Bệnh động kinh

Hướng dẫn các mẹ bị động kinh cách chăm sóc và nuôi con an toàn

Ngày đăng: 28 Tháng Mười Một, 2017
5/5 - (2 bình chọn)

Gặp phải những bệnh lý mạn tính như bệnh động kinh là điều không ai mong muốn, nhất là khi cơn co giật xuất hiện không báo trước, gây nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. Và sẽ càng vất vả hơn khi người phụ nữ mắc bệnh động kinh phải chăm sóc con mỗi ngày. Bài viết sau sẽ giúp các mẹ có thể trang bị thêm cho mình những biện pháp tối ưu nhất để đảm bảo con luôn được an toàn nếu cơn động kinh xảy ra bất ngờ.

Người mẹ động kinh nên lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Thường các cơn co giật do động kinh xảy ra một cách đột ngột, không có dấu hiệu cảnh báo trước, một số gợi ý sau đây giúp bạn giữ an toàn cho trẻ sơ sinh khi không có ai bên cạnh giúp đỡ:

– Thay quần áo, tã lót, bỉm cho con trên sàn nhà để tránh làm té ngã con.

– Nên đặt bé xuống một tấm thảm trên sàn để tắm, không nên tắm bồn hoặc tắm chậu cho bé. Vì cơn động kinh có thể khiến bạn đánh rơi con vào nước gây đuối ngạt.

– Sử dụng địu hoặc thắt dây an toàn, không nên bế con trên tay nhằm đảm bảo an toàn cho em bé nếu chẳng may bạn bị ngã.

– Buộc xe đẩy của bé vào cổ tay bạn bằng một sợi dây để đảm bảo xe sẽ không tự lăn khi bạn buông tay.

– Cho con ngủ, chơi trong nôi thấp, tránh việc lên cơn bất ngờ bạn có thể vô tình làm lật nôi.

– Ngồi xuống sàn nhà, xung quanh trải đệm và tựa vào tường khi cho con bú.

Người mẹ bị động kinh nên cho con bú dưới sàn nhà để đảm bảo an toàn cho bé

Lưu ý khi cho con bú trong quá trình sử dụng thuốc chống động kinh

Một số thuốc chống động kinh có tác dụng an thần như phenobarbital và primidone, thuốc này dễ dàng qua sữa mẹ và làm cho em bé buồn ngủ. Vì vậy, nên cân nhắc việc cho con dùng sữa ngoài để thay thế.

Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, bạn nên trao đổi với bác sĩ, bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn loại thuốc chống động kinh và liều lượng phù hợp nhằm kiểm soát cơn một cách tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn cho em bé.

Nói chuyện cho con biết rằng: Bạn đang mắc bệnh động kinh

Bạn có thể nói chuyện với con về tình trạng bệnh của mình và hướng dẫn con cách nhận biết và xử lý khi bạn lên cơn động kinh, cụ thể là:

– Ở lại bên cạnh bạn nhằm đảm bảo con sẽ không bị lạc khi đang ở bên ngoài.

– Nhờ sự giúp đỡ của người khác, ví dụ như bạn bè hay hàng xóm.

– Nếu bé lớn hơn một chút, bạn có thể hướng dẫn bé cách giúp đỡ bạn khi bạn lên cơn động kinh, ví dụ như nới lỏng cổ áo, đẩy vật cứng nhọn ra xa, xoay bạn nằm nghiêng về tư thế phục hồi, hoặc gọi 115 nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút.

Tham gia vào câu lạc bộ những người mắc bệnh động kinh

Chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ những phụ huynh có hoàn cảnh tương tự như mình là cách nhanh và hiệu quả nhất để bạn thu thập những bí kíp chăm sóc con an toàn. Hiện nay có rất nhiều câu lạc bộ, hội nhóm những người mắc bệnh động kinh. Bạn nên tham gia vào những hội này và đừng ngần ngại chia sẻ những băn khoăn của bản thân mình để được thông cảm và hỗ trợ.

Nên tham gia các hội nhóm dành cho người động kinh để được chia sẻ và giúp đỡ

(Link group: https://www.facebook.com/groups/EpiVN/)

Đưa con đi khám và điều trị sớm nếu thấy dấu hiệu bất thường của bệnh động kinh

Mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng một số thể động kinh vẫn có thể di truyền từ mẹ sang con. Vì vậy, nếu thấy con bạn có dấu hiệu bất thường như co giật, co cứng, mất trương lực cơ, vắng ý thức, bạn nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra để điều trị từ sớm.

Ngoài những biện pháp kể trên, bạn nên chú ý điều trị động kinh đúng cách nhằm sớm kiểm soát bệnh của mình. Để làm được điều này, bạn cần tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định, không bỏ quên hay tăng, giảm liều sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau. Nếu không mang thai hoặc cho con bú, bạn có thể tham khảo sử dụng sản phẩm hỗ trợ điều trị chứa các thành phần thảo dược có tính trấn kinh, an thần như Câu đằng, An tức hương, nhằm giảm tần suất, mức độ, thời gian diễn ra cơn, giúp bạn sớm hồi phục sức khỏe sau động kinh.

Ds. Quỳnh Trâm

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.epilepsysociety.org.uk/breastfeeding-and-epilepsy#.WgEzSsIX7IV

https://www.epilepsysociety.org.uk/parenting-and-epilepsy-caring-your-child#.WgEzSsIX7IV

Viết bình luận