Bệnh mạch vành

Suy tim độ 2 và những lưu ý trong điều trị

Ngày đăng: 19 Tháng Bảy, 2018
5/5 - (13 bình chọn)

Người bị suy tim độ 2 chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong các dạng suy tim phân loại theo Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA). Thế nhưng, do được đánh giá ở mức độ nhẹ nên đa số người bệnh vẫn chưa nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm và tự chăm sóc đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về suy tim cấp độ 2 cùng những hướng dẫn trong chăm sóc và điều trị.

Suy tim độ 2 là gì?

Suy tim độ 2 là suy tim nhẹ theo hệ thống phân loại của NYHA. Trong giai đoạn này, người bệnh bị hạn chế nhẹ các hoạt động thể chất thông thường như cúi xuống, đi bộ… do xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, trống ngực, khó thở… Khi nghỉ ngơi, các triệu chứng suy tim này sẽ biến mất.

Triệu chứng suy tim độ 2

Khi vận động thể lực, người bệnh suy tim độ 2 có thể gặp phải các triệu chứng suy tim điển hình bao gồm:

– Khó thở, hụt hơi.

– Mệt mỏi, chân tay vô lực.

– Đánh trống ngực.

– Chóng mặt, hoa mắt, choáng váng.

– Nặng ngực.

– Tê bì chân tay, lạnh đầu chi.

Triệu chứng suy tim độ 2 xuất hiện khi vận động thể chất thông thường

Suy tim độ 2 có nguy hiểm không?

Suy tim độ 2 là mức độ nhẹ nên không quá nguy hiểm. Tuy nhiên do hạn chế nhẹ các hoạt động thể chất nên cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh suy tim độ 2 cũng bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, nếu không được điều trị tốt suy tim độ 2 sẽ nhanh chóng tiến triển sang mức độ 3, 4 với các triệu chứng suy tim ở mức độ nặng, cùng nhiều biến chứng như suy thận, phù phổi cấp, đột quỵ… nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân suy tim độ 2

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới suy tim độ 2, đa phần là do các bệnh tim mạch tiến triển nặng gây ra, chẳng hạn như:

– Huyết áp cao

– Bệnh mạch vành

– Sau nhồi máu cơ tim

– Bệnh van tim

– Bệnh tim bẩm sinh

– Rối loạn nhịp tim nghiêm trọng

Ngoài nguyên nhân do tim thì suy tim độ 2 có thể là hậu quả của các bệnh lý khác như bệnh tiểu đường, nhiễm trùng cơ tim, bệnh tuyến giáp, nhiễm độc rượu, hóa chất…

Điều trị suy tim độ 2

Điều trị bằng thuốc

Thuốc được chỉ định dựa trên tình trạng bệnh và các triệu chứng người bệnh gặp phải. Dưới đây là một số loại thuốc thường dùng:

– Thuốc chống đông máu: để phòng ngừa cục máu đông gây tắc nghẽn mạch, các thuốc thường dùng là aspirin, clopidogrel, warfarin…

– Thuốc hạ huyết áp: gồm nhiều nhóm khác nhau như:

+ Thuốc ức chế men chuyển: giúp giãn mạch và giảm gánh nặng cho tim. Một số chất thuộc nhóm này là captopril, enalapril, perindopril…

+ Thuốc chẹn thụ thể angiotensin 1: dùng thay thế thuốc ức chế men chuyển khi người bệnh gặp phải tác dụng phụ ho khan. Các thuốc trong nhóm là valsartan, telmisartan, losartan…

+ Thuốc chẹn beta: vừa giúp hạ áp, vừa giúp làm giảm nhịp tim cho người bị tim đập nhanh.

– Thuốc hạ mỡ máu: nhóm statin được dùng phổ biến nhất cho người bệnh suy tim có mỡ máu cao, xơ vữa động mạch.

– Thuốc trị đau thắt ngực: thường dùng nhóm nitrat với nhiều dạng bào chế như dạng xịt, đặt dưới lưỡi tác dụng nhanh hoặc viên bao giải phóng kéo dài.

Chăm sóc bệnh nhân suy tim độ 2

Bài tập phục hồi với người suy tim độ 2

Các bài tập thích hợp cho người bệnh suy tim độ 2 là aerobic, đi bộ nhẹ, đạp xe, cử tạ nhẹ, yoga, thái cực quyền… mức độ có thể tăng dần tùy theo khả năng đáp ứng của cơ thể. Người bệnh nên  duy trì luyện tập thường xuyên mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

Bài tập aerobic rất tốt cho người bệnh suy tim độ 2

Chế độ dinh dưỡng

Thiết lập một chế độ ăn uống khoa học với những thực phẩm lành mạnh là một trong những chiến lược quan trọng cải thiện sức khỏe của người bệnh suy tim độ 2. Dưới đây là một số lưu ý nhỏ về thực đơn trong ngày cho bệnh suy tim độ 2:

– Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt: Đây là nguồn bổ sung chất xơ và vitamin lý tưởng, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Cần chú ý tránh thêm quá nhiều muối, nước sốt béo khi dùng kèm.

– Hạn chế ăn nhiều chất béo động vật: nên lựa chọn các loại dầu ăn chứa chất béo không bão hòa như dầu oliu, dầu lạc, dầu hướng dương…

– Bổ sung nguồn đạm từ thịt trắng: như thịt gia cầm bỏ da, cá tươi… Hạn chế các loại thịt đỏ chứa nhiều cholesterol như thịt bò, thịt dê, thịt lợn…

– Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày: Điều này giúp người bệnh tim tiêu hóa, kiểm soát đường máu và đốt cháy chất béo dư thừa hiệu quả hơn.

– Cắt giảm muối: Người bệnh suy tim độ 2 chỉ nên ăn giới hạn dưới 2 – 3 gam muối/ngày. Lượng muối này bao gồm cả muối có sẵn trong thực phẩm và muối thêm vào làm gia vị.

– Không uống quá nhiều nước: để tránh gia tăng thêm gánh nặng cho tim. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần uống đủ từ 1 – 2 lít nước mỗi ngày hoặc hạn chế ở mức thấp hơn tùy theo khuyến cáo của bác sỹ.

Trầm cảm và lo lắng là trạng thái tâm lý thường gặp ở người bệnh tim nói chung và bệnh nhân suy tim độ 2 nói riêng. Do đó việc hỗ trợ về tâm lý từ người thân, bạn bè và bác sỹ tâm lý cũng là một phần quan trọng trong điều trị và phục hồi.

Ds Lê Lương

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Xem thêm:

Điều trị suy tim – Cập nhật những giải pháp trị phổ biến nhất

Suy tim độ 4 – Cần làm gì trong giai đoạn cuối của suy tim?

Suy tim – “trạm dừng chân” cuối cùng của các bệnh tim mạch

Nguồn tham khảo:

http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/HeartFailure/AboutHeartFailure/Classes-of-Heart-Failure_UCM_306328_Article.jsp#.WzwkxtUzbcc

https://www.webmd.com/heart-disease/guide/heart-disease-eat-right

http://heartfailurecenter.com/hfcheartfailureclassifications.shtm

https://www.webmd.com/heart-disease/heart-failure/heart-failure-overview#1

Viết bình luận