Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Thông tin toàn diện về bệnh khô mắt

Ngày đăng: 13 Tháng Mười Hai, 2016
5/5 - (8 bình chọn)

Cơ thể cần nước để duy trì sự sống và các chức năng khác, đôi mắt cũng vậy. Ở những người mắc bệnh khô mắt, nước mắt không được cung cấp đủ để bôi trơn và nuôi dưỡng mắt, thị lực sẽ bị suy giảm và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác.

Nước mắt là một chất dịch lỏng gồm có nước, dầu, chất nhầy các kháng thể, protein đặc biệt có khả năng chống nhiễm trùng. Khi chớp mắt, nước mắt sẽ được trải rộng, bao phủ toàn bộ giác mạc (phần phía trước của mắt). Nước mắt giúp bôi trơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt, rửa trôi các dị vật và giữ cho đôi mắt luôn sáng rõ. Các tuyến nằm trong mắt và xung quanh mí mắt là nơi tiết ra nước mắt.

Bệnh khô mắt là gì?

Bệnh khô mắt xảy ra khi nước mắt được tiết ra ít hơn so với nhu cầu, có chất lượng kém hoặc bay hơi quá nhanh:

– Không đủ nước mắt: Lượng nước mắt được tiết ra giảm dần do tuổi cao, bệnh tật hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị. Điều kiện môi trường, chẳng hạn như gió và khí hậu khô, cũng có thể làm giảm lượng nước mắt do đẩy nhanh quá trình bay hơi. Khi lượng nước mắt bị giảm hoặc bốc hơi nhanh, các triệu chứng của bệnh khô mắt sẽ xuất hiện.

– Nước mắt kém chất lượng: Mỗi thành phần có trong nước mắt làm nhiệm vụ bảo vệ và nuôi dưỡng bề mặt phía trước của mắt. Lớp nước tạo độ ẩm, lớp dầu ngăn chặn sự bốc hơi của lớp nước, lớp nhầy giúp nước mắt được trải đều trên giác mạc. Nếu một trong các thành phần này bị thiếu, bạn có thể bị khô mắt.

Khô mắt là bệnh liên quan đến quá trình lão hóa

Khô mắt là bệnh liên quan đến quá trình lão hóa

Vì sao mắt bị khô?

Khô mắt là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Đa số những người trên 65 tuổi đều có một số triệu chứng của bệnh khô mắt. Ngoài ra, bệnh này cũng có thể do một số nguyên nhân khác gây ra, bao gồm:

– Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị khô mắt cao hơn do sự thay đổi nội tiết tố ở một số thời điểm trong đời, bao gồm mang thai, sử dụng thuốc tránh thai và thời kỳ mãn kinh.

– Thuốc tân dược: Một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, thuốc hạ huyết áp và thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm tiết nước mắt.

– Bệnh lý: Những người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh đái tháo đường và bệnh tuyến giáp có nguy cơ gặp phải các triệu chứng khô mắt. Ngoài ra, các bệnh lý khác ở mắt, chẳng hạn như viêm bờ mi, viêm kết mạc, quặm bờ mi… cũng có thể là nguyên nhân gây khô mắt.

– Điều kiện môi trường: Tiếp xúc với khói, gió và khí hậu khô có thể làm tăng sự bốc hơi của nước mắt, dẫn đến các triệu chứng khô mắt. Không chớp mắt thường xuyên, chẳng hạn khi bạn nhìn chằm chằm vào máy tính trong thời gian dài, cũng góp phần gây khô mắt.

– Các yếu tố khác: Sử dụng kính áp trong trong thời gian dài cũng là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh khô mắt. Các phẫu thuật khúc xạ mắt (ví dụ như phẫu thuật LASIK) làm giảm tiết nước mắt và có thể gây bệnh khô mắt.

Triệu chứng của bệnh khô mắt

Bệnh khô mắt thường ảnh hưởng tới cả hai bên mắt với các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến như:

– Cảm giác châm chích, ngứa, rát trong mắt

– Có gỉ ướt bên trong và xung quanh mắt

– Nhạy cảm với ánh sáng

– Mắt bị đỏ

– Cảm giác mắt bị cộm như có vật gì đó ở trong mắt

– Khó đeo kính áp tròng

– Gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm

– Chảy nước mắt, đây là phản ứng của cơ thể khi mắt bị khô

– Mờ mắt, mỏi mắt.

Mắt bị đỏ, chảy nước mắt là triệu chứng của bệnh khô mắt

Các phương pháp điều trị làm giảm tình trạng khô mắt

Các triệu chứng khô mắt thường kéo dài và không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện tại có thể giữ cho đôi mắt khỏe mạnh và bảo vệ thị lực.

Các phương pháp thường được sử dụng để quản lý và điều trị khô mắt bao gồm:

– Bổ sung nước mắt: Các trường hợp khô mắt nhẹ có thể cải thiện sau khi sử dụng nước mắt nhân tạo. Người bệnh thường được khuyến cáo sử dụng nước mắt nhân tạo không chất bảo quản vì chúng có ít nguy cơ gây kích ứng cho đôi mắt. Nếu điều trị bằng nước mắt nhân tạo không hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp khác.

– Bảo tồn nước mắt tự nhiên: Chặn các ống dẫn nước mắt (điểm lệ) có thể giúp giữ lại nước mắt tự nhiên ở lâu trong mắt và làm giảm triệu chứng khô mắt. Ống dẫn nước mắt được chặn bằng nút silicon hoặc phẫu thuật đóng điểm lệ vĩnh viễn bằng laser.

– Làm tăng tiết nước mắt: Sử dụng các thuốc tra mắt để tăng tiết nước mắt, tốt nhất là acid béo Omega – 3 tự nhiên.

– Điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu: Cần sử dụng các thuốc nước hoặc mỡ để tra mắt theo đơn của bác sỹ nhãn khoa. Các phương pháp như chườm ấm, massage mi mắt, rửa sạch mi mắt sẽ giúp làm giảm viêm nhiễm quanh mắt.

Tự chăm sóc tại nhà để giảm triệu chứng khô mắt

Các bước sau có thể làm giảm các triệu chứng khô mắt:

– Chớp mắt thường xuyên khi đọc sách, xem tivi hoặc sử dụng máy tính/thiết bị di động trong thời gian dài.

– Làm tăng độ ẩm không khí tại nhà và nơi làm việc.

– Sử dụng kính bảo hộ khi đi ra ngoài để làm giảm tác hại của nắng và gió.

– Bổ sung các vitamin tự nhiên có thể làm giảm các triệu chứng khô mắt. Và hãy hỏi bác sỹ nhãn khoa của bạn các thức ăn có thể làm giảm khô mắt.

– Bổ sung đủ nước cho cơ thể (khoảng 2 lít chất lỏng mỗi ngày).

Nước mắt rất cần thiết để bảo vệ bề mặt nhãn cầu và duy trì thị lực. Nếu không được “bôi trơn” đầy đủ, mắt có thể bị khô với các triệu chứng điển hình như khô rát, cộm, chảy nước mắt. Khô mắt nặng nếu không được điều trị có thể gây tổn thương bề mặt nhãn cầu và giảm thị lực. Mục đích điều trị khô mắt là phục hồi và duy trì số lượng nước mắt bình thường trong mắt. Từ đó làm giảm các tổn thương kết mạc, giác mạc, hạn chế các cảm giác khó chịu của người bệnh cũng như duy trì đôi mắt khỏe mạnh.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo:

http://www.aoa.org/patients-and-public/eye-and-vision-problems/glossary-of-eye-and-vision-conditions/dry-eye?sso=y

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-eyes/basics/symptoms/con-20024129

http://www.webmd.com/eye-health/eye-health-dry-eyes

Viết bình luận