Bệnh động kinh

Ảnh hưởng của giấc ngủ tới bệnh động kinh

Ngày đăng: 6 Tháng Ba, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Người bệnh mắc bệnh động kinh cần đặc biệt lưu tâm đến giấc ngủ của mình nếu không muốn cơn động kinh tái phát. Bởi thiếu ngủ khiến các tế bào thần kinh “mệt mỏi” và “căng thẳng” nên các triệu chứng của bệnh động kinh sẽ dễ xuất hiện hơn.

Thiếu ngủ, mất ngủ kích hoạt các cơn co giật, động kinh

Thiếu ngủ hay mất ngủ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh động kinh theo nhiều cách khác nhau. Cơ thể người bệnh trong chu kỳ ngủ – thức – ngủ có những thay đổi nhất định trong hoạt động điện não và nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh, điều này giải thích tại sao mà một số người chỉ xuất hiện các cơn co giật, động kinh vào một số thời điểm trong ngày. Khi chu kỳ này bị phá vỡ, hoạt động điện não và nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh có thể bị rối loạn từ đó kích hoạt các cơn co giật xuất hiện.

Các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau bằng các tín hiệu điện. Cơn động kinh xuất hiện khi hoạt động điện não bị rối loạn. Với người bệnh động kinh, mất ngủ không chỉ là yếu tố kích hoạt các cơn co giật, động kinh mà nó còn làm tăng cả cường độ và thời gian xuất hiện cơn.

Thiếu ngủ, mất ngủ có thể kích hoạt cơn động kinh

Người bệnh động kinh có thể bị thiếu ngủ, mất ngủ do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh động kinh:

– Ngủ không đủ giấc: Có người chỉ cần ngủ 5 giờ mỗi ngày vẫn có thể đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh nhưng có những người phải cần ngủ tới 8 – 10 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng một người nên ngủ khoảng từ 7-8 tiếng mỗi ngày. Nếu thời gian ngủ không đủ người bệnh sẽ dễ xuất hiện các cơn co giật, động kinh.

– Giấc ngủ chập chờn: Người bệnh không ngủ ngon hoặc ngủ không yên giấc do âm thanh tiếng động, do ác mộng hoặc do tiểu đêm.

– Cơn co giật khi ngủ: Cơn co giật xuất hiện khi ngủ khiến người bệnh tỉnh giấc, phá vỡ chu kỳ ngủ – thức của người bệnh. Những người bệnh này thường bị mất ngủ kinh niên và gặp nhiều cơn co giật trong ngày hôm sau.

– Khó ngủ: Người bệnh nằm xuống nhưng không thể đi vào giấc ngủ, hoặc ngủ được nhưng thức dậy quá sớm. Cơn động kinh, tâm trạng lo lắng stress kéo dài và tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh động kinh đều có thể gây ra chứng mất ngủ.

– Trầm cảm, lo âu: Thiếu ngủ, mất ngủ là triệu chứng thường gặp khi người bệnh lo âu, trầm cảm. Nếu người bệnh liên tục mất ngủ từ 2 tuần trở lên, hãy đến gặp bác sỹ tâm lý để được tư vấn.

– Ăn uống không lành mạnh: Ăn uống quá muộn vào ban đêm, ăn nhiều trước khi ngủ, uống cà phê hoặc các loại đồ uống chứa cafeine, rượu vào buổi tối có thể khiến người bệnh mất ngủ.

– Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc điều trị động kinh (AED) là nhóm thuốc có tác dụng phụ gây mất ngủ. Những loại thuốc chống động kinh khác lại có thể khiến người bệnh buồn ngủ hơn.

– Rối loạn giấc ngủ: Chứng ngưng thở khi ngủ hoặc tay chân bồn chồn khi ngủ sẽ khiến người bệnh mất ngủ và mệt mỏi kinh niên.

Cải thiện giấc ngủ cho người bệnh động kinh

Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, ăn uống đúng giờ và bữa tối nên ăn nhẹ là những điều người bệnh động kinh cần ghi nhớ để có một giấc ngủ ngon. Ngoài ra, người bệnh cũng nên lưu ý những điều dưới đây:

Dùng điện thoại trước khi đi ngủ có thể khiến người bệnh động kinh mất ngủ

– Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh và đủ tối để ngủ ngon

– Chỉ lên giường khi ngủ hoặc sinh hoạt vợ chồng, tránh đọc sách báo, sử dụng điện thoại hoặc làm các việc khác trên giường.

– Ngủ đúng giờ để tạo thói quen cho cơ thể, ban ngày không nên ngủ trưa nhiều để đêm ngủ ngon hơn.

– Không uống cà phê hoặc các loại đồ uống có caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ.

– Tập thiền và yoga trước khi đi ngủ cũng là cách giúp bạn thư giãn và ngủ ngon hơn.

– Nếu nằm trên giường 30 mà vẫn chưa ngủ, hãy xuống giường và đi lại nhẹ nhàng trong khoảng 20 – 30 phút cho tới khi bạn cảm thấy mệt, sau đó lại lên giường nằm, bạn sẽ dễ ngủ hơn.

– Sử dụng thảo dược: Câu đằng và An tức hương là hai loại thảo dược có tác dụng an thần, trấn tĩnh hệ thần kinh rất tốt, có thể giúp người bênh động kinh có được giấc ngủ ngon, đồng thời lại rất an toàn. Không chỉ vậy, các thảo dược này sử dụng lâu dài còn giúp hỗ trợ giảm tần suất và mức độ các cơn co giật, động kinh.

Nếu những biện pháp trên không có hiệu quả, người bệnh có thể đến hiệu thuốc để mua các loại thuốc không theo đơn như melatonin, diphenhydramine… tương đối hiệu quả và an toàn. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng thuốc ngủ. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc ngủ có khả năng gây co giật như triazolam (Halcion), clonazepam (Klonopin) và temazepam (Restoril). Người bệnh không nên lạm dụng thuốc ngủ nhiều hơn 2 – 3 tuần.

Nếu bạn phụ thuộc vào thuốc ngủ, hầu như ngày nào cũng uống mới ngủ được thì hãy đi khám bệnh tại chuyên khoa thần kinh. Các bác sỹ sẽ giúp bạn hạ thấp liều thuốc ngủ từ từ để đảm bảo an toàn hoặc sử dụng các loại thuốc ngủ không gây nghiện khác.

Cải thiện giấc ngủ cho trẻ động kinh

Trẻ em cần ngủ nhiều hơn so với người trưởng thành do các tế bào thần kinh não bộ đang trong quá trình phát triển. Bác sỹ nhi khoa sẽ khám cho con bạn và đưa ra thời gian ngủ hợp lý cho từng thời kỳ phát triển của trẻ ở từng lứa tuổi khác nhau. Do đó, nếu phát hiện con ngủ kém, hoặc ngủ nhiều nhưng vẫn tỏ ra mệt mỏi vào sáng hôm sau, hãy đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra càng sớm càng tốt.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo: http://www.epilepsy.com/learn/triggers-seizures/lack-sleep-and-epilepsy

 

Viết bình luận