Hội chứng mạch vành cấp xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột. Tình trạng này gây đau thắt ngực không ổn định hoặc cơn nhồi máu cơ tim, tùy thuộc vào vị trí và mức độ tắc nghẽn.
Hội chứng mạch vành cấp là tình trạng khẩn cấp cho thấy sự bất ổn định của động mạch vành và cơ tim có thể bị hoại tử vĩnh viễn bất cứ lúc nào. Các bác sỹ nhận định hội chứng mạch vành cấp cần được can thiệp càng sớm càng tốt.
Mục lục
Hội chứng mạch vành cấp xảy ra khi cục máu đông đột nhiên hình thành trong lòng động mạch vành, thường là hệ quả do mảng xơ vữa động mạch bị nứt vỡ. Cục máu đông gây tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành, gây thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim nguy hiểm.
Bất kỳ mảng xơ vữa nào trong lòng mạch vành cũng đều có thể bị nứt vỡ, kể cả mảng xơ vữa nhỏ (thường ít khi được phát hiện hoặc bị bỏ qua trong quá trình kiểm tra). Đó chính là lý do khiến một người có thể bị nhồi máu cơ tim dù chỉ bị bệnh động mạch vành ở mức độ nhẹ.
Hội chứng mạch vành cấp gây đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim
Hội chứng mạch vành cấp gây ra các triệu chứng tương tự như đau thắt ngực ổn định nhưng nghiêm trọng hơn rất nhiều, tần suất cao hơn và dai dẳng hơn. Đau thắt ngực, khó chịu ở vùng ngực do hội chứng mạch vành cấp thường kèm theo các triệu chứng khác như vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn, lo âu quá độ… Cơn đau ngực có thể dịu xuống sau khi dùng nitroglycerin dạng xịt hoặc ngậm dưới lưỡi (thuốc thường dùng để giảm đau thắt ngực ổn định).
Một số người bị hội chứng mạch vành cấp chỉ có triệu chứng nhẹ, thậm chí không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào cả (thường là trong thời gian đầu). Tuy nhiên, các tổn thương tim vĩnh viễn do hội chứng mạch vành cấp gây ra chắc chắn sẽ gây ra các triệu chứng bệnh, chỉ là sớm hay muộn có thể khác nhau ở từng người.
Hội chứng mạch vành cấp được phân loại dựa trên điện tâm đồ và sự hiện diện của các men tim (creatine và troponine) ở trong máu khi cơ tim bị hỏng. Việc phân loại hội chứng mạch vành cấp rất quan trọng, giúp quyết định phương pháp điều trị. Hội chứng mạch vành cấp bao gồm đau thắt ngực ổn định và hai loại nhồi máu cơ tim:
Hội chứng mạch vành cấp không ST chênh lên (Non-ST-segment elevation MI, NSTEMI): Là một cơn nhồi máu cơ tim có thể xác định bằng xét nghiệm máu nhưng không tạo ra sự thay đổi điển hình trên điện tâm đồ (ST không chênh cao). Động mạch vành chỉ bị tắc nghẽn 1 phần và tổn thương tim nhẹ hơn so với dạng có ST chênh.
Hội chứng mạch vành cấp ST chênh lên (ST-segment elevation MI, STEMI): Là một cơn nhồi máu cơ tim có thể xác định bằng cả xét nghiệm máu và điện tâm đồ (có sự thay đổi điển hình trên điện tâm đồ: ST chênh cao). Động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, gây tổn thương tim nghiêm trọng hơn so với dạng có ST không chênh.
Đau thắt ngực không ổn định: Những người bị đau thắt ngực không ổn định không có dấu hiệu bất thường của đoạn ST trên điện tâm đồ và xét nghiệm máu kiểm tra không phát hiện thấy tổn thương tim.
Điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm máu có thể phát hiện hội chứng mạch vành cấp trong vòng vài giờ:
Điện tâm đồ (ECG): là thủ tục chẩn đoán ban đầu quan trọng nhất khi bác sỹ nghi ngờ bạn có hội chứng mạch vành cấp. ECG có thể ngay lập tức cho thấy sự xuất hiện của cơn nhồi máu cơ tim và vị trí cơ tim bị hư hại.
ECG là thủ tục chẩn đoán ban đầu quan trọng nhất của hội chứng mạch vành cấp
Xét nghiệm máu: Một số chất có trong cơ tim nhưng được phát hành vào máu khi cơ tim bị hỏng hoặc bị chết đi, phổ biến nhất là troponin I, troponin T và enzyme CK-MB. Nồng độ các chất này trong máu thường tăng lên trong vòng 6h kể từ khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, và vẫn cao trong 36 – 48 giờ tiếp theo.
Nếu ECG và xét nghiệm máu không cung cấp đủ thông tin, người bệnh cần siêu âm tim hoặc làm thử nghiệm phóng xạ để đo lường thiệt hại do cơn nhồi máu cơ tim (nếu có).
Một số xét nghiệm khác được sử dụng để xác định xem người bệnh có thể cần điều trị bổ sung hoặc phát hiện các vấn đề tim mạch khác, bao gồm:
– Điện tâm đồ 24h: Phát hiện nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim) hoặc thiếu máu cơ tim thầm lặng.
– Thử nghiệm gắng sức.
– Chụp động mạch vành.
Hội chứng mạch vành cấp là trường hợp cấp cứu y tế, một nửa trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim xảy ra trong 3 – 4 giờ đầu tiên kể từ khi các triệu chứng bắt đầu. Vì thế, điều trị càng sớm thì cơ hội người bệnh sống sót càng cao.
Khi được đưa vào bệnh viện, người bệnh được theo dõi chặt chẽ nhịp tim, huyết áp và lượng oxy trong máu để đánh giá tổn thương tim và xử trí kịp thời. Nếu không có biến chứng xảy ra trong những ngày đầu tiên, người bệnh có thể xuất viện sau vài ngày. Nếu xuất hiện biến chứng, chẳng hạn như nhịp tim bất thường hoặc tim giảm khả năng bơm máu, họ phải ở lại viện để điều trị lâu hơn.
Các phương pháp điều trị hội chứng mạch vành cấp bao gồm:
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhồi máu cơ tim, người bệnh nên nhai ngay một viên aspirin trong lúc chờ xe cứu thương hoặc trên đường đến bệnh viện. Nếu không, người bệnh cần được cho dùng thuốc ngay khi đến bệnh viện. Aspirin làm tăng cơ hội sống bằng cách giảm kích thước của cục máu đông trong động mạch vành. Những người bị dị ứng aspirin có thể thay thế bằng clopidogrel, hoặc có thể dùng cả hai. Tuy nhiên, trước khi sử dụng những thuốc này cần hỏi ý kiến của bác sỹ điều trị.
Người bệnh nên nhai ngay một viên aspirin khi có triệu chứng nghi nhồi máu cơ tim
Ngoài aspirin, bác sỹ có thể chỉ định thuốc chẹn beta để làm chậm nhịp tim (nhằm giảm tải cho tim và giảm lượng mô tim bị hỏng), thuốc chống đông máu, thở oxy, morphine, nitroglycerin, chất ức chế ACE, statin… tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.
– Nong mạch, đặt stent: Những người bị hội chứng mạch vành cấp thể nhồi máu cơ tim ST chênh cần được khơi thông mạch vành bị tắc nghẽn ngay lập tức (trong vòng 90 phút) bằng phương pháp can thiệp mạch vành qua da (nong mạch vành, đặt stent), dùng thuốc làm tan huyết khối đường tĩnh mạch để làm tan cục máu đông.
– Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: được thực hiện thay thế cho can thiệp mạch vành qua da hoặc thuốc tan cục máu đông. Chẳng hạn như trong trường hợp người bệnh không dùng được thuốc làm tan huyết khối (bao gồm người bị rối loạn chảy máu, mới bị đột quỵ hoặc mới trải qua phẫu thuật lớn) hoặc không thể làm can thiệp mạch vành qua da bởi bệnh mạch vành đã rất nghiêm trọng (bị tắc nghẽn nhiều chỗ, chức năng tim kém, có bệnh đái tháo đường).
– Gắng sức và các cảm xúc tiêu cực khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn, điều này không tốt cho người bị hội chứng mạch vành cấp. Vì thế, người bệnh nên nghỉ ngơi yên tĩnh trong vài ngày. Bác sỹ có thể chỉ định các thuốc chống lo âu nhẹ, thuốc chống trầm cảm… để giảm bớt căng thẳng cho người bệnh.
– Ngoài ra, người bị hội chứng mạch vành cấp nên bỏ thuốc lá – yếu tố nguy cơ chính gây bệnh mạch vành.
– Nếu bị táo bón, người bệnh có thể sử dụng thuốc nhuận tràng và thuốc làm mềm phân. Nếu gặp khó khăn trong việc tiểu tiện, người bệnh có thể được chỉ định dùng ống thông tiểu.
Phục hồi chức năng tim là một phần quan trọng trong điều trị hội chứng mạch vành cấp. Phục hồi chức năng tim thường được bắt đầu tại bệnh viện và tiếp tục khi người bệnh trở về nhà. Nếu điều trị thuận lợi, người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường sau khoảng 6 tuần.
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Tham khảo:
https://www.verywell.com/acute-coronary-syndrome-acs-1745899
http://www.merckmanuals.com/home/heart-and-blood-vessel-disorders/coronary-artery-disease/acute-coronary-syndromes-heart-attack-myocardial-infarction-unstable-angina
Tin liên quan
Viết bình luận