Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể và yếu tố nguy cơ thường gặp

Ngày đăng: 25 Tháng Ba, 2017
5/5 - (3 bình chọn)

Đôi mắt có thể nhìn được mọi vật từ thế giới xung quanh là nhờ vào thủy tinh thể – bộ phận có cấu trúc trong suốt như một thấu kính ở phía trước võng mạc của mắt. Bởi vậy, khi thủy tinh thể bị mờ đục thì tầm nhìn của bạn sẽ bị hạn chế. Vậy nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là gì? Yếu tố nào làm gia tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong bài viết sau:

Dấu hiệu khi bị đục thủy tinh thể

Cùng với quá trình lão hóa, thủy tinh thể không giữ được độ trong suốt như ban đầu mà dần trở nên mờ đục, cản trở các tia sáng từ bên ngoài đi vào võng mạc. Đục thủy tinh thể là căn bệnh phổ biến ở người già, được đặc trưng bởi các triệu chứng sau:

– Tầm nhìn giảm dần.

– Khó khăn khi đọc sách.

– Không nhận dạng được mặt người khác.

– Khó khăn khi xem tivi.

– Nhìn đôi ở một bên mắt (nhìn một vật thành hai vật).

Rất nhiều người bị đục thủy tinh thể nhưng không biểu hiện triệu chứng, thường là trong giai đoạn sớm của bệnh. Những trường hợp này cần được chẩn đoán tại cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện sớm và phòng ngừa suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể phát triển.

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là gì?

Lão hóa là nguyên nhân gây đục thủy tinh thể phổ biến nhất. Ngoài ra, đục thủy tinh thể cũng có thể xảy ra ở trẻ em do bẩm sinh hoặc thủy tinh thể bị tổn thương do các tác nhân bên ngoài.

Sự khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa do đục thủy tinh thể ở các nước đang phát triển.

Lão hóa là nguyên nhân đục thủy tinh thể thường gặp nhất

Lão hóa là nguyên nhân đục thủy tinh thể thường gặp nhất

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ những sợi protein. Sau khi chúng ta sinh ra, thủy tinh thể vẫn tiếp tục được hoàn thiện bằng việc tạo ra các bó sợi protein mới từ các tế bào biểu mô và xếp ra bên ngoài những bó sợi cũ theo một trật tự nhất định. Thủy tinh thể có ba phần chính, đó là nang mềm, biểu mô và các sợi. Không như các bộ phận khác của cơ thể, thủy tinh thể không có dây thần kinh, mạch máu cũng như các mô liên kết. Các nang mềm của thủy tinh thể chứa collagen và có tính đàn hồi.

Những sợi protein cấu tạo nên thủy tinh thể thường dài, mảnh và trong suốt, được sắp xếp theo chiều dọc từ sau đến trước và xếp chồng lên nhau thành từng bó đồng tâm. Sợi protein không có nhân và được cấu tạo chủ yếu từ crystallins (một loại protein có thể hòa tan trong nước). Sự trong suốt của thủy tinh thể được duy trì bởi sự sắp xếp của các sợi này, do những sợi này không có cơ quan nội bào như nhân, bộ khung tế bào nên thủy tinh thể trong suốt như pha lê. Bất kể yếu tố nào gây ra sự xáo trộn trật tự của các sợi crystalin cũng sẽ khiến chúng bị co cụm, kết dính lại với nhau gây đục, tán xạ ánh sáng và cản trở tầm nhìn.

Một yếu tố thứ hai cùng với sự lão hóa cũng góp phần gây ra đục thủy tinh thể là sự tích tụ các sắc tố màu vàng nâu trong thủy tinh thể. Điều này không gây ảnh hưởng đến độ sắc nét của hình ảnh nhưng nó lại gây ra những ảnh hưởng đến khả năng nhận diện và tương phản màu sắc của mắt, gây khó khăn trong sinh hoạt.

Các yếu tố nguy cơ làm xuất hiện bệnh đục thủy tinh thể

Bên cạnh tuổi tác, ba yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh đục thủy tinh thể ở các nước phát triển gồm có: Hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường và liệu pháp corticosteroids toàn thân. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

– Chấn thương mắt

– Giới tính (phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới)

– Viêm màng bồ đào

– Tiếp xúc với tia cực tím

– Suy dinh dưỡng

– Tình trạng kinh tế – xã hội kém phát triển

– Hút thuốc và uống rượu

– Các chất độc (chẳng hạn như lạm dụng ma túy)

– Bệnh về viêm và thoái hóa mắt

– Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn

– Rối loạn chuyển hóa

– Di truyền

Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có thể gây đục thủy tinh thể

Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có thể gây đục thủy tinh thể

Còn ở những nước đang phát triển, các yếu tố nguy cơ chính gây đục thủy tinh thể bao gồm: Thiếu dinh dưỡng, các bệnh gây mất nước cấp tính, tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Tại những quốc gia này, đục thủy tinh thể thường gặp ở người trẻ tuổi và có thể đi kèm với dị ứng và bệnh đái tháo đường.

Đục thủy tinh thể là một bệnh về mắt rất phổ biến trong cộng đồng. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể cần được tìm hiểu trước khi tiến hành điều trị, điều này góp phần quan trọng trong việc cải thiện thị lực cho người bệnh.

Ds Mai Linh

Tham khảo:

http://patient.info/doctor/cataracts-and-cataract-surgery

Viết bình luận