Bệnh mạch vành

Cầu cơ mạch vành – Bạn đã biết gì về bệnh tim bẩm sinh này?

Ngày đăng: 14 Tháng Sáu, 2019
5/5 - (2 bình chọn)

Năm 1737, khái niệm về cầu cơ mạch vành lần đầu tiên được biết đến qua phát hiện của nhà khoa học Reyman. Mặc dù đây là bệnh tim bẩm sinh lành tính nhưng nó có thể gây ra những cơn đau thắt ngực, đặc biệt là khi người bệnh bước sang tuổi trung niên. Cùng tìm hiểu về bệnh cầu cơ mạch vành và những lưu ý trong điều trị qua bài viết dưới đây.

Bệnh cầu cơ mạch vành là gì?

Trái tim bình thường được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch vành chạy trên bề mặt, nhưng ở người bệnh cầu cơ sẽ xuất hiện một hoặc nhiều dải cơ tim nằm vắt qua mạch vành, điều bất thường này đã có từ trong bào thai. Cầu cơ thường có độ dài khoảng 10 – 30mm, nằm sâu trong cơ tim từ 1 – 10mm.  

Trong một số trường hợp khi tim co bóp, cầu cơ sẽ thắt chặt đoạn mạch đó khiến máu không thể lưu thông qua, từ đó làm giảm lượng máu đến nuôi tim khiến người bệnh cảm thấy đau thắt ngực.

Đoạn mạch nằm sâu trong lớp cơ tim trong bệnh cầu cơ mạch vành

Người bệnh cầu cơ mạch vành có thể gặp những triệu chứng gì?

Khi cầu cơ nằm sâu dưới lớp cơ tim chừng 2mm trở lên, gây tắc nghẽn hơn 70% lòng mạch thì người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau:

Đau thắt ngực.

– Tức ngực, nặng ngực.

– Khó thở, hụt hơi.

– Mệt mỏi, chân tay vô lực.

Chẩn đoán cầu cơ mạch vành

Nếu chỉ dựa vào triệu chứng rất khó để chẩn đoán chính xác bệnh cầu cơ mạch vành, chính vì vậy bác sỹ sẽ yêu cầu bạn phải tiến hành một số phương pháp sau:

– Chụp mạch vành: nhằm đo lưu lượng máu, phát hiện đoạn mạch bị tắc nghẽn và loại trừ nguyên nhân do xơ vữa mạch vành.

– Nghiệm pháp gắng sức: Các thông số hoạt động của tim sẽ được đo trong quá trình người bệnh đang tập thể dục để làm rõ hơn các triệu chứng cầu cơ mạch vành còn tiềm ẩn.

– Kiểm tra tim bằng y học hạt nhân: Chất phóng xạ tali hoặc sestamibi được tiêm vào cơ thể để kiểm tra kích thước buồng tim, hoạt động bơm máu của tim khi vận động và nghỉ ngơi.

– Chụp cắt lớp tim: để xác định vị trí và mức độ tắc hẹp do cầu cơ mạch vành gây ra.

Cầu cơ mạch vành có nguy hiểm không?

Thông thường máu đến nuôi cơ tim trong giai đoạn tim nghỉ, khi đó mạch vành và cơ tim đang giãn ra nên gần như người bệnh không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Rất hiếm khi cầu cơ thắt chặt đủ để gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim nghiêm trọng, thường chỉ xảy ra khi người bệnh tập thể dục hoặc có rối loạn nhịp tim nhanh.

Theo Giáo sư Phạm Gia Khải – nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, khi người bệnh cầu cơ bước vào tuổi trung niên thì cơ tim trở nên cứng hơn, triệu chứng đau thắt ngực sẽ xảy ra thường xuyên nhưng rất hiếm khi cầu cơ gây ra nhồi máu cơ tim. Một số biến chứng hiếm gặp khác ở người bệnh cầu cơ nặng là suy thất trái, block nhĩ thất.

Điều trị cầu cơ mạch vành

Dùng thuốc điều trị

Bệnh cầu cơ không gây ra tổn thương mạch vành nên việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc giãn mạch để làm giảm triệu chứng đau ngực. Các nhóm thuốc thường dùng là:

– Thuốc chẹn beta: như propranolol, metoprolol, atenolol… giúp làm giảm lực co bóp của tim, giảm nhịp tim nhanh.

– Thuốc chẹn kênh canxi: như nifedipin, verapamil, nicardipin… giúp giãn mạch, tăng lưu thông tuần hoàn mạch vành.

Đôi khi người bệnh cần kết hợp thêm một số nhóm thuốc khác như thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống đông máu để kiểm soát những yếu tố nguy cơ đi kèm.

*Lưu ý: Các thuốc giãn mạch nhóm nitrat được khuyến cáo không được dùng cho người bệnh cầu cơ vì có thể làm cho triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Thuốc giúp làm giảm triệu chứng cho người bệnh cầu cơ mạch vành

Dùng thảo dược Đông y

Mục tiêu trong điều trị của cầu cơ mạch vành là thư giãn mạch máu, giảm co thắt để cải thiện triệu chứng thiếu máu cơ tim do cầu cơ gây ra. Một số vị thảo dược Đông y với đặc tính giãn mạch tốt, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn như Bồ hoàng, Đan sâm, Đỏ ngọn có thể giúp người bệnh sớm đạt được mục tiêu điều trị này. Chuyên gia Tim mạch khuyến cáo người bệnh nên kết hợp dùng Bồ hoàng, Đan sâm, Đỏ ngọn cùng thuốc tây theo đơn của bác sỹ để nhanh chóng kiểm soát các cơn tức ngực, khó thở và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Phẫu thuật

Với người bệnh hẹp cầu cơ nặng, dù dùng thuốc nhưng các triệu chứng không đỡ, bác sỹ sẽ tiến hành một số phương pháp phẫu thuật sau nhằm khơi thông lòng mạch, giảm tắc nghẽn:

– Cắt bỏ cầu cơ mạch vành: Đoạn mạch sẽ được giải phóng sau khi bác sỹ tiến hành cắt bỏ đoạn cầu cơ gây chèn ép phía trên bằng phương pháp mổ phanh.

– Bắc cầu động mạch vành: Vùng cơ tim bị cầu cơ chèn ép sẽ được nuôi dưỡng bởi một đoạn mạch máu khỏe mạnh được cấy ghép để dẫn máu sang, đoạn mạch đó có thể là động mạch hoặc tĩnh mạch của chính người bệnh.

– Đặt stent mạch vành: Bác sỹ sẽ đưa một khung đỡ bằng kim loại (stent) vào ngay vị trí đoạn mạch có cầu cơ để nong rộng và cố định đoạn mạch này.

Mặc dù 25% dân số có cầu cơ nhưng đa số trường hợp không nguy hiểm. Tuy nhiên, dù tỷ lệ rất nhỏ nhưng cầu cơ mạch vành vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tim mạch của bạn. Vì vậy, hãy đi khám định kỳ và duy trì lối sống khoa học ngay hôm nay để luôn có một trái tim khỏe mạnh.  

Xem thêm: Sản phẩm chứa Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Đan sâm giúp làm giảm đau ngực, khó thở hiệu quả

Ds. Hương Lê

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://stanfordhealthcare.org/medical-conditions/blood-heart-circulation/myocardial-bridging.html

Viết bình luận