Bệnh tăng động

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ

Ngày đăng: 14 Tháng Bảy, 2017
5/5 - (2 bình chọn)

Ngày nay, tỷ lệ trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý đang ngày một gia tăng. Nhiều bậc cha mẹ vô cùng lo lắng, không biết nguyên nhân của hội chứng này là gì, không biết phải làm sao để chữa trị hay phòng tránh nó. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra hội chứng tăng động giảm chú ý. Từ đó, có được những giải pháp phù hợp cho chính đứa con thân yêu của mình.

Tăng động giảm chú ý là gì?

Tăng động giảm chú ý là một hội chứng rối loạn phát triển về hành vi và tính cách  thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thể hiện rõ với những dấu hiệu đặc trưng như hiếu động thái quá, tính tình bốc đồng, thiếu kiên nhẫn, không chịu ngồi yên một chỗ và thiếu khả năng tập trung chú ý vào một vấn đề. Nếu như không được điều trị và kiểm soát tốt, cuộc sống sinh hoạt và học tập của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, khó khăn khi làm việc và phát triển các mối quan hệ sau này.

Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý thường không tập trung trong học tập

Nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý

Cho tới nay chưa có một kết luận nào chỉ ra được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng sự kết hợp của một số yếu tố sau có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng này.

Yếu tố di truyền qua các thế hệ

Nghiên cứu cho thấy, cả cha mẹ và anh chị em ruột của một đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý có nguy cơ bị mắc hội chứng này cao gấp 4-5 lần so với người bình thường. Một số nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Cardiff ở xứ Wales cho thấy, ADN của một số trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý có thể có những đoạn bị thiếu hoặc nhân đôi. Chính vì thế, yếu tố di truyền được coi như một nguyên nhân gây ra hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ.

Gen di được cho là nguyên nhân gây ra hội chứng tăng động giảm chú ý

Bất thường trong chức năng cấu trúc vỏ não

Một số nghiên cứu sử dụng kỹ thuật quét não tiên tiến cho thấy, có sự khác biệt về kích thước ở một số phần não của trẻ bị tăng động giảm chú ý so với trẻ bình thường, chẳng hạn như vùng não trước trán, vùng nhân đuôi, nhân cầu nhạt và tiểu não.

Rối loạn các chất hóa học trong não bộ

Sự rối loạn các chất hóa học trong não bộ cũng được cho là nguyên nhân gây ra hội chứng tăng động giảm chú ý. Đó là khi nồng độ glutamat – chất dẫn truyền thần kinh kích thích tăng, trong khi nồng độ Gama amino butyric acid – chất dẫn truyền thần kinh ức chế sụt giảm. Bên cạnh đó, Dopamine và norepinephrine là 2 chất hóa học chịu trách nhiệm điều hòa yếu tố tinh thần và cảm xúc, cũng được cho là có sự ảnh hưởng đến việc làm tăng hoạt động quá mức ở trẻ bị tăng động.

Một số nguyên nhân khác có thể gây tăng động

Ngoài những nguyên nhân trên, những yếu tố sau cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc tăng động giảm chú ý ở trẻ. Chẳng hạn như:

– Trong quá trình mang thai, người mẹ có sử dụng thuốc lá, rượu bia, hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy, trẻ trước khi sinh tiếp xúc với thuốc lá có nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý cao gấp 2,4 lần so với một đứa trẻ bình thường khác.

– Trẻ sinh non (trước tuần thai thứ 37), cân nặng khi sinh thấp ( <2,5 kg)

– Trẻ tiếp xúc với chì từ nhỏ

– Tổn thương não trong một số bệnh như: khối u hay đột quỵ…

– Chế độ ăn nhiều đường và các chất phụ gia bảo quản, không tốt cho sự phát triển hệ thần kinh của trẻ.

Hiểu được những nguyên nhân và yếu tố gây bệnh, cha mẹ sẽ chính là người có thể giúp con phòng tránh chứng tăng động ngay từ giai đoạn sớm. Thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý cùng những biện pháp giáo dục hành vi, sản phẩm hỗ trợ điều trị từ thảo dược, các dấu hiệu tăng động của trẻ nhanh được kiểm soát và cải thiện khả năng tập trung chú ý một cách hiệu quả.

DS. Nguyễn Thị Thu Hằng

Nguồn tham khảo:

http://www.health.com/health/gallery/0,,20441463,00.html#smoking-drinking-in-pregnancy-0

http://www.nhs.uk/Conditions/Attention-deficit-hyperactivity-disorder/Pages/Causes.aspx

Viết bình luận