Bệnh mạch vành

Tư vấn trực tuyến: Bệnh mạch vành, hẹp hở van tim – Giải pháp điều trị và ngăn biến chứng

Ngày đăng: 22 Tháng Mười Hai, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Vào lúc 14h30 ngày 11/07/2017, chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam – PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi đã có buổi giao lưu trực tuyến cùng khán giả trên toàn quốc về chủ đề: Bệnh mạch vành, hẹp hở van tim – giải pháp điều trị và ngăn biến chứng.

Chỉ với thời lượng 120 phút nhưng đã có rất nhiều câu hỏi được gửi đến chương trình. Với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề, các câu hỏi đều đã được PGS giải đáp hết sức tận tình, chi tiết; từ những kiến thức cơ bản về bệnh cho đến giải pháp điều trị tối ưu nhất, cùng chế độ ăn uống và luyện tập để có một trái tim khỏe, phòng tránh những biến chứng tim mạch nguy hiểm.

Chúng tôi xin được gửi tới bạn đọc một số nội dung trao đổi chính trong buổi giao lưu trực tuyến, để bạn có thể hiểu rõ hơn về bệnh và có thêm kinh nghiệm điều trị bệnh mạch vành, hẹp hở van tim hiệu quả.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi trong chương trình tư vấn trực tuyến về bệnh tim mạch

1. Người bệnh thiếu máu cơ tim, mỡ máu cao, huyết áp cao lâu năm cần điều trị như thế nào?

Câu hỏi từ bác Trung Nguyễn: Tôi bị thiếu máu cơ tim, mỡ máu cao, tăng huyết áp không rõ nguyên nhân đã gần 20 năm, có biến chứng mờ mắt. Tôi vẫn đang dùng thuốc mỗi ngày 1 viên Ebitac 5mg, 1 viên Resines và 1 viên trợ tim vào buổi tối. Huyết áp bình thường ở mức 140/85 mmHg nhưng có khi tăng cao lên tới 240mmHg. Thi thoảng tôi vẫn bị lên cơn đau thắt ngực. Mong bác sỹ tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn!

Giải đáp từ PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi: 

Bác nên đi kiểm tra xem bệnh tăng huyết áp của bác là do nguyên phát hay thứ phát. Trường hợp của bác rất có thể là tăng huyết áp nguyên phát và bác cần phải sử dụng thuốc hạ áp thường xuyên và thăm khám định kỳ, tuyệt đối không được bỏ thuốc.

Huyết áp của chúng ta được ví như cái lò xo, thuốc huyết áp giúp nén lò xo lại, nếu dừng thuốc thì lo xo có thể bị bung ra, khiến huyết áp tăng vọt. Điều này rất nguy hiểm vì có thể gây biến chứng lên não, tim, thận… Hiện tại bác không nên hài lòng với mức huyết áp 140/85mmHg vì bác đang có thêm bệnh thiếu máu cơ tim. Bác cần kết hợp thêm với chế độ ăn uống khoa học (ăn nhạt, giảm chất béo…), tập thể dục thường xuyên và khám định kỳ để phát hiện bác có bị thêm bệnh nào mới không, từ đó sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.

2. Hở van 2 lá nhẹ nhưng đau tức ngực cần điều trị như thế nào?

Câu hỏi từ cô Nguyễn Thị Nhàn (43 tuổi): Chào bác sỹ! Thỉnh thoảng tôi bị đau tức ngực. Đi khám cách đây khoảng nửa tháng thì bác sĩ chẩn đoán tôi bị hở van 2 lá nhẹ, sóng T dẹt ở một số đạo trình. Bác sỹ không cho tôi đơn thuốc và cũng không giải thích kết quả điện tim. Xin bác sỹ tư vấn giúp tôi cách điều trị bệnh. Cảm ơn bác sỹ!

Giải đáp từ PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi:

Hở van tim nhẹ thường không cần điều trị nhưng cần tìm ra nguyên nhân gây ra cơn đau thắt ngực, mệt mỏi là gì? Đó có thể do vấn đề ở phổi, thần kinh tim hay tim mạch…

Bệnh nhân là nữ năm nay 43 tuổi. Ở độ tuổi này chắc hẳn cô vẫn đang còn kinh nguyệt. Nội tiết tố nữ sẽ bảo vệ tim mạch, chính vì vậy rất ít trường hợp phụ nữ ở độ tuổi này bị bệnh mạch vành. Còn đối với sóng ST dẹt, cô cần phải làm các xét nghiệm chẩn đoán chuyên khoa để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó mới đưa ra hướng điều trị phù hợp được.

3. Stent có tuổi thọ bao lâu?

Câu hỏi từ bác Huỳnh Phú Hội: Tuổi thọ của stent là bao lâu? Tôi nghe người ta nói thường không quá 5 năm. Tôi đã đặt 3 stent, stent gần đây nhất được đặt cách đây gần 2 tháng. Thi thoảng tôi vẫn bị nhói ngực khi đi bộ. Xin hỏi thêm tôi có thể uống nước lạnh, ăn ớt được hay không? Xin cảm ơn!

Giải đáp từ PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi:

Tuổi thọ của stent dài hay ngắn phụ thuộc hoàn toàn vào người bệnh. Thường thì stent có tuổi thọ khá dài, có người đặt stent hơn chục năm nhưng sức khỏe vẫn rất là tốt, nhưng có những người bệnh vừa đặt hôm trước hôm sau đã tắc stent rồi. Vấn đề quan trọng ở đây là người bệnh cần dùng thuốc chống đông máu để bảo quản stent. Bạn cần dùng thuốc theo chỉ định, không được chủ quan. Điều này chắc chắn sẽ kéo dài tuổi thọ của stent.

Còn việc uống nước lạnh hay ăn ớt thì bạn không cần kiêng cữ, tuy nhiên cần kiểm tra xem có vấn đề gì về dạ dày không vì nếu có bệnh về dạ dày thì cần kiêng những đồ ăn này.

4. Hẹp mạch vành 70% có cần đặt stent không? Có cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời không?

Câu hỏi từ bạn Hồng Huế: Xin bác sỹ cho biết sau khi đặt stent thì có cần phải dùng thuốc chống đông máu cả đời không? Tôi rất lo ngại về tác dụng phụ của thuốc nếu dùng lâu dài. Hiện tại tôi bị bệnh mạch vành, hẹp tới 70%, như vậy tôi có cần phải can thiệp đặt stent ngay không?

Giải đáp từ PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi:

Hẹp động mạch vành 70% nếu đã xuất hiện triệu chứng, dùng thuốc không đỡ thì cần chỉ định can thiệp. Có thể bạn chỉ cần nong bóng, nếu lòng mạch được nong rộng rồi thì không cần đặt stent nữa. Việc dùng thuốc chống đông máu suốt đời hay không còn tùy thuộc vào loại stent mà bạn đặt. Bởi stent có rất nhiều loại khác nhau: stent phủ thuốc, stent sinh học, stent tự tiêu và trong đó có loại không cần dùng thuốc chống đông cả đời.

Sau khi bạn tiến hành đặt stent, nếu có vấn đề về rối loạn nhịp tim, đau ngực hay khó thở thì cần được chỉ định thêm thuốc và loại trừ tất cả các yếu tố nguy cơ gây tái hẹp mạch vành trở lại như hạn chế hút thuốc lá, thuốc lào, ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo…

5. Một số video tư vấn trực tuyến của PGS.TS Phạm Thị Hồng Thi về bệnh mạch vành, hẹp/hở van tim

Nếu lần đầu thay van tim sinh học thì những lần sau thay van cơ học có được không?

Người bệnh thiểu năng vành có cần phải uống thuốc tây cả đời không?

Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim?

Thuốc có chữa khỏi bệnh hẹp mạch vành không?

Cách điều trị hở van 2 lá, 3 lá dùng thuốc không đỡ?

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Viết bình luận