Bệnh mạch vành

Lipitor và những lưu ý trong điều trị

Ngày đăng: 2 Tháng Mười Một, 2018
5/5 - (4 bình chọn)

Lipitor (atorvastatin) được mệnh danh là thuốc hạ mỡ máu kê đơn bán chạy nhất mọi thời đại. Điều gì đã làm nên tính hiệu quả của thuốc và thực sự Lipitor có ưu việt như những lời đồn thổi. Hãy cùng khám phá bí ẩn về loại thuốc này trong bài viết dưới đây.

Lipitor hoạt động như thế nào?

Lipitor là tên biệt dược của hoạt chất atorvastatin – một “thành viên” của nhóm thuốc hạ mỡ máu statin. Do đó, thuốc cũng hoạt động theo cơ chế ức chế enzym HMG – CoA reductase tham gia vào quá trình tổng hợp cholesterol tại gan, đồng thời làm giảm sản xuất các mỡ xấu trong máu như LDL – C, triglycerid và tăng nồng độ “mỡ tốt” HDL – C trong máu.

Trong đó, mỡ xấu trong máu tăng cao sẽ lắng đọng trên thành mạch và tham gia hình thành nên mảng xơ vữa gây tắc nghẽn mạch máu.

Lipitor là thuốc hạ mỡ máu nhóm statin được dùng nhiều nhất

Chỉ định của Lipitor

Nhờ những tác dụng trên, Lipitor được ứng dụng điều trị trong các trường hợp sau:

Rối loạn lipid máu

– Tăng lipid máu nguyên phát.

– Tăng lipid máu tổng hợp.

– Tăng cholesterol máu có tính chất gia đình dị hợp tử và đồng hợp tử.

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Lipitor giúp làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ ở người bệnh mạch vành và những người có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch như huyết áp cao, tiểu đường, tuổi cao, hút thuốc lá…

Lipitor không dùng trong trường hợp nào?

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, không dùng Lipitor trong một số trường hợp sau:

– Người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

– Suy giảm chức năng gan nặng.

– Người bị tăng transaminases huyết thanh quá 3 lần so với mức bình thường.

– Phụ nữ có thai, đang cho con bú vì thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và em bé.

Tác dụng phụ của Lipitor

Bất kỳ thuốc nào khi sử dụng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra tác dụng không mong muốn, Lipitor cũng không phải ngoại lệ. Dưới đây là một số tác dụng phụ mà bạn cần chú ý theo dõi khi dùng Lipitor:

– Tổn thương cơ: với biểu hiện đau cơ, yếu cơ không giải thích được, sốt, mệt mỏi bất thường, nước tiểu sẫm màu…

– Tổn thương gan: Lipitor có thể gây viêm gan, xơ gan với các triệu chứng như mệt mỏi, ăn mất ngon, đau tức hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt…

– Tổn thương mô xương, suy thận.

– Giảm trí nhớ, hay nhầm lẫn.

– Đau đầu dữ dội và đột ngột, kèm theo buồn nôn, mất cảm giác…

– Phù, tăng cân, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc vô niệu.

– Phản ứng dị ứng: phát ban da; ngứa; sưng mặt, môi, lưỡi, họng… gây khó thở, khó nuốt.

Đau cơ là biểu hiện tác dụng phụ của Lipitor

Lipitor có tương tác với thuốc nào không?

Có rất nhiều loại thuốc có thể tương tác với Lipitor. Do đó, bạn cần báo cho bác sỹ hoặc dược sỹ về tất cả các thuốc mà bạn đang dùng, đáng chú ý nhất là những thuốc dưới đây:

– Thuốc tim mạch như: digoxin, diltiazem…

– Thuốc hạ mỡ máu khác cùng nhóm statin: simvastatin, rosuvastatin, lovastatin…

– Thuốc kháng sinh như clarithromycin, erythromycin, rifampicin…

– Thuốc kháng nấm: fluconazole, itraconazole, ketoconazole…

– Thuốc kháng virus như darunavir, nelfinavir, ritonavir…

– Thuốc chống thải ghép như cyclosporine, tacrolimus, sirolimus…

– Thuốc chống đông máu warfarin.

– Thuốc tránh thai đường uống gestoden, desogestrel, norgestimat…

– Thuốc trị gút colchicine.

– Thuốc điều trị động kinh phenytoin.

Lưu ý khi sử dụng Lipitor

– Trước khi sử dụng Lipitor bạn cần thông báo với bác sỹ về tất cả tiền sử bệnh lý của mình, đặc biệt là các bệnh liên quan đến tuyến giáp, đau cơ, bệnh gan, thận…

– Lipitor sẽ không làm giảm cholesterol máu hiệu quả nếu bạn không tuân thủ kế hoạch ăn kiêng (giảm chất béo), luyện tập thể dục để kiểm soát trọng lượng cơ thể.

– Không uống rượu khi đang dùng Lipitor vì có thể làm tăng nồng độ triglyceridvà tăng nguy cơ tổn thương gan.

– Hạn chế ăn bưởi, uống nước ép bưởi vì có thể làm tăng nồng độ thuốc trong máu gây ra ngộ độc do quá liều.

– Khi bạn lỡ quên 1 liều Lipitor, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nếu quá 12 giờ so với thời điểm uống liều cuối cùng, hãy bỏ qua liều đó và uống như lịch trình hằng ngày.

– Bảo quản Lipitor ở nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 25 độ C.

– Nuốt toàn bộ viên Lipitor với nước, không nhai hay nghiền nát viên thuốc.

– Kiểm tra chức năng gan và các chỉ số mỡ máu định kỳ để đảm bảo thuốc đang hoạt động tốt và không gây tổn thương gan.

Như vậy, mặc dù không thể phủ nhận lợi ích của Lipitor trong điều trị rối loạn mỡ máu và bệnh tim mạch nhưng những tác dụng phụ mà thuốc gây ra cũng không hề nhỏ. Điều quan trọng là bạn cần dùng thuốc theo chỉ định, theo dõi những phản ứng trên cơ thể và kịp thời báo cho bác sỹ điều trị để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Xem thêm:

Thuốc hạ mỡ máu Simvastatin và những lưu ý trong điều trị

8 thực phẩm tốt nhất dành cho người xơ vữa động mạch

Ds. Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.everydayhealth.com/drugs/lipitor

https://www.nps.org.au/medical-info/medicine-finder/lipitor-tablets

https://www.medicines.org.uk/emc/product/1059/smpc

Viết bình luận