Bệnh mạch vành

Chế độ ăn uống tốt nhất cho người bệnh mạch vành

Ngày đăng: 10 Tháng Một, 2017
5/5 - (6 bình chọn)

Chế độ ăn uống phù hợp quyết định rất lớn đến thành công trong điều trị bệnh mạch vành – căn bệnh làm giảm lưu lượng máu đến tim do mạch vành bị tắc nghẽn. Vậy người bệnh mạch vành nên ăn gì để tốt cho bệnh của mình? Hãy tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau.

Động mạch vành trực tiếp mang máu đến tim, cung cấp oxy và dưỡng chất cho cơ tim hoạt động. Trong bệnh động mạch vành, các LDL cholesterol (cholesterol “xấu”) tích tụ bên trong lòng mạch, hình thành nên mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch, từ đó làm chậm hoặc chặn hoàn toàn dòng máu đến cơ tim.

Chế độ ăn nhiều cholesterol là yếu tố nguy cơ lớn đối với sự phát triển của bệnh mạch vành. Nếu bạn lựa chọn thực phẩm không khoa học, bệnh mạch vành sẽ tiến triển nhanh hơn và có thể dẫn đến những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Những người đã mắc bệnh mạch vành hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh theo hướng dẫn sau đây:

Nhóm thực phẩm chứa chất béo cho người bệnh mạch vành

Theo các nghiên cứu lâm sàng, không phải tất cả các chất béo mà bạn ăn hàng ngày đều có hại cho sức khỏe. Trên thực tế, loại chất béo mới là yếu tố quyết định nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Cụ thể, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng lượng LDL cholesterol trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Trong khi đó, các loại chất béo không bão hòa (gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa) lại được gọi là chất béo lành mạnh tốt giúp cải thiện nồng độ cholesterol xấu trong máu.

Quả bơ chứa chất béo lành mạnh, có lợi cho người bệnh mạch vành

Người bệnh mạch vành nên ăn hạn chế chất béo bão hòa   

Theo các chuyên gia tại bệnh viện Cleveland (Mỹ), cách tốt nhất để giảm lượng LDL cholesterol trong máu và nguy cơ mắc bệnh mạch vành chính là giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống.

Chất béo bão hòa có trong các loại thực phẩm như kem, thịt bò, thịt lợn, thịt xông khói, bơ, xúc xích và thịt đóng hộp… Hầu hết các loại thực phẩm chế biến như bánh quy bơ, bánh quy giòn, bánh nướng, bơ thực vật, shortening (mỡ trừu – một loại chất béo dạng rắn được sản xuất từ dầu thực vật) và thức ăn nhanh chiên/rán là nguồn chất béo chuyển hóa.

Lựa chọn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa cho người bệnh mạch vành

Dầu olive chứa chất béo lành mạnh tốt cho người bệnh mạch vành

Các chuyên gia khẳng định rằng chất béo không bão hòa là nguồn chất béo lành mạnh giúp cải thiện mức độ cholesterol và viêm – các yếu tố nguy cơ đối với bệnh mạch vành.

Người bệnh mạch vành nên ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa chất béo không bão hòa, bao gồm: chất béo không bão hòa đơn có trong dầu olive, dầu hạt cải, dầu đậu phộng, quả bơ và các loại hạt; chất béo không bão hòa đa có trong cá, dầu ngô, dầu đậu nành, dầu hướng dương và quả óc chó.

Nhóm thực phẩm giàu protein cho người bệnh mạch vành  

Người bệnh mạch vành nên chọn các loại thực phẩm chứa protein ít béo như thịt nạc, thịt gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo. Các loại cá như cá hồi, cá thu, cá mòi và cá trích là nguồn protein lành mạnh thay thế cho các loại thịt giàu chất béo. Không chỉ vậy, các loại cá này còn chứa acid béo Omega-3 giúp giảm lượng triglycerides trong máu. Ngoài ra, các loại đậu như đậu nành, đậu Hà Lan và đậu lăng rất giàu protein, ít chất béo và không chứa cholesterol rất có lợi cho người bệnh mạch vành.

Nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cho người bệnh mạch vành

Không chỉ chứa nhiều vitamin và khoáng chất, các loại rau củ quả còn là nguồn thực phẩm ít calo và nhiều chất xơ, có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm cholesterol (theo Đại học Y Maryland). Bạn có thể tìm thấy nguồn chất xơ dồi dào trong các loại ngũ cốc, trái cây, rau và các loại đậu.

Ngoài ra, rau củ quả còn chứa chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh mạch vành.

Người bệnh mạch vành nên ăn nhiều rau, củ và các loại trái cây tươi

Người bệnh mạch vành nên ăn giảm muối

Lượng natri dư thừa trong cơ thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, từ đó làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành và đột quỵ. Chính vì vậy, giảm muối trong thực phẩm là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn ít hơn 1.500mg natri mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Các loại thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn có chứa nhiều muối, vì vật bạn nên hạn chế ăn để giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

Áp dụng chế độ ăn uống khoa học là giải pháp đơn giản và hiệu quả mà bất kỳ người bệnh mạch vành nào cũng cần chú ý thực hiện nghiêm túc. Đó là cách đơn giản và hiệu quả để ngăn chặn tiến triển và phòng ngừa những biến chứng khó lường do bệnh mạch vành gây ra.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo: http://www.livestrong.com/article/269150-recommended-diet-for-coronary-artery-disease/

Viết bình luận