Thiếu máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong số một trong các bệnh lý về tim mạch. Bệnh phát triển từ khi chúng ta còn rất trẻ và thường không có bất kỳ triệu chứng gì cho đến khi một cơn đau thắt ngực đầu tiên và cũng có thể là “cuối cùng” xuất hiện.
Mục lục
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình và đặc trưng nhất của bệnh thiếu máu cơ tim (bệnh mạch vành), xảy ra khi một hoặc nhiều động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn hoàn toàn bởi các mảng xơ vữa, huyết khối tích tụ làm giảm lượng máu, oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng cho cơ tim. Có hai dạng phổ biến nhất của đau thắt ngực đó là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định.
Đau thắt ngực – Triệu chứng của bệnh tim mạch vành
Các bệnh nhân thường mô tả cơn đau thắt ngực với các triệu chứng như: cảm giác đè ép, bóp chặt, bỏng rát ở giữa ngực, cơn đau có thể lan lên cổ, hàm và cánh tay. Đôi khi người bệnh còn bị toát mồ hôi lạnh, khó thở, choáng váng và buồn nôn… Đau thắt ngực được chia thành 2 dạng dựa vào sự khác biệt giữa tính chất và thời điểm xảy ra cơn đau:
Cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra khi người bệnh thực hiện các hoạt động thể chất, làm việc gắng sức, đặc biệt trong những ngày thời tiết lạnh, hay khi người bệnh đang có những cảm xúc mạnh mẽ… Mức độ cơn đau sẽ giảm đi nếu người bệnh nghỉ ngơi tại chỗ và tâm lý được bình ổn trở lại.
Cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chẳng hạn như khi đang làm việc, vui chơi, hoặc thậm chí khi người bệnh đang ngủ. Mức độ đau có thể rất dữ dội, không giảm đi ngay cả bạn nghỉ ngơi, thư giãn và có thể kéo dài. Người bệnh cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức ngay cả sau khi cơn đau ngực kết thúc bởi rất có thể nó sẽ nhanh chóng quay trở lại.
Động mạch vành dẫn máu chứa oxy và các chất dinh dưỡng đến cung cấp cho các tế bào cơ tim hoạt động. Đau thắt ngực xảy ra khi lượng máu cung cấp tới tim bị giảm. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này là do xơ vữa mạch vành. Một hoặc nhiều động mạch vành có thể bị hẹp hoặc tắc nghẽn hoàn toàn do các mảng xơ vữa và huyết khối tích tụ bên trong lòng mạch.
Khi thực hiện các hoạt động cần sự gắng sức như: tập thể dục, chơi thể thao, đi bộ, leo cầu thang… Trái tim sẽ cần nhiều máu hơn để tăng cường hoạt động bơm máu cho các phần khác của cơ thể. Tuy nhiên việc này sẽ trở nên khó khăn nếu lòng mạch vành bị thu hẹp bởi mảng xơ vữa. Bên cạnh đó các yếu tố khác như căng thẳng cảm xúc, nhiệt độ môi trường xuống thấp… cũng có thể dẫn tới phản xạ co mạch và làm xuất hiện cơn đau thắt ngực ổn định trên lâm sàng.
Khi các mảng xơ vữa bên trong lòng mạch vành bị vỡ ra, cục máu đông có thể nhanh chóng hình thành tại vị trí nứt vỡ làm giảm đột ngột hoặc chặn hoàn toàn lưu lượng máu chảy qua, dẫn tới tình trạng thiếu máu cơ tim. Nếu tình trạng này không được cải thiện, cơ tim bị thiếu máu trong thời gian dài và có thể bị hoại tử khiến người bệnh tử vong hoặc xuất hiện nhiều di chứng về sau. Do đó, cơn đau thắt ngực không ổn định là một tình trạng rất nguy hiểm và cần được điều trị khẩn cấp.
Đau thắt ngực ổn định nếu không được dự phòng và điều trị tốt rất có thể sẽ tiến triển thành đau thắt ngực không ổn định.
Các yếu làm làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau thắt ngực ở người bệnh thiếu máu cơ tim bao gồm:
– Hút thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc thụ động) gây ảnh hưởng xấu đến lớp nội mạc của động mạch vành, khiến các mảng xơ vữa dễ hình thành hơn.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau thắt ngực
– Bệnh tiểu đường, cao huyết áp: Các bệnh này đều làm cho mạch vành dễ bị tổn thương hơn, làm tăng nguy cơ nứt vỡ mảng xơ vữa.
– Rối loạn lipid máu, béo phì: Cholesterol là một yếu tố quan trọng để hình thành nên mảng xơ vữa, rối loạn lipid máu khiến nồng độ ‘‘cholesterol xấu’’ trong máu tăng cao, dễ tích tụ để tạo thành mảnh xơ vữa.
– Tuổi cao: Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ thiếu máu cơ tim và xuất hiện cơn đau thắt ngực cao hơn người trẻ tuổi.
– Ít vận động thể chất: Ít tập thể dục, chơi thể thao và các hoạt động thể chất khác góp phần làm tăng khả năng mắc các bệnh như: cholesterol máu cao, tiểu đường, béo phì, cao huyết áp… Do đó gián tiếp làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch vành và xuất hiện các cơn đau thắt ngực.
– Căng thẳng: Khi căng thẳng, tức giận cơ thể tăng giải phóng các hormon làm thu hẹp lòng mạch gây đau thắt ngực.
Có nhiều lựa chọn để điều trị đau thắt ngực như thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, nong mạch vành và đặt stent, phẫu thuật bắc cầu mạch vành… Những phương pháp này nhằm làm giảm tần suất, mức độ các cơn đau thắt ngực và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Việc sử dụng phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh.
Ngoài việc điều trị thì dự phòng bằng cách thay đổi lối sống dù có hay chưa bị đau thắt ngực sẽ có ý nghĩa quan trọng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thiếu máu cơ tim. Những thay đổi này bao gồm:
– Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
– Tập thể dục và thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên, cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe tim mạch.
Thực hiện một lối sống lành mạnh để bảo vệ trái tim
– Kiểm soát đường huyết, huyết áp bằng cách sử dụng thuốc, luyện tập thể dục và thay đổi chế độ ăn uống.
– Tránh căng thẳng và tăng cường các hoạt động giúp cơ thể thư giãn như yoga, thiền…
– Thực hiện một chế độ ăn lành mạnh với nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, tránh các thực phẩm chứa nhiều cholesterol và các chất béo bão hòa như: nội tạng, đồ hải sản, thịt đỏ, mỡ động vật…
Những thay đổi nhỏ trong cuộc sống cũng có thể mang lại nhiều hiệu quả bất ngờ đối với sức khỏe và phòng ngừa cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim hiệu quả. Hãy thực hiện một lối sống lành mạnh để bảo vệ trái tim của bạn!
Ds. Cao Ngọc Hải
Nguồn tham khảo:
http://www.drugs.com/health-guide/angina.html
http://www.drugs.com/mcd/angina
Tin liên quan
Quốc Việt 06:26:39 : 22/01/2018
Em 27t . Mấy hôm nay có biểu hiện đau ngực trái . Ngồi im k cử động k đau . Vận động cơ thể là bị đau . Hỏi em bị gì ạ . Cảm ơn bác sĩ
trungmyjsc.com.vn 20:52:21 : 22/01/2018
Chào bạn Quốc Việt,
Đau khi vận động cơ thể có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như vận động quá sức, đau dây thần kinh liên sườn hoặc các bệnh lý tim mạch. Bạn nên đi khám trực tiếp tại các cơ sở y tế để tìm ra chính xác nguyên nhân cũng như có hướng khắc phục hiệu quả.
Sau khi thăm khám, bạn có thể liên hê lại với chúng tôi theo số: 0243 7759 051 nếu cần tư vấn cụ thể.
Thân mến!