Động kinh là bệnh lý của não bộ xảy ra khi có sự phóng điện bất thường, quá mức và đột ngột của các tế bào thần kinh. Hiện nay, phương pháp điều trị được áp dụng chủ yếu thông qua việc sử dụng thuốc. Cũng giống như các hoạt chất tây y khác, thuốc chống động kinh có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, do đó, bệnh nhân hoặc phụ huynh có con em mắc chứng bệnh này cần có những kiến thức và hiểu biết cần thiết để việc dùng thuốc vừa đạt hiệu quả cao, lại vừa hạn chế được tối đa những tác dụng phụ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Mục lục
Tác dụng không mong muốn của thuốc chống động kinh có mối liên quan chặt chẽ tới liều lượng và thường xảy ra trong những tuần đầu tiên sử dụng thuốc, hay gặp nhất là: cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, khó chịu, buồn nôn, phát ban, phản ứng chậm, tăng số lượng các cơn co giật… và chúng có thể hết sau vài tuần hoặc vài tháng điều trị. Những tác dụng phụ này ít xuất hiện hơn nếu người bệnh sử dụng liều ban đầu thấp sau đó tăng lên một cách từ từ.
Một số tác dụng khác thường xuất hiện khi bệnh nhân sử dụng thuốc tăng dần tới liều ở mức cao như: tăng cân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, tăng động (trẻ em hiếu động thái quá), rối loạn ngôn ngữ, khó chịu, rối loạn kinh nguyệt… Sử dụng liều cao ngay từ đầu, vấn đề tuổi tác, các bệnh mắc kèm, tương tác thuốc… làm tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ này.
Thuốc chống động kinh có thể gây ra các rối loạn hệ thần kinh của trẻ nhỏ
Đi kèm với hiệu quả làm giảm cơn co giật, thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh, não bộ, đặc biệt là sự suy giảm về nhận thức, khả năng ghi nhớ và tập trung ở trẻ nhỏ. Vấn đề này thường gặp hơn ở những trẻ em sử dụng nhiều loại thuốc chống động kinh hoặc sử dụng thuốc chống động kinh với liều lượng cao.
Loãng xương là tác dụng phụ hay gặp ở những người sử dụng thuốc chống động kinh trong một thời gian dài, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Để hạn chế tình trạng này người bệnh nên kiểm tra mật độ xương thường xuyên, bổ sung canxi và vitamin D, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tập luyện thể dục thường xuyên…
Các loại thuốc chống động kinh đều không an toàn với phụ nữ mang thai và có thể gây dị tật bẩm sinh: sứt môi/hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật ống tủy sống, chậm phát triển về trí tuệ… Phụ nữ chuẩn bị có ý định sinh con và khi mang thai nên nói chuyện với bác sĩ để tạm dừng sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ nếu có thể hoặc đổi sang loại thuốc khác có nguy cơ thấp hơn. Uống axit folic trước và trong giai đoạn mang thai được khuyến cáo như một cách để hạn chế nguy cơ di tật bẩm sinh cho trẻ sau khi ra đời.
Sử dụng thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến thai nhi
Một số thuốc chống động kinh có thể xảy ra những tác dụng phụ đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân, chẳng hạn như:
– Hội chứng phát ban toàn thân – Stevens Johnson khi dùng Lamotrigine
– Suy gan hoặc tụy khi dùng Depakin, Vaproate (hoạt chất sodium valproate)
– Thiếu máu bất sản ở những người dùng Felbamate
Do đó, mọi bệnh nhân cần được theo dõi công thức máu và kiểm tra sức khỏe toàn diện thường xuyên, nhất là trong giai đoạn mới bắt đầu sử dụng thuốc.
Đôi khi dùng nhiều thứ thuốc trong cùng một lúc có thể dẫn đến tình trạng tương tác và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tương tác thuốc được biết đến thông qua mối liên quan đến quá trình hấp thu, chuyển hóa, phân phối và đào thải các hoạt chất ra khỏi cơ thể. Chẳng hạn như:
– Thay đổi trong hấp thu ở đường tiêu hóa, làm giảm nồng độ thuốc trong máu dẫn đến mất tác dụng điều trị bệnh động kinh. Ví dụ: thuốc kháng acid điều trị dạ dày làm chậm hấp thu Phenytoin
– Thay đổi trong chuyển hóa, thải trừ: thuốc chữa động kinh dùng đồng thời có thể làm chậm hoặc tăng tốc độ chuyển hóa thuốc qua gan, tăng bài tiết qua thận của các thuốc khác.
– Thuốc chống động kinh có thể làm giảm tác dụng của thuốc uống tránh thai của phụ nữ
Mặc dù thuốc chống động kinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đối với bệnh nhân, tuy nhiên, khi cân nhắc giữa lợi ích kiểm soát cơn co giật và rủi ro xuất hiện thì việc sử dụng thuốc chống động kinh vẫn là cần thiết. Quan trọng nhất là người mắc bệnh động kinh cần học cách nhận biết những tác dụng phụ có thể xảy ra, các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát những biểu hiện về hành vi, tâm trạng của con em mình khi sử dụng thuốc. Trường hợp sốt kéo dài, phát ban, đau họng nặng, loét miệng, dễ bầm tím trên da hoặc xuất hiện những chấm đỏ dưới da, suy nhược, bơ phờ, sưng hạch, chán ăn… có thể là những dấu hiệu nghiêm trọng đang phát triển và cần thông báo ngay cho bác sĩ để xử lý kịp thời.
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn: http://www.epilepsychicago.org/
Tin liên quan
Viết bình luận