Bệnh mạch vành

Đánh trống ngực: Lỗi ở trái tim?

Ngày đăng: 8 Tháng Sáu, 2017
5/5 - (2 bình chọn)

Hầu như chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần bị hồi hộp, đánh trống ngực, nhất là khi phải đối mặt với một sự kiện trọng đại trong đời hoặc khi căng thẳng quá mức. Vậy nguyên nhân gây đánh trống ngực là do đâu? Phải chăng lỗi hoàn toàn là ở trái tim?

Đánh trống ngực là tình trạng tim đập rất nhanh và mạnh, có thể nghe thấy tiếng tim đập thình thịch, thậm chí có cảm giác rung lên trong lồng ngực, lan lên tận cổ. Tình trạng này thường qua đi nhanh chóng nhưng cũng có thể lặp đi lặp lại, trở thành một tín hiệu báo động cho sức khỏe tim mạch.

Có hai dạng đánh trống ngực, đó là đánh trống ngực sinh lý và bệnh lý (rối loạn nhịp tim, bệnh cường giáp…). Đánh trống ngực sinh lý đa phần là vô hại, loại còn lại phức tạp hơn rất nhiều và cần được điều trị đúng cách.

Nguyên nhân gây đánh trống ngực

Sự thay đổi trong quá trình dẫn điện trong tim sẽ khiến tim đập nhanh bất thường và gây ra đánh trống ngực. Nồng độ bất thường của các chất điện giải trong cơ thể như kali, magne và calci chính là căn nguyên gây ra sự dẫn truyền điện bất thường này.

Đau thắt ngực có thể do sinh lý hoặc bệnh lý

Nguyên nhân gây đánh trống ngực sinh lý

Một số chất kích thích hoặc thuốc tây y cũng có thể gây hồi hộp, đánh trống ngực, chẳng hạn như:

– Cafeine

– Thuốc lá

– Cồn (rượu, bia…)

– Thuốc cảm cúm có chứa Pseudoephedrine

– Các chất gây nghiện như cocaine, amphetamine và cần sa.

– Thuốc hen suyễn (albuterol hoặc theophylline) và thuốc thay thế hormone tuyến giáp là nguyên nhân phổ biến của đánh trống ngực

Căng thẳng có thể làm tăng nồng độ adrenalin trong cơ thể và gây ra nhịp tim nhanh. Đây là hiện tượng đánh trống ngực sinh lý và cũng có thể xảy ra sau khi tập thể dục.

Phụ nữ mang thai thường bị đánh trống ngực nhưng không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu đã bị đánh trống ngực từ trước khi mang thai, tần suất đánh trống ngực sẽ nhiều hơn do sự thay đổi về mức độ hormone và dòng máu để thích nghi với sự xuất hiện của thai nhi.

Ngoài ra, những thay đổi nội tiết trong cơ thể người phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh cũng có thể làm gia tăng đánh trống ngực.

Nguyên nhân gây đánh trống ngực bệnh lý

Một số dạng đánh trống ngực đặc biệt có thể xảy ra do tăng huyết áp, cấu trúc tim bất thường, chẳng hạn như hẹp động mạch vành (làm giảm lượng máu tới cơ tim), bất thường ở van tim, tổn thương sau nhồi máu cơ tim

Triệu chứng đánh trống ngực

Đánh trống ngực là một triệu chứng đúng như tên gọi của nó, có thể kết hợp với cảm giác bị lỡ một nhịp. Nếu đánh trống ngực kéo dài, người bệnh có thể thấy rung hoặc căng tức ngực. Đôi khi, người bệnh sẽ thấy có gì đó đầy trong cổ họng, đi kèm với thở ngắn, có thể là do đau thắt ngực.

Đánh trống ngực mạn tính có thể dẫn đến đau ngực, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, thậm chí gây choáng váng và ngất…

Chẩn đoán đánh trống ngực

Đánh trống ngực có thể nhầm lẫn với một số vấn đề sức khỏe khác, vì thế, chìa khóa để chẩn đoán đánh trống ngực chính là bệnh sử của người mắc, bác sỹ có thể hỏi bạn một số câu hỏi như:

– Đánh trống ngực xảy ra khi nào?

– Đánh trống ngực xảy ra liên tục nối tiếp nhau hay tách rời?

– Cơn đánh trống ngực kéo dài bao lâu?

– Các triệu chứng kèm theo là gì?

– Người bệnh có uống cà phê, rượu, hút thuốc hay sử dụng loại thuốc nào có tác dụng phụ là gây đánh trống ngực hay không?

– Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể là nguyên nhân gây đánh trống ngực?

Hút thuốc lá có thể gây rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực

Nếu đánh trống ngực xảy ra khi đi khám sức khỏe, người bệnh có thể được kiểm tra các chỉ số sinh tồn như nhịp tim, huyết áp và khám bướu cổ, nghe tiếng tim, điện tâm đồ, xét nghiệm máu…

Chẩn đoán đánh trống ngực và nguyên nhân gây ra tình trạng này không phải là điều dễ dàng bởi đa số người bệnh không có biểu hiện đánh trống ngực khi đi khám bác sỹ. Người bệnh thường phải sử dụng thiết bị theo dõi ngoại trú (máy Holter) để ghi lại nhịp tim bất thường trong suốt 24 giờ.

Điều trị đánh trống ngực

Tự chăm sóc tại nhà

Nguyên nhân gây đánh trống ngực khá đa dạng và phức tạp nên việc điều trị phụ thuộc rất lớn vào chẩn đoán. Đối với những người bị đánh trống ngực sinh lý, một số thay đổi nhỏ trong lối sống có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng, bao gồm: Hạn chế cà phê, rượu, các chất gây nghiện và các thuốc không theo đơn có thể làm tăng nhịp tim.

Người bệnh tốt nhất nên có một cuốn sổ nhật ký, ghi chép lại những lúc bị đánh trống ngực (khi nào, ở đâu, cảm xúc ra sao…), học cách đo nhịp tim và phát hiện các triệu chứng liên quan (chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, đau ngực, khó thở). Quan trọng nhất là xác định được đánh trống ngực là thường xuyên hay thỉnh thoảng mới gặp.

Nghiệm pháp Vagal điều trị đánh trống ngực

Mục đích của việc điều trị là ổn định nhịp tim, làm chậm nhịp tim nhanh. Bạn có thể áp dụng nghiệm pháp Vagal để ngăn chặn các cơn loạn nhịp nhanh bằng những động tác đơn giản như ho, chườm nước đá lên mặt và nín thở. Các động tác này tác động lên dây thần kinh Vagal (dây thần kinh phế – vị) và khiến tim đập chậm lại.

Điều trị đánh trống ngực bằng thuốc

Tiêm Adenosine tĩnh mạch liều duy nhất có thể giúp điều hòa nhịp tim và cho phép trái tim trở về nhịp điệu bình thường, hoặc có thể làm chậm tạm thời nhịp tim để bác sỹ chẩn đoán nhịp tiềm ẩn gây đánh trống ngực. Bác sỹ sẽ căn cứ vào đó để kê loại thuốc thích hợp để điều trị bệnh, kết hợp với thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh calci nếu cần thiết.

Can thiệp và phẫu thuật điều trị đánh trống ngực

Cắt bỏ một phần mô tim gây rối loạn nhịp tim cũng có thể chấm dứt tình trạng đánh trống ngực. Trong phương pháp này, bác sỹ sẽ sử dụng một hoặc nhiều ống thông luồn qua các mạch máu, đến khu vực phát sinh rối loạn nhịp tim. Các điện cực hai đầu ống thông sẽ phá hủy một phần mô tim gây phát nhịp bất thường. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có thể áp dụng được phương pháp này.

Nếu nhịp tim nhanh bắt đầu xuất hiện từ tâm nhĩ (rung nhĩ), một cú sốc điện từ máy khử  rung tim cấy ghép có thể thiết lập lại nhịp tim đều đặn.

Phương pháp điều trị đánh trống ngực sẽ khác nhau ở mỗi người. Mặc dù tạo cảm giác khó chịu nhưng đa số trường hợp đánh trống ngực đều không ảnh hưởng đến cuộc sống và tuổi thọ. Một số dạng đánh trống ngực nguy hiểm cần phải được điều trị bằng thuốc, mục tiêu là giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường và giảm thiểu tối đa những biến chứng tim mạch tiềm ẩn.

Ds. Ngọc Linh

Tham khảo:

http://www.emedicinehealth.com/palpitations/article_em.htm

Viết bình luận