Bệnh mạch vành

Bằng chứng khoa học đằng sau “Hội chứng trái tim tan vỡ”

Ngày đăng: 25 Tháng Tám, 2016
5/5 - (1 bình chọn)

“Bạn có thể chết vì một trái tim tan vỡ – đó là một thực tế khoa học đã được chứng minh. Và trái tim của tôi đã bị phá vỡ kể từ ngày chúng tôi xa nhau. Tôi có thể cảm thấy một cảm giác rất khó chịu, đau sâu phía sau khung xương sườn khi trái tim không còn chung nhịp đập” – Abby McDonald tâm sự.

Khi nghĩ về một trái tim tan vỡ, có thể mọi người sẽ hình dung đến một nét gấp khúc với những vết rạn nứt xuyên qua trái tim đó. Nhưng một trái tim tan vỡ thực sự lại có thể liên quan đến sức khỏe về tâm lý, tinh thần và hậu quả nghiêm trọng là những cơn đau tim, nhồi máu cơ tim đến một cách bất ngờ.

Hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Hội chứng trái tim tan vỡ hay còn gọi là bệnh cơ tim căng thẳng có thể tấn công ngay cả khi bạn đang khỏe mạnh. Hội chứng này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1990 tại Nhật Bản, với tên gọi là bệnh cơ tim takotsubo. Tako Tsubo được ví theo hình dạng của tâm thất trái lúc này giống như một cái bẫy Nhật bản sử dụng để bắt Bạch Tuộc.

Căng thẳng cơ tim là kết quả của sự suy yếu tâm thất trái – buồng bơm chính của tim. Qua xét nghiệm, bác sĩ nhận thấy tâm thất trái của một số người phình đại như quả bóng mỗi khi tim đập, khiến lưu lượng máu bơm xuống hệ tuần hoàn chung bị giảm sút đột ngột, trong khi chức năng tại các vị trí cấu tạo khác của tim vẫn hoạt động bình thường.

Hình chụp X-quang của tâm thất trái ở người có bệnh cơ tim căng thẳng (trái) cho thấy phình thất trái với mỗi nhịp. Hình dạng tương tự như một cái nồi tako-Tsubo đáy tròn (bên phải), được sử dụng để bắt bạch tuộc tại Nhật Bản.

Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng trái tim tan vỡ

Phụ nữ có nhiều khả năng gặp phải hội chứng trái tim tan vỡ hơn so với nam giới bởi họ dễ bị tác động với những thay đổi cảm xúc quá đột ngột. Ngoài nguyên nhân do chấn thương, sợ hãi hay stress cao độ, căng thẳng cơ tim có thể xuất hiện khi xúc động mạnh như quá vui mừng hoặc quá buồn sau sự ra đi của người thân, bạn bè; thậm chí là sự phản bội, chia tay của người yêu, ly hôn vợ chồng hoặc một cú sốc tâm lý đặc biệt.

Dấu hiệu thường gặp nhất là cơn đau thắt ngực (đau ngực), lan ra cánh tay trái, hàm hoặc lưng. Người bệnh cảm thấy khó thở, đầu óc quay cuồng và xuất hiện buồn nôn, chóng mặt hay đổ mồ hôi lạnh khởi phát đột ngột, mặc dù trước đó không hề có tiền sử mắc bệnh tim. Chính điều này đã khiến bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là một cơn đau tim. Trong thực tế, xét nghiệm cho thấy những thay đổi đáng kể trong nhịp tim và lưu lượng tuần hoàn máu mà không có bằng chứng của tình trạng động mạch vành bị tắc hẹp.

Loạn nhịp tim hoặc sốc tim cũng có thể xảy ra với hội chứng trái tim tan vỡ. Sốc tim là xảy ra khi trái tim đột nhiên suy yếu không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, nó sẽ khiến người bệnh tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.

Thất trái phình to trong hội chứng trái tim tan vỡ

Căng thẳng cơ tim được điều trị chủ yếu bằng cách sử dụng các loại thuốc tim mạch như thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu, kết hợp những sản phẩm thảo dược thiên nhiên tốt cho tim mạch. Trong khoảng một vài tuần, tình trạng phình thất trái sẽ giảm dần và tâm thất trái sẽ phục hồi được sức bơm của nó.

Nguy cơ nhồi máu cơ tim sau căng thẳng tâm lý

Cholesterol, cặn can xi lắng đọng trong lòng động mạch tạo thành những mảng bám gây xơ vữa động mạch. Những mảng bám nhỏ tuy không gây ra các triệu chứng điển hình, nhưng một khi chúng dầy lên, người bệnh sẽ nhận thấy những cơn đau thắt ngực, đặc biệt khi hoạt động mạnh về thể chất hay căng thẳng về cảm xúc. Căng thẳng tột độ có thể gây đau tim bằng hai cách: làm vỡ mảng xơ vữa trong động mạch và rối loạn nhịp tim

Khi mảng xơ vữa bị vỡ, hỗn hợp cholesterol lắng cặn tan vào máu, hình thành nên các cục máu đông. Nếu cục máu đông quá lớn sẽ gây tắc nghẽn lòng mạch, máu không thể lưu thông đưa oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi cơ tim khiến phần cơ tim này bị hoại tử gây ra cơn đau tim

Căng thẳng hay stress cũng  thay đổi nồng độ hormone cản trở các tín hiệu dẫn truyền nhịp tim. Nó có thể khiến cho tâm thất trái đập quá nhanh và thất thường mà không cho tim có đủ thời gian để thư giãn và bơm đầy máu. Tình trạng này được gọi là rung thất – một nguyên nhân phổ biến gây đột tử.

Qua nhiều năm, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng hay sợ hãi tột độ do động đất, chiến tranh, sự kiện thể thao và nhiều hoạt động khác là nguyên nhân gây ra các cơn đau tim. Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Circulation của Trung tâm y tế Beth Deaconess thuộc Harvard cho thấy cơn đau tim cao hơn 21 lần so với bình thường trong những ngày đầu tiên gia đình có người thân chết và giảm dần theo thời gian.

Cơn đau tim và Hội chứng trái tim tan vỡ: Sự khác nhau là gì?

Một số dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng trái tim tan vỡ có thể khác với cơn đau tim. Trong hội chứng trái tim tan vỡ:

– Các triệu chứng xảy ra đột ngột sau khi căng thẳng về tinh thần hoặc cảm xúc thái quá.

– Điện tâm đồ (EKG một xét nghiệm ghi lại hoạt động điện của tim) có kết quả không giống nhau

– Xét nghiệm máu cho thấy không có dấu hiệu tổn thương tim

– Không có dấu hiệu tắc nghẽn động mạch vành

– Thử nghiệm cho thấy buồng tâm thất trái phình to và chuyển động bất thường

– Thời gian phục hồi nhanh chóng, thường là trong một vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi cơn đau tim phải mất hơn một tháng mới có thể phục hồi được bình thường.

Hội chứng trái tim tan vỡ, phòng ngừa là khó khăn

Không có cách nào để chúng ta biết trước được những tình huống hay tin tức xấu nào sẽ xảy ra trong cuộc sống. Chính vì vậy, chỉ hy vọng rằng trái tim chúng ta đủ khỏe để không bị “sốc” trước những tình huống ấy. Cách tốt nhất để bảo vệ và duy trì trái tim khỏe mạnh, ngăn ngừa các mảng xơ vữa là thay đổi lối sống: duy trì thể dục đều đặn, vừa sức hàng ngày; chế độ ăn giàu dinh dưỡng hợp lý, nói “không” với thuốc lá, bia rượu và các chất kích thích.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề căng thẳng hay quá đau buồn trước sự việc nào đó, hãy cố gắng thư giãn, ăn ngủ điều độ và không sử dụng bất cứ loại thuốc nào nếu không cần thiết. Hãy nghĩ đơn giản rằng “thời gian rồi sẽ chữa lành mọi vết thương” để “đơn giản hóa” những vấn đề trên và phòng ngừa hội chứng trái tim tan vỡ có thể xuất hiện.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo: www.health.harvard.edu

Viết bình luận