Bệnh mạch vành

Amlodipin – Thông tin về thuốc hạ áp đầu tay cho người bệnh tim

Ngày đăng: 7 Tháng Mười Hai, 2018
5/5 - (11 bình chọn)

Amlodipin là thuốc hạ áp thuộc nhóm chẹn kênh canxi được cấp bằng sáng chế lần đầu tiên năm 1986. Được coi là chỉ định đầu tay trong điều trị tăng huyết áp, Amlodipin có những ưu điểm vượt trội hơn so với các nhóm thuốc hạ áp khác. Tất cả những thông tin bạn cần về Amlodipin sẽ có trong bài viết dưới đây!

Amlodipin hoạt động như thế nào?

Amlodipin hoạt động theo cơ thế ức chế dòng canxi đi vào tế bào cơ trơn thành mạch và cơ tim. Trong đó, nồng độ canxi cao là yếu tố kích hoạt co mạch và co cơ tim. Vì vậy, Amlodipin mang lại những tác dụng sau:

– Giãn mạch, hạ huyết áp, giảm áp lực ngoại biên, giảm gánh nặng cho tim.

– Giảm tần số, mức độ đau thắt ngực.

– Giảm tiêu thụ năng lượng và nhu cầu oxy của cơ tim.

Ưu điểm của Amlodipin và các thuốc nhóm chẹn kênh canxi so với các nhóm thuốc hạ áp khác là không làm ảnh hưởng đến nồng độ lipid máu và không làm tăng tần số tim.

Amlodipin là thuốc đầu tay trong điều trị tăng huyết áp

Chỉ định của Amlodipin trong điều trị bệnh tim mạch, tăng huyết áp

Amlodipin có thể được dùng một mình hoặc phối hợp với các thuốc hạ áp khác cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi trong một số trường hợp sau:

– Tăng huyết áp: Amlodipin giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch do huyết áp cao như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim…

– Bệnh mạch vành:

+ Đau thắt ngực ổn định (cơn đau ngực thường xảy ra sau căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất)

+ Đau thắt ngực do co thắt mạch vành.

+ Người bệnh mạch vành không có suy tim để giảm nguy cơ nhập viện vì đau thắt ngực, can thiệp mạch vành.

Tác dụng phụ của Amlodipin

Tác dụng phụ đáng lưu ý nhất của Amlodipin là gây sưng phù ở chân tay, biểu hiện rõ ở mắt cá chân. Ngoài ra, thuốc còn gây ra các tác dụng phụ khác trên nhiều hệ cơ quan như:

– Trên tim mạch: gây thiếu máu cục bộ ngoại vi; viêm mạch; loạn nhịp tim như nhịp nhanh thất, rung tâm nhĩ, nhịp tim chậm…

– Hệ thần kinh: Đau dây thần kinh ngoại biên, dị cảm, run, chóng mặt, khô miệng, tăng tiết mồ hôi…

– Hệ tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy, chán ăn, khó nuốt, viêm tụy, nôn mửa…

– Hệ cơ xương: đau cơ, đau khớp, chuột rút cơ bắp…

– Hệ hô hấp: khó thở

– Da: ngứa da, ban đỏ, nổi mẩn…

– Ảnh hưởng tâm lý: mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm, lo âu, chán nản…

– Ảnh hưởng trên mắt: viêm kết mạc, đau mắt, giảm thị lực…

– Ảnh hưởng trên chuyển hóa: làm tăng đường huyết, tăng cảm giác khát.

– Ảnh hưởng trên công thức máu: giảm bạch cầu, tiểu cầu; xuất huyết trên da…

Đối tượng cần thận trọng khi dùng Amlodipin

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc, do đó cần thận trọng khi sử dụng:

– Người có tiền sử quá mẫn với Amlodipin hoặc bất kỳ thuốc nào trong nhóm chẹn kênh canxi.

– Người bị huyết áp thấp.

– Người bị nhồi máu cơ tim.

– Người bệnh suy gan, suy thận.

– Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Tương tác thuốc với Amlodipin

Amlodipin có thể gây tương tác với một số thuốc khác khi dùng phối hợp. Do đó bạn cần thông báo về tất cả các loại thuốc đang dùng cho bác sỹ. Các tương tác đáng lưu ý là:

– Các thuốc làm tăng nồng độ Amlodipin trong máu, tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc: Ditiazem; thuốc chống nấm như itraconazol, ketoconazol; kháng sinh clarithromycin; thuốc cường dương như sildenafil, tadalafil…

– Thuốc hạ mỡ máu simvastatin: kết hợp cùng Amlodipin có thể làm tăng nồng độ cholesterol máu.

– Thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporin, tacrolimus: Amlodipin làm tăng nồng độ các thuốc này trong cơ thể, kéo theo nhiều nguy cơ tác dụng phụ.

Lưu ý cho người bệnh tim mạch khi dùng Amlodipin

Nếu được kê đơn Amlodipin, bạn cần nắm vững những lưu ý sau trong quá trình sử dụng:

– Không uống rượu bia khi đang dùng Amlodipin vì có thể gây hạ huyết áp quá mức và tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khác.

Không uống rượu bia khi đang dùng Amlodipin

– Khi huyết áp được ổn định, bạn không được tự ý ngừng thuốc có thể gây ra khiến huyết áp tăng cao đột ngột. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính do đó việc sử dụng thuốc có thể cần phải thực hiện suốt đời.

– Đau ngực có thể trở nên nặng hơn sau liều Amlodipin đầu tiên hoặc khi tăng liều, gọi cho bác sỹ nếu cơn đau thắt ngực kéo dài và không thuyên giảm.

– Tránh ngồi dậy hoặc đứng lên một cách đột ngột, hãy thực hiện động tác một cách từ từ để tránh hạ huyết áp tư thế.

– Nếu quên một liều, bạn cần dùng ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian quá 12 giờ, hãy bỏ qua liều đã quên, không dùng bù cùng liều kế tiếp vì có thể gây ngộ độc.

Mặc dù Amlodipin là thuốc hạ áp được sử dụng khá phổ biến và an toàn nhưng tác dụng phụ của thuốc vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài. Do đó, bạn cần nắm vững những lưu ý khi sử dụng để đảm bảo an toàn trong quá trình dùng thuốc.

Xem thêm: Các loại thuốc điều trị bệnh mạch vành thường được sử dụng

Ds Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.rxlist.com/norvasc-drug.htm#dosage

https://www.healthline.com/health/amlodipine/oral-tablet#about

Viết bình luận