Bệnh động kinh

Bệnh động kinh và các câu hỏi thường gặp (phần 2)

Ngày đăng: 2 Tháng Hai, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

phần 1, chắc hẳn bạn đọc đã có được cho mình nhiều thông tin hữu ích liên quan tới bệnh động kinh. Trong phần 2 này chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau tìm hiểu về bệnh lý nguy hiểm này thông qua phần giải đáp câu hỏi của các chuyên gia.

Phẫu thuật điều trị động kinh được điều trị như thế nào?

Phẫu thuật điều trị bệnh động kinh là phương pháp ngoại khoa nhằm loại bỏ một vùng não bộ được cho nguyên nhân của các tín hiệu điện não bất thường gây ra các cơn co cứng, co giật… Vùng não này được gọi là epileptogenic (được xác định bằng điện não đồ – EEG và các kỹ thuật thăm dò hình ảnh). Từ đó chúng ta cũng có thể thấy rằng, nếu không xác định được vùng não gây ra cơn động kinh thì sẽ không thể áp dụng được phương pháp phẫu thuật.

Điều trị động kinh bằng phẫu thuật phù hợp với bệnh nhân nào?

Điều trị phẫu thuật điều trị động kinh có thể được áp dụng với 2 trường hợp sau:

– Trường hợp 1:  Bị bệnh động kinh mà xác định nguyên nhân do khối u não, cục máu tụ, dị dạng mạch máu não…

– Trường hợp 2: Động kinh không đáp ứng với thuốc điều trị mà có thể xác định được vùng não bị tổn thương epileptogenic, mặt khác cũng cần xác định được rằng vùng não bộ này nếu loại bỏ sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều tới khả năng vận động hay vấn đề sức khỏe nào khác. Phẫu thuật não điều trị động kinh trong trường hợp này khá phức tạp, tỷ lệ rủi ro cao, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và trình độ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu. Do vậy, hiện nay phương pháp này chưa được áp dụng đại trà tại Việt Nam.

Cần làm gì khi gặp người lên cơn co giật, động kinh?

Khi gặp người bị lên cơn co giật, động kinh, việc đầu tiên bạn cần làm là phải thật bình tĩnh, sau đó lần lượt thực hiện theo các bước sau:

– Đặt một vật mềm xuống dưới đầu của bệnh nhân như khăn, quần áo, gối… và loại bỏ những đồ vật cứng, sắc nhọn ra xa, đồng thời, cũng nên nhìn đồng hồ để xác định thời điểm cơn co giật, động kinh bắt đầu.

– Nới lỏng cổ áo, nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên để họ dễ thở và cho đờm dãi, chất nôn (nếu có) chảy ra ngoài

Tư thế sơ cứu khi gặp người lên cơn co giật, động kinh

– Để bệnh nhân co giật tự do (không giữ chặt tay, chân…) cho tới khi họ trở lại bình thường. Nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút thì cần gọi cấp cứu ngay.

– Ở lại bên cạnh bệnh nhân đến khi họ tỉnh táo trở lại.

Lưu ý: Trong cơn động kinh không cho bệnh nhân ăn uống hay đặt bất cứ thứ gì vào miệng họ (không vắt chanh, đặt đũa ngang miệng…) bởi vì điều này có thể dẫn đến sặc, tắc nghẽn đường thở hay tổn thương cơ hàm của bệnh nhân.

Động kinh có thể khiến người bệnh tử vong không?

Nguy cơ tử vong do động kinh là khá hiếm. Các trường hợp tử vong chủ yếu là do chấn thương, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… trong khi lên cơn động kinh. Có một tỷ lệ nhỏ người bệnh chết vì biến chứng động kinh, còn gọi là đột tử do động kinh.

Đột tử do động kinh là tình trạng thường xảy ra vào ban đêm, khi bệnh nhân đang ngủ khiến cho việc xác định nguyên nhân là rất khó. Những bệnh nhân động kinh có nguy cơ đột tử cao là những bệnh nhân mắc thường xuyên các cơn co cứng – co giật toàn thân. Đột tử chiếm khoảng 18% các trường hợp tử vong do có liên quan đến bệnh động kinh.

Co giật có phải là động kinh không?

Cơn co giật và cơn động kinh có mối liên quan chặt chẽ nhưng không hoàn toàn giống nhau. Ngoài động kinh thì co giật có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác như thiếu canxi, căng thẳng tâm lý quá mức, rối loạn chất điện giải… Điều này có nghĩa là bạn có thể mắc các cơn co giật nhưng chưa chắc đã là bệnh động kinh. Để xác định được chính xác nguyên nhân bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

Cơn động kinh có gây đau đớn, nguy hiểm không?

Câu trả lời là có. Người mắc bệnh động kinh khi lên cơn dễ bị các thương tích như các vết trầy xước, vết cắt, vết bỏng, sưng phù do ngã… Thông thường, cơn động kinh không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không có biến chứng xảy ra.

Người lên cơn động kinh có thể tự nuốt lưỡi hay cắn vào lưỡi của mình không?

Đây là một quan niệm sai lầm nhưng lại khá phổ biến. Trên thực tế, không ai có thể tự nuốt lưỡi của chính mình và tỷ lệ người lên cơn động kinh bị cắn vào lưỡi là rất thấp. Do đó, việc nhét vải hoặc bất kỳ vật gì khác với mục đích ngăn người bệnh tự nuốt lưỡi của chính họ là phản tác dụng. Những vật này sẽ có thể gây tổn thương răng miệng, thậm chí là cản trở đường thở và gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Bạn chỉ nên đặt người bệnh ở tư thế thoải mái, nghiên đầu và người sang một bên và để họ co giật tư do cho đến khi bình thường trở lại.

Người bệnh động kinh có thể uống rượu không?

Uống nhiều rượu chính là nguyên nhân gây nguy hiểm với bệnh nhân động kinh bởi nó có thể khiến người bệnh bị tăng số cơn co giật. Rượu vừa gây độc thần kinh, vừa khiến các loại thuốc điều trị bệnh động kinh giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ. Do vậy, nếu đang bị động kinh thì tốt nhất không nên sử dụng rượu.

Người bệnh động kinh cần tránh uống rượu bia

Con tôi bị động kinh có ảnh hưởng đến học tập?

Cha mẹ có con mắc bệnh động kinh sẽ rất lo lắng khi con đến trường học. Tuy nhiên, hầu hết trẻ động kinh vẫn có thể học tập và tiếp thu kiến thức. Vấn đề lớn nhất đến từ thái độ của của những bạn bè xung quanh đối với trẻ. Do vậy, cha mẹ cần trao đổi, phối hợp với thầy cô để có thể giúp đỡ trẻ hòa nhập ở trường.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo:

http://my.clevelandclinic.org/health/diseases_conditions/hic_Epilepsy_Frequently_Asked_Questions

Frequently Asked Questions

Viết bình luận