Perindopril là thuốc hạ áp điển hình trong nhóm ức chế men chuyển angiotensin, được sử dụng khá phổ biến cho người bệnh tim mạch trong suốt hơn 20 năm qua. Vậy nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về tác dụng và những lưu ý khi dùng loại thuốc này. Những bí ẩn về Perindopril sẽ được hé lộ trong bài viết dưới đây, mời bạn đọc theo dõi.
Mục lục
Perindopril có cơ chế hoạt động tương tự các thuốc khác trong nhóm ức chế men chuyển. Thuốc ngăn cản hoạt chất angiotensin 1 chuyển đổi thành angiotensin 2 – một chất gây co mạch và thúc đẩy tăng trưởng cơ tim, cơ trơn mạch máu.
Perindopril cũng làm giảm nồng độ aldosterol trong máu, từ đó giúp làm giảm tích trữ natri trong cơ thể và giảm phân hủy bradykinin (một chất gây giãn mạch).
Với những cơ chế trên, Perindopril có tác dụng làm giãn mạch, hạ huyết áp và làm tăng lưu lượng tim. Ngoài ra, thuốc còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người bệnh tim như phục hồi tính đàn hồi thành mạch và giảm phì đại thất trái.
Perindopril (Coversyl) – thuốc hạ áp điển hình trong nhóm ức chế men chuyển
Perindopril được sử dụng để kiểm soát huyết áp, giảm biến chứng do huyết áp cao như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não… cho những đối tượng sau:
– Người bệnh tăng huyết áp.
– Người bị suy tim sung huyết.
– Người bệnh mạch vành.
Perindopril không được dùng hoặc phải thận trọng khi chỉ định cho những đối tượng sau:
– Người bị dị ứng với Perindopril hoặc bất kỳ thuốc nào trong nhóm ức chế men chuyển như captopril, lisinopril…
– Không sử dụng cho phụ nữ mang thai, cho con bú vì có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi, trẻ nhỏ.
– Người có các vấn đề về máu như giảm bạch cầu hoặc mất bạch cầu hạt.
– Thận trọng với người mắc bệnh gan, thận, các bệnh về mô liên kết như hội chứng Marfan, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp…
Perindopril có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, khi cơ thể bạn quen với thuốc thì các tác dụng phụ này sẽ giảm dần:
– Ho khan: Đây là tác dụng phụ đặc trưng nhất của nhóm ức chế men chuyển. Nếu ho khan làm ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ của bạn, hãy trao đổi với bác sỹ để được thay thế loại thuốc hạ áp khác. Lưu ý rằng ngay cả khi bạn ngưng Perindopril thì 1 tháng sau mới có thể hết ho.
– Chóng mặt, choáng váng: đặc biệt là khi bạn đứng lên hoặc ngồi dậy đột ngột (hạ áp tư thế đứng). Khi đó bạn hãy cố gắng thức dậy một cách từ từ, ngồi tại mép giường vài phút trước khi đứng lên; nếu vẫn thấy chóng mặt hãy nằm trở lại.
– Đau đầu: Nếu đau đầu nhiều, hãy báo với bác sỹ để được kê đơn thuốc giảm đau, đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ và chú ý uống nhiều nước.
– Tiêu chảy, nôn mửa: Bạn cần uống nhiều nước và uống thành từng ngụm nhỏ; không dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị tiêu chảy, nôn mửa mà chưa hỏi ý kiến bác sỹ.
– Ngứa hoặc phát ban nhẹ: Nếu biểu hiện nhẹ, bạn có thể dùng thuốc kháng histamin để giảm bớt khó chịu; trường hợp phát ban nặng (phồng rộp, lột da) cần đi khám lại.
– Mờ mắt: Bạn cần tránh lái xe hoặc sử dụng máy móc để đảm bảo an toàn. Nếu biểu hiện này kéo dài hơn 1 – 2 ngày, hãy nói chuyện với bác sỹ để được thay đổi liều phù hợp.
Ho khan – tác dụng phụ thường gặp khi dùng Perindopril (Coversyl)
– Dấu hiệu đột quỵ: Cảm thấy tay chân yếu mệt, tê liệt; khó khăn khi nói…
– Vấn đề về gan: vàng da, vàng mắt…
– Rối loạn tạo máu, tủy xương: chảy máu nướu răng, dễ bị bầm tím, đau họng, dễ bị sốt, nhiễm trùng…
– Vấn đề ở phổi: khó thở, thở khò khè, đau thắt ngực…
– Dấu hiệu viêm tụy: đau bụng dữ dội.
– Vấn đề về thận: sưng mắt cá chân, lẫn máu trong nước tiểu hoặc không thể đi tiểu.
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng Perindopril để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho người dùng:
– Liều đầu tiên có thể gây chóng mặt nên bạn có thể uống vào buổi tối trước khi đi ngủ. Sau liều đầu tiên, bạn hãy dùng Perindopril 1 lần/ngày vào buổi sáng, lý tưởng nhất là uống trước ăn từ 30 phút – 1 giờ.
– Kiểm tra huyết áp, chức năng gan, thận thường xuyên trong quá trình dùng thuốc.
– Nếu chuẩn bị phải phẫu thuật, bạn có thể cần phải ngưng sử dụng thuốc trong thời gian ngắn. Vì vậy hãy trao đổi về việc đang sử dụng Perindopril với bác sỹ phẫu thuật.
– Nếu quên một liều thì bạn hãy dùng ngay khi nhớ ra. Bỏ qua liều đã quên nếu thời điểm đó quá gần với liều kế tiếp, tuyệt đối không uống liều gấp đôi để bù lại.
– Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên, đặc biệt là trong vài tuần đầu tiên vì Perindopril có thể làm giảm lượng đường trong máu quá mức.
– Rượu làm tăng tác dụng phụ của Perindopril nên tuyệt đối không uống rượu khi đang dùng thuốc.
Dù huyết áp được ổn định khi sử dụng Perindopril nhưng bạn vẫn cần tiếp tục sử dụng thuốc này lâu dài bởi huyết áp cao thường không gây ra triệu chứng, việc ngưng thuốc đột ngột có thể làm mất đi khả năng kiểm soát huyết áp và nguy cơ bùng phát các biến chứng nguy hiểm. Vì sự an toàn của chính mình, hãy thông báo với bác sỹ khi có bất kỳ thay đổi bất thường xảy ra với cơ thể bạn.
Xem thêm: Bệnh cao huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ds. Mạnh Hùng
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn tham khảo:
https://www.nhs.uk/medicines/perindopril/ (td phụ)
https://www.everydayhealth.com/drugs/perindopril
https://www.drugs.com/cdi/perindopril.html
Tin liên quan
Viết bình luận