Bệnh động kinh

Tổng hợp các triệu chứng bệnh động kinh thường gặp

Ngày đăng: 8 Tháng Ba, 2017
5/5 - (4 bình chọn)

Bộ não có hàng triệu tế bào thần kinh hay còn gọi là các neuron, chúng kiểm soát mọi hoạt động của cơ thể như: suy nghĩ, hành vi, cảm xúc, cảm giác… bằng các tín hiệu điện. Khi có quá nhiều tín hiệu điện được truyền đi cùng một lúc, hoạt động của não bộ có thể bị rối loạn và gây ra cơn động kinh. Hầu hết, mọi người đều biết rằng triệu chứng của bệnh động kinh là các cơn co cứng, co giật. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh động kinh còn biểu hiện với rất nhiều các triệu chứng khác tùy thuộc vào vùng não bộ bị ảnh hưởng.

Động kinh cục bộ – những dấu hiệu để nhận biết

Động kinh cục bộ đơn giản (Simple focal seizures)

Xảy ra khi chỉ một phần nhỏ của não bị ảnh hưởng (một phần nhỏ của thùy não). Lúc này, người bệnh có thể gặp phải một số các triệu chứng như:

– Cảm thấy khó chịu, tê ở vị trí dạ dày

– Xuất hiện các ảo giác về hình ảnh, mùi vị, âm thanh…

Nhìn thấy những hình ảnh lạ như hình đốm sáng, hình một người lạ, những hình ảnh trước mắt như bị biến đổi về hình dạng, kích thước, khoảng cách…

Nghe thấy những âm thanh không có thật như tiếng gió thổi, tiếng chuông điện thoại, tiếng người nói chuyện, tiếng gõ cửa…

Cảm nhận thấy những mùi vị và hương vị lạ: Mùi khó chịu, mùi két, mùi khói, mùi thức ăn, cảm giác trong miệng xuất hiện những hương vị lạ (vị đắng, ngọt gắt…)

– Cảm thấy rất thân thuộc với một khung cảnh xa lạ, có thể là nơi đó chưa đến bao giờ

– Thay đổi cảm xúc thất thường, đột nhiên cảm thấy lo lắng, sợ hãi, vui, buồn… (cảm giác rất mạnh)

– Cảm thấy như kiến bò, kim châm hay có luồng điện chạy qua khắp cơ thể.

– Co cứng hay co giật ở cánh tay, ngón tay

Trong động kinh cục bộ đơn giản, người bệnh sẽ vẫn còn ý thức và vẫn nhớ được các triệu chứng mà mình gặp phải.

Động kinh cục bộ có thể khiến người bệnh lo lắng, sợ hãi đột ngột

Động kinh cục bộ phức tạp (Complex focal seizures):

So với cơn co giật cục bộ đơn giản, thì co giật cục bộ phức tạp xảy ra khi người bệnh bị ảnh hưởng ở nhiều khu vực não bộ. Người bệnh sẽ bị mất ý thức trong một khoảng thời gian nhất định, lúc này họ có thể thực hiện rất nhiều hành vi trong vô thức mà không hề nhớ những gì xảy ra, chẳng hạn như:

– Cởi quần áo, lục túi sách, sắp xếp đồ vật liên tục dù đã rất gọn gàng.

– Nhai miệng tóp tép khi trong miệng không có đồ ăn, nuốt nước miếng, liếm miệng…

– Lẩm bẩm trong miệng, hoặc nói nhiều từ ngữ khó hiểu

– Đi lang thang với điệu bộ khó hiểu, mất ý thức, bối rối

– Tự nhiên la hét, hoặc có tiếng kêu lớn

– Chuyển động cơ thể như lắc tay chân, người

Trong cơn động kinh cục bộ phức tạp người bệnh vẫn có thể nghe thấy người khác nói, nhưng không thể hiểu được vấn đề để có thể trả lời, cơn thường kéo dài trong khoảng 15-30 giây. Sau cơn người bệnh có thể không tỉnh táo và mệt mỏi sau một khoảng thời gian. Động kinh cục bộ phức tạp nếu không được kiểm soát tốt có thể lan ra toàn não bộ gây co cứng co giật toàn thân.

Phân biệt các dạng động kinh toàn thể qua từng biểu hiện, triệu chứng

Cơn co giật toàn thể sẽ ảnh hưởng đến cả hai bán cầu não cùng một lúc và thường xảy ra bất chợt mà không có cảnh báo. Người bệnh thường bị mất ý thức và không nhớ những gì đã xảy ra trước đó. Động kinh toàn thể thường biểu hiện dưới 5 dạng chính bao gồm:

Cơn động kinh vắng ý thức(Absences):

Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ. Khi lên cơn động kinh, trẻ chỉ bị mất ý thức tạm thời khoảng từ 3-30 giây nhưng lặp lại khoảng 50-100 lần/ngày. Khi bị mất ý thức trẻ thường có các biểu hiện như đang ăn, đang chơi, đang nói… tự nhiên dừng lại sau đó lại tiếp tục thực hiện các hoạt động này, nhìn chăm chăm vào một hướng nào đó trong vô thức. Trong một số trường hợp các biểu hiện của vắng ý thức có thể kèm theo giật nhẹ ở mí mắt, khóe miệng…

Hình ảnh một trẻ trong cơn động kinh vắng ý thức

Với dạng cơn này nhiều người sẽ nhầm tưởng với tình trạng không tập trung của trẻ, tuy nhiên, nếu như bạn để ý khi trẻ bị một cơn động kinh dạng vắng ý thức sẽ xảy ra rất đột ngột, biến đổi sắc thái và cảm xúc rất nhanh, kéo dài trong khoảng vài giây rồi kết thúc. Mặc dù thời gian diễn ra cơn không dài, nhưng do lại lặp lại thường xuyên trong ngày, nên khi trẻ mắc bệnh sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập.

Động kinh rung giật cơ (Myoclonic)

Khi bị động kinh rung giật cơ, người bệnh có thể đột ngột bị giật rất nhanh, mạnh một nhóm cơ nào đó trên cơ thể, có thể là tay, hoặc chân… rồi bình thường trở lại ngay sau đó. Những cơn động kinh này thường xảy ra vào thời điểm sau khi người bệnh ngủ dậy, hoặc sắp đi vào giấc ngủ.

Cơn co cứng – co giật (Tonic- clonic)

Người bệnh sẽ trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là đột ngột mất ý thức, ngã xuống đất và co cứng toàn thân. Giai đoạn tiếp theo là co giật thành từng cơn. Trong cơn người bệnh có thể kèm theo các biểu hiện như sùi bọt mép (nước dãi), mặt tím đỏ, mắt trợn ngược, tiểu ra quần… Cơn thường kéo dài từ vài giây cho đến vài phút là tự chấm dứt. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể bị nôn mửa, cơ thể mệt mỏi, nhức đầu và muốn đi ngủ.

Cơn động kinh co cứng hoặc co giật (Tonic hoặc clonic)

Người bệnh chỉ xuất hiện các cơn co cứng hoặc co giật toàn thân. Dạng co cứng toàn thân phổ biến hơn, nó thường làm cho người bệnh đột ngột ngã ngửa ra phía sau gây tổn thương sau đầu, còn co giật toàn thân đơn thuần là hiếm khi xảy ra.

Cơn động kinh nhược cơ (Atonic)

Trong cơn động kinh này, một nhóm cơ bị mất trương lực đột ngột. Điều này có thể khiến người bệnh đột ngột ngã xuống đất, hay làm đầu của người bệnh bất ngờ bị gập xuống… Động kinh nhược cơ cũng xảy ra rất nhanh và không kéo dài.

Nếu bạn nhận thấy mình hay người thân có các dấu hiếu hiệu tương tự của bệnh động kinh hãy tới các chuyên khoa thần kinh của các bệnh viện uy tín để được thăm khám và chẩn đoán sớm từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

http://www.epilepsysociety.org.uk/epileptic-seizures#.Vs5ZS_mLTcd

Viết bình luận