Mặc dù y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh động kinh nhưng hiện nay vẫn có khoảng 20-30% số bệnh nhân không thể khống chế được các cơn co giật. Động kinh không kiểm soát, động kinh kháng thuốc, động kinh kháng trị.. là những thuật ngữ để chỉ tình trạng này.
Động kinh là sự rối loạn chức năng của não bộ với đặc trưng là các cơn co giật gây ra bởi sự phóng điện đột ngột và quá mức của các tế bào thần kinh. Có khoảng 70% bệnh nhân có thể kiểm soát được các cơn động kinh bằng thuốc. Tuy nhiên, phần còn lại các cơn co giật, động kinh vẫn tái diễn sau thời gian điều trị tích cực bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Những trường hợp như vậy được coi là động kinh không kiểm soát.
20 – 30% số bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị
Động kinh không kiểm soát được chủ yếu là do những nguyên nhân sau:
– Sai lầm trong chẩn đoán và điều trị.
– Người bệnh không tuân thủ theo đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
– Ảnh hưởng tiêu cực của môi trường sống, chế độ ăn uống và sinh hoạt.
– Cơ địa của bệnh nhân không đáp ứng với thuốc chống động kinh.
Cũng giống như chúng ta đang tìm chìa khóa để mở cánh cửa đi vào nhà mình trong một đêm trời tối. Bạn sẽ không thể đi vào nhà được nếu lấy nhầm chìa khóa để mở cửa, hoặc dùng chìa khóa của mình để mở một cánh cửa của nhà hàng xóm. Việc điều trị động kinh cũng vậy, cần đúng bệnh và đúng thuốc. Chẩn đoán sai dẫn tới điều trị nhầm bệnh hoặc sử dụng không đúng thuốc trong điều trị bệnh động kinh có thể là nguyên nhân dẫn tới cơn co giật tái diễn và không kiểm soát được. Một nghiên cứu cho thấy có 13% số bệnh nhân “động kinh không kiểm soát” không thực sự bị bệnh động kinh, mà nguyên nhân dẫn tới những cơn co giật trên lâm sàng của họ có thể là do các nguyên nhân: Cơn thiếu mãu não thoáng qua, bệnh đau nửa đầu, rối loạn giấc ngủ, chứng rối loạn vận động, rối loạn chuyển hóa, hoảng loạn, lo sợ quá mức, hoặc vấn đề tâm lý khác…
Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc chống động kinh thường phù hợp điều trị cho một số thể động kinh nhất định. Nếu sử dụng thuốc không phù hợp, không đúng liều… hiệu quả điều trị sẽ giảm đi rất nhiều.
Ví dụ: Carbamazepine (Tegretol): Phù hợp với cơn co giật do động kinh cục bộ nhưng không hiệu quả với động kinh vắng ý thức, nhưng Ethosuximide (Zarontin) thì ngược lại, thuốc điều trị tốt nhất cho động kinh vắng ý thức nhưng lại không phải là tối ưu cho động kinh cục bộ. Mặc dù, thể động kinh vắng ý thức và động kinh cục bộ có nhiều triệu chứng giống nhau.
Quên uống thuốc thuốc, dùng thuốc không liên tục, tự động bỏ thuốc…. cũng là những nguyên nhân dẫn tới động kinh kháng thuốc, bởi vì đối với bệnh động kinh, việc dùng thuốc thường xuyên và liên tục là rất quan trọng. Một số trường hợp dùng thuốc chống động kinh đã kiểm soát được các cơn co giật, bệnh nhân nghĩ bệnh của mình đã khỏi và tự động bỏ thuốc. Sau đó các cơn co giật lại quay trở lại, lúc này sử dụng lại thuốc chống động kinh nhưng không còn tác dụng nữa – Động kinh kháng thuốc. Người bệnh cần nhớ rằng: Sử dụng hay ngừng bất kỳ loại thuốc chống động kinh nào đều cần có ý kiến của các bác sĩ.
Sử dụng hay ngừng thuốc chống động kinh cần có chỉ định của bác sĩ
Các yếu tố như thiếu ngủ, giấc ngủ hay bị gián đoạn, stress, các bệnh mắc kèm, môi trường sống không đảm bảo, chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, sử dụng chất kính thích… đều tác động tiêu cực đến bệnh nhân động kinh, làm tăng tần suất các cơn co giật xuất hiện, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đồng thời làm tăng nguy cơ động kinh kháng thuốc.
Mỗi người người đều có những đặc điểm riêng biệt về đặc điểm thể chất, sinh lý, mức độ phản ứng với những tác động từ bên ngoài… được gọi là cơ địa. Có thể hai người cùng bị một dạng động kinh và cùng sử dụng một loại thuốc, nhưng một người có thể kiểm soát được các cơn co giật trong khi người còn lại thì không. Động kinh không kiểm soát được cũng có thể có nguyên nhân là do là do cơ địa của bệnh nhân không đáp ứng với thuốc chống động kinh.
Có rất nhiều những yếu tố dẫn đến động kinh không kiểm soát có thể phòng tránh được. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ động kinh kháng thuốc và kiểm soát các cơn co giật tốt hơn bạn cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đồng thời thực hiện một lối sống lành mạnh và tránh các tác động tiêu cực từ bên ngoài (ngủ đủ giấc, ăn uống hợp về sinh, hạn chế căng thẳng tâm lý và sử dụng các chất kích thích…).
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn: http://www.epilepsy.com/
Tin liên quan
Viết bình luận