Bệnh động kinh

Các hội chứng động kinh ở trẻ em thường gặp

Ngày đăng: 25 Tháng Ba, 2017
5/5 - (3 bình chọn)

Hội chứng động kinh là một nhóm các dấu hiệu, triệu chứng bệnh động kinh cùng xuất hiện trên một bệnh nhân, các triệu chứng có mối liên quan đặc biệt với nhau và mang tính chất rất đặc trưng. Biết được hội chứng động kinh mà trẻ mắc phải sẽ giúp bác sỹ chọn phác đồ điều trị hiệu quả, cha mẹ cũng sẽ biết được đặc điểm các cơn động kinh của con, từ đó, chăm sóc con tốt hơn.

Đặc điểm hội chứng động kinh ở trẻ em

Khi trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng động kinh cụ thể, trẻ sẽ có những dấu hiệu bệnh rất đặc trưng về:

– Dạng co giật, các cơn động kinh điển hình

– Độ tuổi mà các cơn động kinh bắt đầu xuất hiện

– Hình ảnh điện não đồ

Điện não đồ EEG là một xét nghiệm không đau, giúp ghi lại mô hình hoạt động điện não của người bệnh. Một số hội chứng động kinh có những mô hình điện não đồ đặc trưng, giúp chẩn đoán chính xác. Một số dạng hội chứng động kinh khác chỉ có thể phát hiện khi kết hợp tất cả các triệu chứng và kết quả đo điện não đồ.

Điện não đồ (EEG) giúp chẩn đoán hội chứng động kinh ở trẻ em

Các dạng hội chứng động kinh thường gặp ở trẻ em

Động kinh rolandic lành tính (Benign rolandic epilepsy)

Hội chứng động kinh này ảnh hưởng đến khoảng 15% số trẻ em mắc động kinh. Trẻ có thể khởi phát các triệu chứng vào bất cứ thời kỳ nào trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi. Trẻ có rất ít các cơn động kinh và đa số sẽ tự khỏi sau tuổi 16.

Trẻ mắc hội chứng động kinh rolandic lành tính có thể có các cơn động kinh cục bộ đơn giản, xuất hiện vào ban đêm khi trẻ đang ngủ. Bắt đầu bằng cảm giác ngứa ran ở miệng, miệng phát ra những âm thanh lạ… Đôi khi, triệu chứng có thể tiến triển thành cơn động kinh co giật toàn thể.

Việc điều trị bằng thuốc chống động kinh với hội chứng động kinh này là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu trẻ xuất hiện các cơn co giật không kiểm soát được, bác sỹ có thể kê cho trẻ thuốc chống động kinh.

Hội chứng động kinh cơn vắng ý thức ở trẻ (Childhood absence epilepsy)

Hội chứng động kinh cơn vắng ý thức ở trẻ bắt đầu trong độ tuổi từ 4 – 10 tuổi, ảnh hưởng đến khoảng 12% tổng số trẻ em mắc bệnh động kinh dưới 16 tuổi. Cơn động kinh vắng ý thức thường xuyên xuất hiện trong thời gian rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng vài giây. Do đó, việc nhận biết căn bệnh này là rất khó khăn.

Khi mắc cơn động kinh vắng ý thức, trẻ sẽ trở nên vô thức. Trong lúc này trẻ có thể nhìn chằm chằm vào khoảng trống trước mặt, mí mắt có thể rung, giật nhẹ. Trẻ không đáp ứng với những điều đang xảy ra xung quanh, chẳng hạn như cha mẹ gọi, tivi đang bật…

Động kinh cơn vắng ý thức được phát hiện sẽ được điều trị bằng thuốc với hiệu quả cao. Nếu trẻ dùng thuốc sau hai năm, các cơn động kinh gần như không còn xảy ra thì liều lượng thuốc sẽ được giảm dần. Có đến 90% số trẻ mắc hội chứng này sẽ hết bệnh ở tuổi 12.

Hội chứng động kinh rung giật cơ thiếu niên (Juvenile myoclonal epilepsy)

Hội chứng động kinh rung giật thiếu niên xuất hiện khi trẻ bước vào độ tuổi từ 12 – 18 tuổi. Hội chứng này biểu hiện kết hợp ba dạng các cơn động kinh khác nhau:

– Co giật cơ ngắn ở phần trên cơ thể

– Co giật – co cứng toàn thân

– Động kinh cơn vắng ý thức

Động kinh rung giật thiếu niên xảy ra trong thời gian ngắn, trẻ sẽ tỉnh dậy sau khi cơn động kinh xảy ra. Điều trị hội chứng động kinh này bằng thuốc có thể có hiệu quả tuy nhiên, thường kéo dài tới tuổi trưởng thành và nhiều trường hợp trở nên nặng hơn theo thời gian. Mệt mỏi, căng thẳng, dùng chất kích thích như rượu bia có thể làm xuất hiện cơn động kinh, đồng thời có tới 40% những trẻ em mắc hội chứng này bị kích thích các cơn động kinh khi tiếp xúc với các nguồn ánh sáng nhấp nháy.

Hội chứng West (West syndrome)

Hội chứng này xuất hiện ở những năm đầu đời, dễ xuất hiện ở các trẻ bị chấn thương não trước 6 tháng tuổi. Cơn co thắt trong hội chứng west rất ngắn và có thể gặp ở toàn thân hoặc chỉ ở cánh tay hoặc chân. Mỗi một cơn động kinh có thể bao gồm 10 – 100 cơn co thắt liên tục và thường xảy ra khi trẻ đang thức.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu hiệu quả của các loại thuốc chống động kinh và thuốc steroids để điều trị hội chứng này. Tuy nhiên, việc dùng thuốc thường không có hiệu quả và trẻ cũng thường gặp vấn đề trong học tập và phát triển hành vi, thể chất sau này. Chứng co thắt sơ sinh nếu phát triển tiếp sẽ trở thành hội chứng Lennox – Gastaut.

Hình ảnh một trẻ gặp phải cơn co thắt trong hội chứng west

Hội chứng Lennox-Gastaut (Lennox-Gastaut syndrome)

Hội chứng này thường bắt đầu khi trẻ đang ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi và có các hình thái động kinh đa dạng như: Động kinh co cứng, động kinh nhược cơ, động kinh cơn vắng, động kinh rung giật cơ… Động kinh cơn vắng ở trẻ mắc hội chứng Lennox – Gastaut sẽ kéo dài hơn bình thường.

Điều trị hội chứng này với thuốc chống động kinh không mang lại hiệu quả, thường phải dùng nhiều loại thuốc kết hợp. Biện pháp điều trị cho trẻ mắc hội chứng Lennox – Gastaut là chế độ ăn ketogenic và kích thích dây thần kinh phế vị.

Nếu con bạn chẳng may mắc bệnh động kinh, bạn cần đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra, điều trị càng sớm càng tốt. Bạn cũng nên chia sẻ với gia đình, bạn bè hoặc những phụ huynh cũng có con mắc động kinh để nhận được kinh nghiệm, động viên khi gặp khó khăn trong việc chăm sóc con.

DS.Nguyễn Nam

Tham khảo: https://www.epilepsysociety.org.uk/childhood-epilepsy-syndromes#.WKVGq9KLTIW

Viết bình luận