Bệnh mạch vành

Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành

Ngày đăng: 1 Tháng Ba, 2017
5/5 - (2 bình chọn)

Hội chứng ngưng thở khi ngủ (Obstructive sleep apnea, viết tắt OSA) là một rối loạn đặc trưng bởi sự ngưng thở khi ngủ, có thể kéo dài hơn 1 phút và lặp lại tới 60 lần trong 1 đêm. Nó làm ảnh hưởng đến hơn 18 triệu người tại Mỹ, nhưng đa phần họ không hay biết mình đang mắc phải hội chứng này. Vậy nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?Hội chứng này có liên quan đến bệnh mạch vành như thế nào? Bạn sẽ tìm ra câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ?

Ở vòm họng của chúng ta có các bộ phận như lưỡi, amidan, lưỡi gà, khẩu cái mềm… tất cả các bộ phận này được nâng đỡ bởi các cơ vận động vùng vòm họng. Khi bạn tỉnh táo, các cơ này sẽ giữ cho đường thở của bạn được mở và thông suốt, nhưng khi bạn đã chìm vào giấc ngủ, chúng bắt đầu giãn ra làm hẹp dần đường thở của bạn, lúc này lượng oxy trong máu đến nuôi tim và toàn bộ cơ thể bị thiếu hụt.

Nếu đường thở của bạn bị tắc nghẽn, theo phản ứng tự nhiên của cơ thể, não sẽ phát ra tín hiệu đánh thức bạn dậy để kích thích co cơ nhằm nới rộng đường thở. Sau đó, bạn lại tiếp tục chìm sâu vào giấc ngủ. Cứ như vậy quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại rất nhiều lần khiến cho bạn không thể ngủ sâu giấc. Khi thức dậy bạn sẽ hoàn toàn không nhớ rằng mình đã thức dậy nhiều lần trong đêm và luôn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi hơn vào sáng ngày hôm sau.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ – đâu là yếu tố nguy cơ?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là người trung niên. Những người có nguy cơ cao bị mắc phải hội chứng này thường là người thừa cân, người cao tuổi, phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, nam giới… Bên cạnh đó, một số đối tượng dưới đây cũng có thể mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ như:

– Người mắc bệnh về hô hấp (sưng amidan và vòm họng, nghẹt mũi, khó thi…)

– Rối loạn nội tiết như nhược giáp (gọi là suy giáp)

– Người thường xuyên sử dụng rượu, thuốc ngủ

– Hút thuốc lá

– Người có lưỡi to và dày

– Bệnh tiểu đường

– Tiền sử gia đình có hội chứng ngưng thở khi ngủ

Mối quan hệ giữa hội chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh mạch vành

Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng để đưa ra kết luận, hội chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh mạch vành thực sự liên quan đến nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy, những người mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ thường có huyết áp cao hơn bình thường, đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh mạch vành.

Mặt khác, ở những người đã từng có cơn nhồi máu cơ tim trước đó hoặc bị rối loạn nhịp tim, sau khi khám lâm sàng thì đa số họ đều mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ. Do đó, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ hoặc khiến cho bệnh mạch vành ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng ngưng thở khi ngủ

Dấu hiệu thường gặp nhất ở người mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ là ngáy to, nhưng không phải tất cả trường hợp ngáy ngủ đều mắc hội chứng này. Dưới đây là một số triệu chứng khác như:

– Hay bị mệt mỏi vào ngày hôm sau

– Hay bị thức giấc khi ngủ và khó thở

– Đau đầu, khô miệng hoặc đau họng vào sáng ngày hôm sau

– Đi tiểu đêm nhiều lần

– Khó ngủ hoặc bị mất ngủ về đêm. Khi không được ngủ đủ giấc người bệnh sẽ dễ dẫn đến bị mất trí nhớ, trầm cảm và rối loạn chức năng cương dương.

Chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ

Dựa vào tiền sử bệnh lý và các triệu chứng bạn thường gặp, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có hội chứng ngưng thở khi ngủ, họ sẽ tiến hành làm một số các xét nghiệm như: 

– Thực hiện nghiên cứu về giấc ngủ (Polysomnography: bác sỹ sẽ dùng các thiết bị y tế để theo dõi chức năng tim, phổi, não bộ và chuyển động cánh tay và chân… của bạn trong khi ngủ.

– Đo nồng độ oxy qua đêm: Là một thử nghiệm để đo nồng độ oxy trong máu của bạn trong khi ngủ.  

Sau khi tiến hành kiểm tra, nếu bạn vừa có biểu hiện ngáy to khi ngủ, kèm theo các triệu chứng buồn ngủ sang ngày hôm sau, khi đo đa ký giấc ngủ có ghi được số lần ngưng thở lớn hơn 5 lần trong 1 giờ, và mỗi đợt lặp lại kéo dài trong khoảng 10 giây khi ngủ thì bạn đã mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ. 

Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hiện nay có rất nhiều phương pháp để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, như thay đổi lối sống, phương pháp điều trị ban đêm và tiến hành phẫu thuật.  

Thay đổi lối sống để tránh bị ngưng thở khi ngủ

Nếu bạn bị hội chứng ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ, thì điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh:

– Giảm cân: duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa và kiểm soát tốt hội chứng ngưng thở khi ngủ.

– Hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, thuốc ngủ, rượu bia, trà đặc, cà phê…

– Nên dùng gối và ngủ ở tư thế nghiêng người.

– Xịt nước muối sinh lý để rửa mũi trước khi đi ngủ

Phương pháp điều trị ban đêm

Nếu thay đổi lối sống không làm cải thiện được tình trạng ngưng thở khi ngủ, bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ để tiến hành áp dụng các phương pháp điều trị ban đêm:

– Thiết bị miệng ban đêm:Các thiết bị này được thiết kế để giữ cho họng của bạn được mở ra trong khi ngủ. Hầu hết các thiết bị hoạt động bằng cách di chuyển cằm về phía trước hoặc giữ cho lưỡi của bạn ở một vị trí khác (gọi là thiết bị lưỡi giữ lại). Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thiết bị phù hợp nhất với bạn.

– Duy trì thở áp lực dương (CPAP): bạn sẽ ngủ với một mặt nạ được đặt trên mũi, lúc này máy sẽ duy trì áp suất không khí lớn hơn so với không khí bên ngoài, và nó đủ mạnh để giữ cho đường thở của bạn mở ra ngay cả trong lúc ngủ. Phương pháp không xâm lấn này giúp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ rất hiệu quả.

Phẫu thuật điều trị ngưng thở khi ngủ

Một số người bệnh được điều trị theo phương pháp phẫu thuật tạo hình nếu nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ là do bất thường về cấu trúc vùng tai – mũi –  họng, chẳng hạn như cắt bỏ amidan, hoặc điều chỉnh một vách ngăn lệch trong mũi, tạo hình vòm miệng, mở khí quản…

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt là đối với người bệnh mạch vành. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị sớm hội chứng này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh mạch vành.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo: http://www.texasheart.org/HIC/Topics/Cond/sleepapnea.cfm

Viết bình luận