Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Đừng chủ quan với 8 căn bệnh về mắt phổ biến mà bạn có thể gặp phải!

Ngày đăng: 31 Tháng Tám, 2017
4.4/5 - (8 bình chọn)

Nhức mỏi mắt, cảm giác mờ, nhòe hoặc đỏ đau… đôi khi là khó tránh khỏi khi môi trường sống đầy khói bụi, thực phẩm không đảm bảo sức khỏe, tuổi tác ngày càng cao. Với một số bệnh đa phần có thể tự thuyên giảm sau khi điều trị một thời gian nhưng cũng có những trường hợp mạn tính như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, nếu không tác động kịp thời, rất có thể dẫn tới nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những cái nhìn tổng thể nhất về các bệnh mắt thường gặp, từ đó sẽ tìm ra cách giải quyết phù hợp nhằm tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai.

Mỏi mắt liệu có phải là một bệnh về mắt?

Bất cứ ai phải đọc sách, sử dụng máy tính, lái xe, xem ti vi, máy tính nhiều giờ liên tục đều gặp tình trạng mỏi mắt. Nguyên nhân là do mắt phải làm việc quá nhiều nhưng lại không có thời gian để nghỉ ngơi hợp lý. Vì vậy khi đôi mắt của bạn cảm thấy căng thẳng và mỏi mệt, bạn nên nhắm mắt lại, sau đó mát xa vùng mắt nhằm giúp mắt được thư giãn, nghỉ ngơi. Trong trường hợp mắt của bạn vẫn gặp tình trạng mệt mỏi kéo dài trong nhiều ngày, tốt hơn hết bạn nên đến các bệnh viện Mắt uy tín để được thăm khám.

Đỏ mắt – triệu chứng của một số bệnh về mắt

Đỏ mắt có thể là triệu chứng cơ năng của nhiều bệnh lý như dị ứng, nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc viêm kết mạc, tổn thương giác mạc, bệnh glaucom hay do chấn thương mắt,…

Trong trường hợp đỏ mắt nhẹ, xuất hiện đơn độc không kèm theo triệu chứng gì thì bạn chỉ cần vệ sinh mắt thường xuyên, ngủ đủ giấc, đúng giờ bởi đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng đỏ mắt. Còn nếu đi kèm với đỏ mắt là một số triệu chứng như đau nhức mắt, ngứa mắt… thì bạn nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng can thiệp kịp thời.

Mắt đỏ là triệu chứng của rất nhiều bệnh như dị ứng, chấn thương, viêm kết mạc...

Mắt đỏ là triệu chứng của rất nhiều bệnh như dị ứng, chấn thương, viêm kết mạc…

 

Quáng gà – căn bệnh về mắt gây khó khăn trong việc nhìn vào ban đêm

“Quáng gà” là cách gọi dân gian của một chứng bệnh khiến nhiều người nhìn kém hơn trong điều kiện ánh sáng yếu, vùng nhìn bị thu hẹp dần, gây khó khăn trong mọi công việc cũng như di chuyển trong ban đêm.

Cận thị, đục thủy tinh thể, thiếu vitamin A… đều là nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng quáng gà, tuy nhiên trong trường hợp này các bác sỹ có thể giúp bạn khắc phục bằng thuốc hoặc 1 số can thiệp phẫu thuật.

Nhưng có một số người gặp phải tình trạng quáng gà là do di truyền hoặc do sự thoái hóa sắc tố võng mạc, hầu hết những người bệnh này không thể điều trị được và tỷ lệ mù lòa vĩnh viễn là rất cao.

Mắt lười – chứng bệnh về mắt có thể gây mù nếu không điều trị kịp thời

Mắt lười hay còn gọi là nhược thị, lúc này thị lực ở một mắt phát triển không bình thường dẫn đến hạn chế khả năng nhìn của người bệnh. Chứng bệnh này thường phát triển từ thời thơ ấu và nó chỉ xảy ra ở một mắt rất ít trường hợp ảnh hưởng tới mắt còn lại. Vì chỉ có một mắt bị giảm thị lực, nên thực sự rất khó để có thể nhận biết căn bệnh này, thông thường người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi lấy tay che một mắt để so sánh mức độ nhìn.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng mắt lười là do di truyền, lác (lé), cận thị, loạn thị, viễn thị, đục thủy tinh thể… Căn bệnh này cần được phát hiện và điều trị sớm từ khi trẻ 8 tuổi, bởi sau đó sự phát triển của khu vực thị giác sẽ được hoàn tất, khiến việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều và nguy cơ suy giảm thị lực không hồi phục hoặc mù lòa sẽ cao hơn.

Hiện nay, phương pháp “che mắt” là bước đầu tiên đối với người bệnh suy giảm thị lực, phương pháp này được thực hiện bằng cách che kín mắt nhìn tốt bằng giấy hoặc vải để mắt có thị lực kém không được tiếp tục dựa dẫm mà phải hoạt động độc lập. Sau một thời gian thị lực của người bệnh sẽ được cải thiện, mắt bị giảm thị lực sẽ có thể hoạt động tương tự như mắt bình thường.

Phương pháp “che mắt” là giải pháp đầu tiên giúp điều trị bệnh suy giảm thị lực

Phương pháp “che mắt” là giải pháp đầu tiên giúp điều trị bệnh suy giảm thị lực

Viêm kết mạc/ đau mắt đỏ có nguy hiểm không?

Kết mạc là một màng mỏng, trong suốt bao bọc quanh nhãn cầu và nằm sau mi mắt. Khi bị viêm kết mạc, mắt sẽ có triệu chứng như đỏ mắt, chảy nước mắt, nhiều gỉ mắt khi ngủ dậy kèm theo giảm thị lực… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời viêm kết mạc mắt có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét giác mạc, biến dạng bờ mi, thủng nhãn cầu, sẹo giá mạc và nặng hơn có thể tiển triển thành mù lòa.

Glaucoma – một chứng bệnh về mắt với tên gọi khác là tăng nhãn áp

Glaucoma là chứng bệnh thường gây tổn thương không hồi phục đến thần kinh thị giác của mắt. Nguyên nhân chính gây ra bệnh Glaucoma là do tăng nhãn áp – áp lực bên trong mắt tăng cao đột ngột. Bệnh thường tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu người bệnh dường như không có triệu chứng gì đặc biệt, thị lực của họ vẫn bình thường và hầu như mắt không bị đau nhức gì. Đây chính là điểm nguy hiểm của chứng bệnh này, bởi đến khi người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thì dường như bệnh đã ở giai đoạn nặng, thường rất khó điều trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy phát hiện sớm và điều trị kịp thời Glaucoma sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.

Đục thủy tinh thể – căn bệnh về mắt phổ biến hiện nay

Đục thủy tinh thể là một bệnh lý về mắt có nguy cơ dẫn đến mù lòa rất cao nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Dưới tác động của một số nguyên nhân, cấu trúc thủy tinh thể bị biến đổi, làm cản trở đường truyền của ánh sáng gây suy giảm thị lực.

Đục thủy tinh thể thường tiến chậm, không gây hiện tượng đau, đỏ mắt, vì vậy người bệnh thường không nhận thấy dấu hiệu gì cho đến khi bệnh tiến triển nặng, mắt nhìn mờ, tăng nhạy cảm ánh sáng, quáng gà, nhìn mọi vật đều bị nhòe, hoặc thấy hiện tượng nhìn đôi, có chấm đen, đốm đen, “ruồi bay trước mắt”. Tuy rằng phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo hiện nay đã rất phổ biến và tỉ lệ thành công gần như 100%, nhưng không thể tránh khỏi những biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật như nhiễm trùng mắt, nhìn mờ trở lại do đục bao sau.

Xem thêm: Đục thủy tinh thể – Triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Thoái hóa điểm vàng – căn bệnh về mắt hay gặp ở những người lớn tuổi

Những người trung niên và cao tuổi thường dễ gặp phải tình trạng thoái hóa võng mạc, điểm vàng khiến thị lực kém đi và rất có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Thông thường người bệnh sẽ không nhận ra mình mắc phải căn bệnh này cho đến khi xuất hiện triệu chứng 3M (méo, mờ, mù): những hình ảnh trở nên méo mó, mờ ảo và khó phân biệt được màu sắc của các vật thể.

Hiện nay chưa có một phương pháp nào có thể trị khỏi bệnh thoái hóa điểm vàng. Người bệnh chỉ có thể cải thiện phần nào đó thị lực và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, đồng thời kiểm tra thị lực thường xuyên để có hướng can thiệp sớm nhất.

Hướng giải quyết chung cho những bệnh về mắt

Mỗi căn bệnh sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, tuy nhiên để nâng cao sức khỏe và phòng ngừa các bệnh về mắt có thể xảy ra thì việc thực hiện một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học là điều rất quan trọng. Dưới đây là một số vấn đề bạn cần lưu ý trong sinh hoạt hằng ngày:  

– Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, beta-caroten, vitamin C, vitamin E, lutein, selenium như: cà rốt, rau chân vịt, khoai lang, ngô, cá hồi, các loại thịt gia cầm, súp lơ xanh….

– Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe cho đôi mắt.

– Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức quá khuya.

– Chớp mắt liên tục để con ngươi của mắt không bị khô.

– Vệ sinh mắt sạch sẽ bằng nước muối sinh lý nhỏ mắt.

– Sử dụng kính râm khi đi ngoài nắng để tránh ảnh hưởng của ánh sáng tới mắt.

– Khi mắt bị mệt mỏi, tốt nhất hãy dành thời gian để mắt được thư giãn, nghỉ ngơi.

Xem thêm: Giải pháp tối ưu giúp phòng và trị các bệnh về mắt

Ds. Cao Thủy

Nguồn tham khảo: http://www.webmd.com/eye-health/common-eye-problems#1

Viết bình luận