Bệnh tiết niệu

Vạch trần nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp nhất

Ngày đăng: 20 Tháng Ba, 2019
5/5 - (3 bình chọn)

Đường tiết niệu của chúng ta được cấu tạo đặc biệt để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Thế nhưng, vì một lý do nào đó, các phòng thủ này có thể bị vô hiệu hóa, khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ và gây ra nhiễm trùng. Hãy tìm hiểu nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu cùng 11 yếu tố nguy cơ thường gặp nhất trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu

Vi khuẩn Escherichia Coli (E. Coli) là thủ phạm chính gây ra nhiễm trùng tiết niệu, đây là loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa. Trong một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm trùng tiết niệu có thể do các vi trùng khác gây ra như mycoplasma, chlamydia, lậu, virus herpes…

Nhiễm E. Coli – nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp nhất

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Dưới đây là 11 yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất và một số mẹo hữu ích để phòng ngừa.

Quan hệ tình dục

Tỷ lệ phụ nữ đã từng quan hệ tình dục bị nhiễm trùng tiết niệu cao hơn so với những phụ nữ chưa từng quan hệ. Bởi vi khuẩn có thể dễ dàng di chuyển từ hậu môn và khoang âm đạo vào niệu đạo trong quá trình quan hệ.

Theo bác sỹ Lisa N. Hawes của Hiệp hội tiết niệu Mỹ, để giảm nguy cơ này, bạn nên đi tiểu trong vòng 30 phút sau quan hệ tình dục. Cô cũng cho rằng việc vệ sinh bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ là không cần thiết, bởi điều này có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn có lợi và tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.

Rối loạn tiêu hóa

Chứng táo bón sẽ gây khó khăn trong việc làm rỗng bàng quang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, tiêu chảy hoặc đại tiện không tự chủ cũng làm gia tăng nguy cơ này, bởi vi khuẩn sẽ dễ dàng di chuyển vào âm đạo và niệu đạo của bạn.

Để phòng tránh, bạn cần lưu ý vệ sinh vùng kín và hậu môn từ trước ra sau, kể cả khi tắm hoặc sau khi đi cầu.

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát

Khi đường máu tăng cao, lượng đường dư thừa sẽ được đào thải qua nước tiểu, đây là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Trong trường hợp này, việc điều trị tốt bệnh tiểu đường là giải pháp duy nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu.

Thói quen nhịn tiểu quá lâu

Nếu nhịn tiểu nhiều hơn 6 giờ đồng hồ có thể làm tăng nguy cơ bùng phát nhiễm trùng tiết niệu, bởi vi khuẩn sẽ có nhiều thời gian để xâm nhập vào bàng quang và di chuyển lên các vị trí khác trên đường niệu. Chính vì vậy, hãy đi tiểu ngay khi bạn có cảm giác muốn đi.

Nhịn tiểu quá lâu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu

Mất nước

Uống nước không chỉ giúp làm dịu cơn khát trong những ngày hè nóng bức mà còn làm tăng lượng nước tiểu để tổng đẩy vi khuẩn ra khỏi đường niệu. Nếu uống không đủ nước, nước tiểu bị cô đặc và vi khuẩn sẽ phát triển mạnh mẽ. Do đó, lời khuyên dành cho bạn là nên cố gắng uống ít nhất 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.

Sử dụng biện pháp tránh thai

Những phụ nữ sử dụng màng chắn tinh trùng, thuốc diệt tinh trùng hoặc dùng thuốc tránh thai có thể làm thay đổi cân bằng vi khuẩn trong âm đạo, dẫn tới tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Hãy trao đổi với bác sỹ và bạn tình để thực hiện những biện pháp tránh thai an toàn hơn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su.

Vệ sinh cá nhân kém trong kỳ kinh nguyệt  

Băng vệ sinh dùng trong những ngày đèn đỏ là nơi lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi phát triển. Vì vậy, bạn cần thay thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu trong thời kỳ nhạy cảm này. Ngoài ra, việc lựa chọn trang phục cũng rất quan trọng, hãy chọn đồ lót với chất liệu cotton dễ thấm mồ hôi và thoát ẩm.

Sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu có thể ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu trên đường tiết niệu, đồng thời cọ xát vào niêm mạc làm cho tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy loại bỏ sỏi bằng các loại thuốc tây theo đơn, chế độ ăn uống khoa học trước khi nhiễm trùng xuất hiện.

Bất thường đường tiết niệu

Với những đứa trẻ sinh ra có những bất thường trong cấu trúc đường tiết niệu sẽ cản trở đường thoát của nước tiểu hoặc làm cho nước tiểu chảy ngược trở lại niệu đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Phẫu thuật có thể cần được tiến hành sớm để ngăn ngừa nhiễm trùng xảy ra.

Suy giảm hệ miễn dịch

Các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, lao, HIV… làm mất khả năng phòng thủ của cơ thể để chống lại mầm bệnh, gây ra nhiềm trùng đường tiểu.

Ảnh hưởng sau thông tiểu hoặc phẫu thuật

Sau thông tiểu hoặc hoặc các can thiệp như lấy sỏi, đường niệu có thể bị tổn thương ít nhiều, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công và phát triển các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, bạn cần giữ vệ sinh và sử dụng thuốc kháng sinh đủ liệu trình sau can thiệp để phòng ngừa nhiễm trùng.

Trên đây là tổng hợp những nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp nhất và các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Bạn cần nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn để phòng tránh mắc phải hay tái nhiễm bệnh lý này.

Ds. Lê Lương

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-tract-infection/symptoms-causes/syc-20353447

https://www.prevention.com/health/a20433449/8-most-common-causes-of-utis/

https://www.healthline.com/health/urinary-tract-infection-adults#risks-for-women

Viết bình luận