Mang thai và sinh con là thiên chức của người phụ nữ nhưng cũng mang đến muôn vàn khó khăn, khổ cực. Đối với những phụ nữ không may mắc bệnh động kinh, sự khó khăn đó còn nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh động kinh bị tước đi quyền làm mẹ, họ vẫn có thể mang thai và sinh ra những đứa con khỏe mạnh bình thường.
Mục lục
Hầu hết phụ nữ mắc bệnh động kinh không có bất kỳ thay đổi nào về số lần co giật trong thai kỳ. Tuy nhiên, một số nhỏ có số cơn co giật có thể giảm đi hoặc tăng lên. Tình trạng này có thể là do sự thay đổi của hormon hay ảnh hưởng của thai kỳ (chẳng hạn như mệt mỏi, ốm nghén) đến hiệu quả của thuốc chống động kinh.
Bà bầu mắc bệnh động kinh cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ, đặc biệt là đối với những trường hợp cơn co giật xuất hiện nhiều hơn trước đó.
Phụ nữ động kinh mang thai cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ
Trong thời gian mang thai, người mẹ có thể cần nhiều thuốc chống động kinh hơn so với bình thường. Liều lượng thuốc chống động kinh sẽ được điều chỉnh để giảm từ từ về mức trước đó, sau khi em bé chào đời.
Ốm nghén thường xảy ra trong 12 tuần đầu của thai kỳ hoặc kéo dài hơn. Tình trạng ốm nghén có thể làm giảm hiệu quả của thuốc chống động kinh. Người mẹ cần phải thay đổi thời gian sử dụng thuốc trong ngày, chẳng hạn như chỉ uống thuốc khi hết mệt, điều quan trọng là phải chia đều khoảng thời gian giữa các liều.
Trong các thể động kinh, thường chỉ có dạng động kinh co cứng co giật toàn thân (Tonic-clonic) có thể gây hại cho thai nhi hay dẫn đến sảy thai còn các dạng động kinh khác thì hầu như không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên co giật co cứng toàn thân là dạng động kinh khá phổ biến, do vậy để giảm bớt những rủi ro do động kinh mang lại trong thai kỳ, bà bầu nên uống thuốc chống động kinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Nếu người cha mắc bệnh động kinh và phải dùng thuốc chống động kinh thì em bé không bị ảnh hưởng bởi em bé không tiếp xúc với thuốc của người cha. Nếu người mẹ phải dùng thuốc chống động kinh trong thời gian mang thai, thai nhi sẽ phải tiếp xúc với thuốc. Mặc dù dòng máu của người mẹ tách biệt với dòng máu của bào thai, nhưng thuốc kháng động kinh vẫn được truyền vào máu của người con qua nhau thai. Một số thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của bào thai trong tử cung, đặc biệt là trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ – giai đoạn phát triển khung xương và các cơ quan của bé.
90% phụ nữ mắc bệnh động kinh sẽ có một thai kỳ bình thường và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, so với những phụ nữ khỏe mạnh, họ có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh cao hơn.
3% bà bầu bị động kinh không dùng thuốc chống động kinh có nguy cơ sinh con bị dị tật, nguy cơ này là 4 – 10% ở những bà bầu có dùng thuốc chống động kinh. Mỗi loại thuốc chống động kinh tiềm ẩn nguy cơ khác nhau, nguy cơ tăng lên theo liều dùng và cao hơn nữa nếu người bệnh đã sinh một đứa con bị dị tật:
– Uống nhiều hơn 1 thuốc chống động kinh làm tăng nguy cơ, đặc biệt là trong các thuốc này có sodium valproate (tên thương hiệu: Epilim, Depakine và Encorate), nguy cơ sinh con dị tật lên tới 7 – 10%. Ở một số nước, cơ quan quản lý thuốc khuyến cáo không nên kê sodium valproate cho phụ nữ mang thai hoặc dự định có con, trừ khi người bệnh không đáp ứng với các thuốc khác.
– Các thuốc chống động kinh gồm Lamotrigine (Lamictal), carbamazepine (Tegretol) và Levetiracetam (Keppra) an toàn hơn cho thai nhi, với nguy cơ dị tật bẩm sinh còn 2 – 3%..
Phụ nữ mắc bệnh động kinh cần sàng lọc trước sinh để theo dõi sự phát triển của em bé. Sàng lọc trước bao gồm siêu âm (quan trọng nhất là tuần thai thứ 12 và tuần thai 18 – 20), xét nghiệm máu kết hợp đo nồng độ alphafetoprotein (AFP). Nồng độ AFP trong máu của người mẹ có thể chỉ ra nguy cơ dị tật của con. Sàng lọc trước sinh mặc dù không thể khẳng định chắc chắn rằng em bé có bị dị tật hay không nhưng có thể giúp xác định nguy cơ mắc dị tật của em bé đó.
Một số thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau khi được sinh ra, được gọi là hội chứng bào thai phơi nhiễm với thuốc chống co giật (FACS). FACS có thể ảnh hưởng đến trẻ khi lớn lên, biểu hiện bằng chậm phát triển ngôn ngữ, lời nói hoặc gặp khó khăn trong việc tương tác xã hội, ghi nhớ và tập trung. Nguy cơ FACS cao hơn nếu bà bầu uống thuốc chống động kinh sodium valproate, trẻ thường không được chẩn đoán mắc hội chứng này cho tới khi đi học (các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và rõ ràng hơn).
Cơn co giật, động kinh xảy ra khi mang thai có thể đe doạ đến tính mạng cả mẹ và bé. Do vậy, Tuy sử dụng thuốc kháng động kinh sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các dị tật bẩm sinh ở thai nhi nhưng sử dụng thuốc thường vẫn sẽ được các bác sĩ chỉ định.
Uống rượu bia, hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích khác cũng sẽ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi, phụ nữ động kinh cần tránh.
Phụ nữ động kinh bổ sung acid folic giúp giảm nguy cơ dị tật thai nhi
Acid folic (vitamin B9) cần thiết cho sự hình thành và phát triển khung xương ở thai nhi, bổ sung acid folic làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Tất cả phụ nữ đang có dự định mang thai nên bổ sung 400 microgram acid folic mỗi ngày và trong suốt 12 tuần đầu thai kỳ. Tuy nhiên đối với người mắc bệnh động kinh, liều lượng acid folic cần dùng là cao hơn nhiều (5 mg/ngày), bắt đầu từ khi có ý định mang thai và cho đến 16 tuần đầu thai kỳ. Trong một số trường hợp bác sỹ khuyến cáo duy trì liều cao acid folic này trong suốt thai kỳ để đề phòng dị tật ống thần kinh cho em bé.
Nếu bạn có bệnh động kinh, tốt nhất hãy thảo luận thật kỹ với bác sỹ khi dự định có em bé. Bác sỹ sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất về thuốc, chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện để đảm bảo cho bạn một thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh.
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn tham khảo: www.epilepsysociety.org.uk/pregnancy-and-epilepsy#.Vs5gtfmLTcd
Tin liên quan
Viết bình luận