Bệnh động kinh

D-leucine, triển vọng mới trong điều trị động kinh kháng thuốc

Ngày đăng: 30 Tháng Chín, 2016
5/5 - (2 bình chọn)

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Johns Hopkins (Mỹ) đã phát hiện ra một loại acid amin có thể ức chế cơn co giật ở chuột. Nghiên cứu này mở ra một hướng đi mới trong việc điều trị động kinh – căn bệnh cho tới nay vẫn chưa có “lời giải”.

D-leucine là một tiền đề cho sự xuất hiện của các phương pháp điều trị động kinh kháng thuốc

Hàng triệu bệnh nhân bị động kinh kháng thuốc (ít đáp ứng với điều trị) vẫn đang phải đối mặt với căn bệnh này hàng ngày mà không có phương pháp điều trị nào hiệu quả. Chế độ ăn ketogenic (giàu chất béo, đủ protein và ít carbohydrate) từng được biết đến là có tác dụng làm giảm cơn động kinh ở trẻ em, nhưng cơ chế ảnh hưởng của nó vẫn còn chưa biết rõ. Đó là lý do vì sao các nhà nghiên cứu của Đại học Y Johns Hopkins (Mỹ) đã tập trung tìm hiểu vai trò chống động kinh của từng loại protein (acid amin) trong chế độ ăn ketogenic. Trong đó, D-leucine thể hiện khả năng chống động kinh vượt trội, hứa hẹn trở thành một giải pháp điều trị mới cho căn bệnh khó chữa này. Kết quả nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí danh tiếng về thần kinh học trên thế giới Neurobiology of Disease, số tháng 10 năm 2015.

Nghiên cứu được thực hiện trên mô hình chuột gây co giật bằng cách tiêm acid kainic. 3 giờ trước tiêm hoặc 15 – 20 phút sau tiêm acid kianic, chuột được tiêm màng bụng dung dịch L-leucine hoặc D-leucine. Sau đó, các lát cắt não chuột được đưa vào đánh giá điện sinh lý. Kết quả cho thấy, D-leucine có hiệu quả tương tự, thậm chí vượt trội hơn L-leucine trong việc ức chế cơn co giật gây ra bởi acid kainic. D-leucine có khả năng làm ngừng cơn co giật ngay cả khi nó đang diễn ra. Ngay cả ở liều thấp, D-leucine ức chế co giật với hiệu quả ít nhất là tương đương với diazepam – một thuốc điều trị động kinh hiện nay, nhưng không có tác dụng an thần.

Kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cơ chế tác dụng của D-leucine khác với các thuốc chống động kinh hiện tại. Trong một loạt các thử nghiệm, D-leucine đã hoàn thành tốt vai trò của mình trong việc làm tăng sức đề kháng của chuột với các cơn co giật. “Chúng tôi thấy rằng, D-leucine ảnh hưởng đến tế bào thần kinh theo một cách rất khác so với những loại thuốc truyền thống trong kiểm soát các cơn co giật”, GS David Bodian và nhà nghiên cứu, TS. J. Marie Hardwick, Đại học Y Johns Hopkins cho biết. Phát hiện này có thể là một tiền đề cho sự xuất hiện của các phương pháp điều trị động kinh kháng thuốc mới, vốn đang rất cần thiết cho gần 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh động kinh hiện nay.

Acid amin là những “viên gạch” xây dựng lên các phân tử protein, là nguồn năng lượng, đồng thời  có vai trò quan trọng trong nhiều phản ứng hóa sinh của cơ thể con người. Thậm chí, có nhiều vai trò của acid amin trong cơ thể mà y học vẫn chưa “khám phá” hết toàn bộ. Phát hiện về tác dụng chống co giật của D-leucine, một loại acid amin có nhiều trong thực phẩm và một số loại vi khuẩn đã góp phần lý giải cho hiệu quả của chế độ ăn ketogenic cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh động kinh. Tuy nhiên, phương pháp dinh dưỡng này đòi hỏi sự tính toán phức tạp, khó thực hiện và cũng không thể kiểm soát hoàn toàn các cơn co giật.

Theo tác giả nghiên cứu chính, Adam Hartman – chuyên gia thần kinh nhi khoa, Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins, Mỹ, “Trong vòng hơn 50 năm qua, các phương pháp điều trị bệnh động kinh không được cải thiện nhiều. Có một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho y học là phải tìm ra phương pháp điều trị tốt hơn khi hàng triệu bệnh nhân động kinh đã chuyển sang giai đoạn kháng thuốc”. Chính vì vậy, kết quả của nghiên cứu này là một tin vui với những bệnh nhân mắc bệnh động kinh kháng thuốc. Đồng thời, nó cũng mở ra một hy vọng trong tương lai, giúp bệnh nhân động kinh có một phương pháp điều trị an toàn, có hiệu quả cao.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo:

http://hub.jhu.edu

http://www.sciencedirect.com

Viết bình luận