Bệnh động kinh

Động kinh cục bộ phức tạp phổ biến nhưng lại khó nhận biết

Ngày đăng: 2 Tháng Sáu, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Nhắc tới bệnh động kinh có lẽ không ít người sẽ nghĩ ngay tới các cơn co cứng, co giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép… Trên thực tế biểu hiện của bệnh động kinh rất phong phú, tùy thuộc vào thể động kinh mà người bệnh mắc phải hay vùng não bộ bị ảnh hưởng. Một trong các thể động kinh có các triệu chứng đa dạng nhất, nhưng cũng gần như khó để nhận biết nhất đó chính là động kinh cục bộ phức tạp.

Động kinh cục bộ phức tạp là gì?

Động kinh cục bộ phức tạp là cơn động kinh xảy ra tại một vùng nhất định của não bộ khiến người bệnh xuất hiện nhiều rối loạn về vận động, cảm giác, cảm xúc… và kèm theo sự suy giảm về ý thức (mất ý thức hoặc không tỉnh táo hoàn toàn). Hầu hết các trường hợp động kinh cục bộ phức tạp đều có liên quan tới tổn thương tại vị trí của thùy thái dương.

Triệu chứng cơn động kinh cục bộ phức tạp

Một bệnh nhân có cơn động kinh cục bộ phức tạp điển hình sẽ trải qua 3 giai đoạn chính bao gồm:

Giai đoạn 1: Cơn thoáng (Aura)

Cơn thoáng thường xảy ra trong khoảng thời gian từ vài giây tới vài phút trước khi người bệnh bị mất ý thức hoàn toàn. Theo các nhà khoa học thì cơn thoáng thực chất là triệu chứng của cơn động kinh xảy ra ở một vùng nhỏ của não bộ. Trong cơn thoáng, người bệnh vẫn còn ý thức do vậy vẫn có thể nhận biết được các triệu chứng của cơn và nhớ lại sau đó. Có rất nhiều loại cơn thoáng khác nhau tùy thuộc vào vị trí não bộ bị ảnh hưởng:

Loại cơn thoáng (Aura) trong cơn động kinh cục bộ phức tạp

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Cơn thoáng thị giác (Visual auras)

Nhìn thấy những ảo giác:

– Tia sáng, vệt sáng, đốm sáng

– Nhìn thấy hình ngôi sao một màu, nhiều màu

– Mọi thứ xung quanh tối sầm lại, không nhìn thấy gì

– Hình ảnh cảnh vật, người, động vật không có thật

Cơn thoáng cảm giác (Somatosensory auras)

– Cảm giác khó chịu rất khó tả, rùng mình, lạnh cóng…

– Cảm giác đau nhói, bỏng rát, điện giật

– Cảm giác như cơ thể bị siết chặt, đè nén

Cơn thoáng chóng mặt (Vertiginous auras)

– Cảm giác cơ thể chuyển động xoay tròn, bồng bềnh

Cơn thoáng khứu giác (Olfactory auras)

Ngửi thấy những mùi không có thật, thường là mùi khó chịu: Mùi khét, mùi trứng thối, mùi đốt nilon…

Cơn thoáng vị giác

 (Gustatory auras)

Cảm nhận thấy có những mùi vị bất thường trong miệng, mùi vị không có thật như cay, đắng, chua, ngọt gắt…

Cơn thoáng thượng vị (Epigastric auras)

Cảm giác khó chịu, tê buồn ở vùng thượng vị của dạ dày

Cơn thoáng cảm xúc (Emotional auras)

– Lo âu, sợ hãi, hoảng loạn

– Vui mừng, phấn kích cực độ

Cơn thoáng tình dục

 (Sexual auras)

– Cương cứng, phóng tinh ở nam giới

Cơn thoáng tâm thần (Psychical auras)

– Cảnh vật, đồ vật xung quanh bị thay đổi hình dạng, kích thước to hoặc nhỏ hơn, khoảng cách xa hoặc gần hơn so với thực tế

– Nghe âm thanh to hoặc nhỏ hơn, xa hoặc gần hơn so với đời thực, nghe thấy những âm thanh không có thật

–  Nhận thấy bản thân như nhìn thấy hình ảnh cơ thể mình từ bên ngoài

– Nhận thấy một khung cảnh xa lạ bỗng trở nên rất thân thuộc, giống như đã từng ở nơi này trước đó rồi

– Cảm thấy thời gian trôi nhanh hoặc chậm hơn

Mỗi người bệnh có thể chỉ gặp một loại hoặc một số loại cơn thoáng nhất định

Giai đoạn 2: Mất ý thức

Trong giai đoạn này người bệnh có thể mất hoàn toàn hoặc một phần ý thức. Lúc này, người bệnh thường sững sờ, đáp ứng không tốt với các kích thích xung quanh. Họ có thể vẫn nhìn thấy bạn nhưng không biết bạn là ai, vẫn nghe thấy bạn nói nhưng không biết bạn nói gì.

Giai đoạn 3: Triệu chứng tự động (Automatisms)

Trong giai đoạn này người bệnh có thể thực hiện rất nhiều những hành vi bất thường trong vô thức. Mức độ bất thường của hành động có thể ở mức độ rất nhẹ, nhưng cũng có thể rất nghiêm trọng như bạo lực, giết người… Một số triệu chứng về vận động thường gặp nhất là:

– Nhai, nuối, liếm láp, chép môi, chảy nước dãi… khi trong miệng không có đồ ăn

– Nhăn mặt, bĩu môi, mỉm cười, khóc lóc, la hét, sợ hãi, giận dữ…

– Gõ hay vỗ tay, cọ xát, cầm nắm…

– Cởi cúc áo, sắp xếp, di chuyển đồ đạc

– Đi, chạy, nhảy vòng tròn

– Huýt sáo, nói ra những câu, từ vô nghĩa…

– Ói mửa, cồn cào trong dạ dày, thở nhanh, khó thở, tim đập nhanh, cương cứng, tiểu không tự chủ, nóng bừng, lạnh cóng, vã mồ hôi, nổi da gà…

Ở giai đoạn 2 và 3 người bệnh sẽ không thể nhận thức được những việc mình làm và sau cơn không thể nhớ được những gì đã diễn ra. Nhìn chung các triệu chứng của cơn động kinh cục bộ rất phong phú và đa dạng, do vậy nhiều trường hợp có thể bị bỏ qua do nhầm tưởng với các bất thường khác về sức khỏe.

Làm sao để có thể chẩn đoán động kinh cục bộ phức tạp?

Để chẩn đoán chính xác cơn động kinh cục bộ phức tạp các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng mà người bệnh mô tả cùng với một số xét nghiệm, trong đó quan trọng nhất là điện não đồ (EEG). Tuy nhiên, theo thống kê có tới 30-40% số trường hợp động kinh cục bộ phức tạp ngoài cơn hình ảnh điện não đồ sẽ không cho thấy bất thường, do đó nhiều khi sẽ phải sử dụng thêm các kỹ thuật hoạt hóa để kích thích cơn xuất hiện.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm thăm dò hình ảnh não như CT, MRI… hay một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác như xét nghiệm máu…

Điện não đồ (EEG) giúp phát hiện động kinh cục bộ phức tạp

Điều trị động kinh cục bộ phức tạp như thế nào?

Các cơn động kinh cục bộ phức tạp xảy ra không những tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chấn thương, tai nạn, ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của người bệnh… cơn động kinh cục bộ nếu tái diễn nhiều và không được điều trị còn có thể sẽ tiến triển thành cơn động kinh toàn thể thứ phát gây ra các cơn co cứng, co giật toàn thân.

Cho đến nay thì thuốc kháng động kinh vẫn là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị bệnh động kinh nói chung và động kinh cục bộ phức tạp nói riêng. Có khoảng 60% người bệnh sẽ kiểm soát cơn với một loại thuốc kháng động kinh, như: Carbamazepine, Valproate sodium (Depakine), Phenytoin (Dilatin)… và 40% còn lại thường không đáp ứng với thuốc điều trị được gọi là động kinh kháng thuốc. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp từ thảo dược cho những người bệnh này nhằm giúp giảm đáng kể các cơn động kinh cục bộ phức tạp điển hình như các thảo dược Câu đằng, An tức hương… Các bác sĩ thường sử dụng kết hợp cả thuốc điều trị và những giải pháp từ thảo dược để có hiệu quả điều trị cao nhất.

DS.Ngọc Hải

Nguồn tham khảo:

http://emedicine.medscape.com/article/1183962-overview

http://www.webmd.com/epilepsy/tc/epilepsy-complex-partial-seizures-topic-overview

http://www.epilepsy.com/learn/types-seizures/focal-onset-impaired-awareness-seizures-aka-complex-partial-seizures

http://bvtt-tphcm.org.vn/n-vn-1254-0/dong-kinh/dong-kinh-cuc-bo-phuc-tap.html

 

 

Viết bình luận