Bệnh động kinh

Những sai lầm khi xử lý cơn co giật, động kinh

Ngày đăng: 8 Tháng Bảy, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Động kinh là căn bệnh ngày càng phổ biến ở trên thế giới nói chung và ở các nước đang phát triển như Việt Nam nói riêng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta bắt gặp một người bỗng dưng bị ngã đột ngột xuống đất và co giật không ngừng. Vậy nhưng, không phải ai trong chúng ta cũng biết xử lý cơn co giật đúng cách, điều này có thể khiến người bệnh lâu hồi phục, thậm chí còn gây hại cho chính bản thân người sơ cứu.

Những sai lầm thường gặp khi gặp người lên cơn co giật, động kinh

La hét, hoảng sợ

Tâm lý chung của mọi người khi gặp ai đó lên cơn co giật, đó là sự bất ngờ và hoảng sợ, thậm chí nhiều người còn la hét lớn. Nhưng chính điều này lại có tác động không tốt đến người bệnh, đầu óc họ có thể trở nên căng thẳng hơn khi tỉnh lại, tâm lý e ngại và xấu hổ, sức khỏe lâu hồi phục, đôi khi còn khiến cơn co giật tái phát ngay sau đó. Bởi vậy, giải pháp cho bạn lúc này, là hãy bình tĩnh để tìm cách xử lý giúp người bệnh mau chóng vượt qua tình trạng này.

Tạo thành đám đông xung quanh người bệnh

“Tò mò” là căn bệnh chung của tất cả mọi người khi thấy có sự việc lạ xảy ra. Điều này vô tình ảnh hưởng không tốt tới người lên cơn động kinh. Trong khi hoạt động não bộ đang bị rối loạn, người bệnh cần có không khí để hít thở, tăng cường tuần hoàn máu và oxy lên não. Cách tốt nhất là hãy đứng quan sát ở một khoảng cách vừa đủ, dành cho họ bầu không khí thoáng đãng và chỉ cần 1 – 2 người hỗ trợ trực tiếp bên cạnh.

Nên quan sát người lên cơn động kinh ở khoảng cách vừa đủ

Kìm chặt hoặc khống chế cử động của người bệnh

Cố gắng giữ chặt, kiềm chế một người lên cơn co giật toàn thân có thể dẫn đến thương tích như gãy xương, trật khớp và làm cho người đó kích động hoặc hung hăng hơn bình thường, mặc dù lúc lên cơn họ không ý thức được những gì đang xảy ra. Sai lầm này thường xảy ra hơn với trường hợp trẻ em bị động kinh, do cha mẹ chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh và lo sợ con hay bị giật mình về sau.

Nếu người bệnh lên cơn động kinh vắng ý thức, chẳng hạn như khi đang đi bộ, bạn có thể để họ tiếp tục thực hiện hoạt động hiện tại, đi bộ vòng vòng ở trong một khu vực an toàn mà không nên giữ họ ở yên một chỗ.

Đặt vật cứng vào miệng vì lo sợ cắn vào lưỡi

Nhiều người bệnh có biểu hiện cứng hàm và cơ mặt trong suốt quá trình lên cơn động kinh, khiến răng họ nghiến chặt răng, sùi bọt mép. Đa phần những người xung quanh lo sợ người bệnh sẽ cắn vào lưỡi, trong lúc bị hoảng hốt và rối sẽ nhét ngón tay hoặc vật cứng ngang miệng của họ. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi vì người bệnh có thể bị gãy răng, chấn thương cơ hàm – nướu lợi, đôi khi còn cắn đứt vỡ và nuốt vật lạ vào trong họng. Thậm chí nếu bạn đưa ngón tay vào miệng người bệnh, chính bạn sẽ là người bị tổn thương đứt ngón tay trong khi không giải quyết được vấn đề.

Bạn có thể yên tâm rằng, nguy cơ cắn vào lưỡi khi lên cơn co giật là rất thấp, nếu có thì những tổn thương này thường không quá nguy hiểm và họ sẽ tự hồi phục trở lại. Do vậy, bạn không cần làm gì cả, hãy cứ để yên trong một vài phút. Trong trường hợp quá lo lắng, bạn có thể mua miếng nệm cao su ở các nhà thuốc để đặt vào miệng người bệnh khi cơn động kinh xảy ra.

Di chuyển người bệnh

Di chuyển người đang co giật có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bởi vậy, bạn chỉ nên đưa họ đến nơi khác an toàn hơn trong trường hợp người bệnh đang ở khu vực nguy hiểm như đang bơi, di chuyển trên đường, trên cầu thang, gần các vật chứng, sắc ngọn…

Cho người bệnh ăn ngay sau khi cơn kết thúc

Cơn động kinh vừa qua đi không có nghĩa là người bệnh đã hoàn toàn bình phục. Lúc này, thần trí họ chưa thể tỉnh táo ngay được, việc cho họ ăn hoặc uống một loại chất lỏng nào đó là hành động không nên. Bởi phản xạ nuốt của cơ thể chưa chính xác có thể khiến đồ ăn, thức uống này tràn vào đường thở gây sặc và khi vào phổi có thể gây viêm.

Xử trí cơn co giật, động kinh như thế nào là đúng?

Các chuyên gia về bệnh động kinh khuyên mọi người nên xử trí khoa học để giúp đỡ người bệnh động kinh một cách tốt nhất, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

– Hãy để yên người bệnh tại chỗ và loại bỏ các vật cứng, vật sắc nhọn ra khỏi khu vực người bệnh đang nằm.

– Khi cơn co giật qua đi, hãy xoay về tư thế hồi phục, đặt người bệnh nằm nghiêng về một bên.

– Nâng cằm người bệnh cao hơn 1 chút và đặt chiếc gối mềm hay miếng vải dưới đầu để tránh đờm dãi chảy ngược trở lại gây nghẽn đường thở.

– Nới lỏng cổ áo, tránh cổ áo quá chật.

– Quan sát người bệnh trong suốt quá trình cơn động kinh diễn ra, trấn an khi họ tỉnh lại.

Các bước xử trí khi gặp người lên cơn động kinh, co giật

Trong xử lý cơn co giật, khi nào cần gọi cấp cứu?

Nếu người bệnh chỉ lên cơn động kinh bình thường, bạn chỉ nên thực hiện các bước kể trên để giúp đỡ người bệnh. Tuy nhiên, bạn cần gọi cấp cứu nếu người bệnh có các dấu hiệu sau:

– Cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút.

– Có nhiều cơn diễn ra liên tiếp nhau mà giữa các cơn người bệnh không khôi phục được ý thức.

– Ngừng thở sau khi lên cơn.

– Bị chấn thương trong lúc co giật.

– Không khôi phục lại ý thức sau khi cơn kết thúc.

– Bạn biết được đó là lần đầu tiên người bệnh lên cơn động kinh.

– Người bệnh là phụ nữ đang mang thai, bị tiểu đường.

Việc xử lý cơn co giật, động kinh đúng cách sẽ giúp người bệnh mau hồi phục và sớm trở lại với công việc đang còn dang dở. Bệnh động kinh không nguy hiểm như bạn nghĩ, do vậy, hãy cố gắng ở bên để động viên và giúp đỡ họ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ds. Quỳnh Trâm

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.epilepsy.org.uk/info/firstaid

http://www.healthline.com/health/seizure-first-aid-how-respond-when-someone-has-episode#2

 

Viết bình luận