Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Tổng hợp những câu hỏi thường gặp về đục thủy tinh thể

Ngày đăng: 25 Tháng Ba, 2017
5/5 - (3 bình chọn)

Thủy tinh thể vốn được coi là một thấu kính trong suốt cho phép ánh sáng đi xuyên qua và hội tụ trên võng mạc, giúp chúng ta nhìn thấy các hình ảnh rõ nét. Lão hóa và một số nguyên nhân khác có thể làm cho thấu kính này trở nên mờ đục, ảnh hưởng xấu tới thị lực. Mặc dù là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới, nhưng những hiểu biết về bệnh đục thủy tinh thể vẫn còn rất hạn chế.

Bạn hoặc người thân bị chẩn đoán mắc đục thủy tinh thể nhưng lại chưa hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng hay cách điều trị căn bệnh này? Bài viết sau sẽ giải đáp những câu hỏi thường gặp về bệnh đục thủy tinh thể, cung cấp cho bạn thông tin toàn diện nhất về căn bệnh này.

Đục thủy tinh thể là bệnh gì?

Đục thủy tinh thể là sự xuất hiện các vùng “mây mù” trong thủy tinh thể vốn trong suốt.

Tình trạng tập trung “mây mù” bên trong thủy tinh thể là một hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa do sự co cụm của các protein (thành phần cấu tạo của thủy tinh thể). Ở nhiều người, độ trong suốt của thủy tinh thể chỉ bị giảm rất nhẹ và thị lực hầu như không bị ảnh hưởng. Bệnh đục thủy tinh thể được xác định khi có quá nhiều “mây mù” tập trung tại khu vực này và cản trở tầm nhìn của người bệnh.

Đục thủy tinh thể chiếm hơn một nửa số trường hợp mù lòa trên thế giới, ảnh hưởng tới hơn 17 triệu người. Có khoảng 12 – 50% số người trên 65 tuổi bị mắc căn bệnh này.

Đục thủy tinh thể có những loại nào?

Có nhiều loại đục thủy tinh thể và mỗi loại ảnh hưởng tới thị lực theo một cách khác nhau. Ví dụ, một số loại đục thủy tinh thể gây khó khăn khi nhìn xa nhưng chỉ ảnh hưởng rất nhỏ tới tầm nhìn gần, và ngược lại. Có một số loại đục thủy tinh thể làm giảm thị lực nghiêm trọng trong những ngày trời nắng, nhưng người bệnh có thể nhìn rất rõ khi trời râm. Nhiều người bị đục thủy tinh thể không nhìn rõ được vào ban đêm nhưng lại nhìn tốt vào buổi sáng.

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là gì? Bệnh đục thủy tinh thể có di truyền không?

Đục thủy tinh thể là một bệnh có khả năng di truyền. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất gây đục thủy tinh thể là lão hóa. Nếu bạn có ông bà, hoặc bố mẹ đã lớn tuổi bị đục thủy tinh thể, không có nghĩa bạn sẽ “thừa hưởng” căn bệnh này.

Các nguyên nhân khác bao gồm: Chấn thương ở mắt, tác dụng phụ của thuốc (chẳng hạn như steroid), bệnh đái tháo đường, một số thể suy dinh dưỡng, tiếp xúc thời gian dài với tia cực tím… Một số đứa trẻ sinh ra đã mắc phải bệnh đục thủy tinh thể (đục thủy tinh thể bẩm sinh).

Đục thủy tinh thể có gây hại cho mắt?

Hiếm khi bệnh đục thủy tinh thể gây nguy hiểm cho đôi mắt, rất ít người bị tăng nhãn áp cấp tính hoặc viêm nội nhãn do đục thủy tinh thể. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm và không được coi là tình trạng cấp cứu khẩn cấp.

Những triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Nhìn đôi là dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể

Nhìn đôi là dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể

Khi thủy tinh thể bị đục, tầm nhìn sẽ bị cản trở ít hay nhiều tùy thuộc vào mức độ tập trung mây mù trong thủy tinh thể.

Triệu chứng điển hình của bệnh đục thủy tinh thể là:

– Mờ mắt: tiến triển rất chậm, nặng dần lên và không gây đau mắt.

– Nhìn ánh sáng bị chói vào ban đêm hoặc thấy quầng sáng xung quanh bóng đèn

– Màu sắc nhìn được nhợt nhạt, không sống động

– Hình ảnh nhìn được bị ám vàng

– Nhìn đôi

Một số người cải thiện được tầm nhìn xa hoặc ít phụ thuộc vào kính mắt hơn khi bị đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ là tạm thời.

Trẻ em có bị mắc đục thủy tinh thể hay không?

Mặc dù hầu hết các trường hợp đục thủy tinh thể xảy ra ở người lớn tuổi nhưng bệnh này cũng có thể gặp ở trẻ em. Đục thủy tinh thể ở trẻ em có thể xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc trong độ tuổi đi học, ảnh hưởng tới một hoặc cả hai mắt. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở trẻ em chưa được biết rõ, các nhà khoa học cho rằng có thể là do di truyền, người mẹ bị nhiễm trùng trong khi mang thai hoặc do chấn thương.

Trong khi không được coi là tình trạng cấp cứu ở người lớn, bệnh đục thủy tinh thể xảy ra ở trẻ em có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Phục hồi chức năng thị lực ở trẻ bị đục thủy tinh thể là một quá trình lâu dài và khó khăn, trẻ cần điều trị liên tục, thường xuyên thay đổi kính mắt và đơn thuốc, thậm chí phải phẫu thuật cơ mắt (nếu lác mắt) để giảm nguy cơ mất thị lực xuống mức thấp nhất.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể?

Nhiều triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể có thể gặp ở bệnh về mắt khác. Chẳng hạn, nhìn mờ và chói mắt có thể xảy ra khi bạn đeo kính mắt không phù hợp. Vì vậy, cách duy nhất để phát hiện bệnh đục thủy tinh thể sớm là đi khám mắt toàn diện tại bệnh viện.

Đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến cả hai mắt?

Bệnh đục thủy tinh thể do lão hóa thường ảnh hưởng tới cả hai mắt, trong đó một mắt bị ảnh hưởng nặng hơn. Các nguyên nhân khác như chấn thương thường gây bệnh đục thủy tinh thể ảnh hưởng tới một mắt.

Bệnh đục thủy tinh thể có giống với thoái hóa điểm vàng hay bệnh tăng nhãn áp hay không?

Hoàn toàn không, mặc dù đục thủy tinh tinh thể có thể xuất hiện cùng lúc với các bệnh về mắt khác như thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp.

Bệnh đục thủy tinh thể có phòng ngừa được không?

Hầu hết các trường hợp đục thủy tinh thể không phòng ngừa được. Tuy nhiên, thực hiện những điều sau đây sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và bảo vệ thị lực:

– Tránh tiếp xúc với tia cực tím: Đeo kính chống tia UV bảo vệ mắt khi ra ngoài trời nắng, làm công việc hàn xì…

– Duy trì lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá; ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.

– Bổ sung vitamin C liều cao: Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C liều cao có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể do lão hóa.

– Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường (nếu có): Đường máu cao trong thời gian dài có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của bệnh đục thủy tinh thể.

Ds Phạm Hương

Tham khảo:

http://www.davidsoneye.com/modules/smartfaq/category.php?categoryid=1

http://www.askdoctork.com/can-you-describe-the-complications-of-cataract-surgery-201509028281

Viết bình luận