Bệnh động kinh

Có mối liên hệ nào giữa động kinh và tự kỷ?

Ngày đăng: 3 Tháng Tám, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Lo lắng vì con thường xuyên bị co giật đã đành, nhưng càng xót xa hơn khi mỗi lớn con càng thu mình, chậm phát triển ngôn ngữ rồi đôi khi hay cáu gắt tự làm tổn thương mình. Liệu rằng đó có phải là dấu hiệu của tự kỷ, điều gì sẽ xảy ra khi con mắc đồng thời hai thứ bệnh, có mối liên hệ nào giữa chúng hay không? Nếu bạn còn đang băn khoăn về vấn đề này, hãy cùng gỡ rối qua bài viết dưới đây.

Thế nào là động kinh, tự kỷ?

Động kinh (epilepsy) là tình trạng rối loạn hoạt động của não bộ xảy ra khi có sự phóng điện liên tục, quá mức giữa các tế bào thần kinh, gây ra những thay đổi về ý thức, hành vi, cảm xúc…và đặc trưng là những cơn co giật tái diễn nhiều lần.

Trong khi đó, bệnh tự kỷ (autism) là một chứng rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ nhỏ, được đặc trưng bởi những khiếm khuyết về mặt tương tác xã hội, khó khăn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ và diễn đạt hành vi.

Tuy là hai bệnh khác nhau nhưng đôi khi lại có mối quan hệ mật thiết với nhau và đều gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển về nhận thức, tư duy và ngay cả các mối quan hệ sau này của người bệnh.

Động kinh và tự kỷ có mối liên quan mật thiết với nhau

Những trẻ mắc bệnh động kinh có nguy cơ cao bị tự kỷ và ngược lại

Chưa có một bằng chứng xác thực nào chứng minh rằng, động kinh là nguyên nhân dẫn đến hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 1/3 trẻ em bị động kinh có nguy cơ mắc hội chứng tự kỷ, tỉ lệ này càng cao với những trẻ được chẩn đoán bị động kinh từ nhỏ, chiếm tới 5%. Số cơn co giật tái phát nhiều lần và hoạt động phóng điện quá mức trong não bộ có thể là nguyên nhân gây ra các bất thường về nhận thức, ngôn ngữ và hành vi tương tự như hội chứng tự kỷ. Mặt khác những người bị động kinh thường tự ti về bản thân, mặc cảm với xã hội. Họ thường bị bạn bè trêu trọc, cô lập, tẩy chay khiến họ cảm thấy bản thân thật bất thường, khác biệt. Chính những điều này càng làm gia tăng hội chứng tự kỉ ở những bệnh nhân động kinh.

Ngược lại, các chuyên gia cũng nhận định rằng, một số bất thường của não liên quan đến chứng tự kỷ cũng có thể góp phần gây nên động kinh, chiếm tỷ lệ 15 – 30% số trẻ tự kỷ. Những bất thường này có thể xuất phát từ sự mất cân bằng giữa các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là sự thiếu hụt các chất ức chế khiến não bộ trong trạng thái kích thích và làm xuất hiện cơn co giật.

Ngoài ra, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc phải giữa tự kỷ và động kinh:

– Tuổi: thường gặp ở trẻ nhỏ chưa đi học và thanh thiếu niên.

– Trẻ bị động kinh hoặc tự kỷ có những khuyết tật về trí tuệ.

– Gen di truyền: trẻ có cha mẹ, anh chị em bị động kinh sẽ có nguy cơ cao bị động kinh kèm theo các hội chứng của bệnh tự kỷ.

– Giới tính: Phụ nữ cũng có tỉ lệ cao hơn.

Dù chưa thể khẳng định đâu là cơ chế chính, đâu là nguyên nhân khiến tỉ lệ người mắc bệnh cao hơn bình thường. Điều quan trọng ở đây là phát hiện kịp thời tình trạng bệnh để có thể có những phương pháp điều trị phù hợp nhất nhằm giảm thiểu những rủi ro không đáng có.

Trẻ tự kỷ và động kinh thường gặp khó khăn trong hòa nhập cộng đồng

Những khó khăn khi trẻ mắc đồng thời chứng tự kỷ và bệnh động kinh

Những trẻ bị động kinh và bị tự kỷ đều có một khó khăn chung đó là sự hòa nhập với cộng đồng. Trẻ bị động kinh gặp rất nhiều trở ngại như giảm khả năng tiếp thu, học tập, khó khăn khi ngủ, trong việc kiểm soát cảm xúc, hành vi và tạo dựng mối quan hệ bạn bè. Chúng luôn tự ti, mặc cảm về bản thân vì vậy chúng rất khó để hòa nhập với xã hội. Còn với trẻ bị tự kỷ, chúng càng khó khăn hơn để có thể giao tiếp, tạo dựng các mối quan hệ, bởi chúng thường thích chơi một mình, không muốn giao tiếp với người khác, chỉ chìm đắm trong thế giới riêng của chúng.

Cả hai chứng bệnh này đếu khiến trẻ giảm khả năng hòa nhập với xã hội, vì vậy cha mẹ cần quan tâm tới trẻ nhiều hơn, giáo dục hành vi cho trẻ nhằm thúc đẩy sự phát triển về mặt xã hội của trẻ.

Điều trị động kinh có góp phần giảm các triệu trứng của bệnh tự kỷ  

Hiện nay điều trị chứng động kinh hay điều trị chứng động kinh ở người bị tự kỷ là hoàn toàn giống nhau. Theo những kết quả thu được thì điều trị chứng động kinh có tác động tới việc điều trị chứng tự kỉ. Một số bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc kháng động kinh kết hợp chế độ ăn kiêng giàu chất béo ít tinh bột cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể về hành vi, nhận thức và những kỹ năng xã hội.

Nếu người thân của bạn được chẩn đoán mắc bệnh tử kỷ đã điều trị nhưng không có chuyển biến thì bạn nên cân nhắc đưa họ đi khám tại các chuyên khoa thần kinh để được kiểm tra xem liệu các biểu hiện tự kỷ ở bệnh nhân có phải là từ động kinh hay không, từ đó có hướng điều trị phù hợp nhất.

Nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao không được điều trị đúng thường là trẻ em. Trẻ em có tỉ lệ xuất hiện bệnh động kinh và tự kỷ cao nhất. Tuy nhiên cha mẹ của chúng lại không thể hiêu rõ và dễ dàng bỏ qua những triệu chứng mà trẻ gặp phải. Vì vậy cha mẹ cần nâng cao sự hiểu biết của mình về hai chứng bệnh này, để có thể nhanh chóng phát hiện sớm những triệu chứng bất thường ở con mình, từ đó có những cách xử lý tốt nhất.

Ds. Thu Thủy

Nguồn tham khảo:

https://www.autismspeaks.org/family-services/epilepsy

http://www.huffingtonpost.com/2014/05/30/connection-between-autism-and-epilepsy_n_5419003.html

Viết bình luận