thuốc.
– Tránh thức dậy quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm vì có thể gây chóng mặt, tụt huyết áp. Bạn hãy đứng dậy từ từ để cơ thể kịp thích nghi với tư thế thay đổi.
Hy vọng rằng những thông tin về thuốc Nifedipine trong bài viết này sẽ giúp người bệnh biết sử dụng thuốc đúng cách để hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra. Trong quá trình dùng thuốc nếu nhận thấy có bất kỳ bất thường nào, đừng ngần ngại trao đổi với bác sỹ để tìm ra hướng xử lý phù hợp.
Ds. Mạnh Hùng
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Xem thêm:
Amlodipin – Thông tin về thuốc hạ áp đầu tay cho người bệnh tim
Nguồn tham khảo:
https://www.drugs.com/nifedipine.html
https://www.nhs.uk/medicines/nifedipine/
Tin liên quan
Viết bình luận