Bệnh động kinh

Chế độ ăn Ketogenic – hy vọng mới cho người mắc bệnh động kinh

Ngày đăng: 3 Tháng Tám, 2017
5/5 - (4 bình chọn)

Có thể bạn đã được nghe nói rất nhiều về Ketogenic – một chế độ ăn kiêng dành cho bệnh nhân bị động kinh. Đây cũng được xem như một liệu pháp điều trị đã được y học hiện đại sử dụng từ những năm 1920 giúp giảm tần suất các cơn co giật đối với bệnh nhân động kinh bị kháng thuốc. Vậy bạn đã thực sự hiểu rõ về vai trò và những lợi ích tích cực từ chế độ ăn kiêng này? Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Thế nào là chế độ ăn Ketogenic?

Chế độ ăn Ketogenic (gọi tắt là Keto) là một chế độ ăn rất ít carbohydrate và nhiều chất béo. Việc cắt giảm carbohydrate sẽ khiến cơ thể chuyển sang một trạng thái chuyển hóa gọi là ketosis. Khi trạng thái này được thiết lập, cơ thể bạn sẽ phân hủy chất béo, thay vì glucose để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Quá trình phân hủy chất béo sẽ tạo ra các thể ceton làm thay đổi nồng độ các acid amin trong não bộ, trong đó có việc tăng cường chất ức chế thần kinh GABA, và từ đó làm giảm chứng co giật ở bệnh động kinh.

Nguyên lý hoạt động của Ketogenic

Nguyên tắc của chế độ ăn Ketogenic là bạn phải giảm lượng carbohydrate xuống mức tối thiểu, khoảng 30-50 gam/ngày (tương đương 5% tổng lượng thức ăn). Điều này khiến cơ thể đốt cháy hết toàn bộ glucose đang dự trữ. Sau đó, nếu muốn có thêm năng lượng để hoạt động, nó buộc phải chuyển sang cơ chế đốt cháy chất béo.

Bình thường, khi chất béo được sử dụng làm nguồn nhiên liệu chính, gan sẽ nhận được một lượng lớn axit béo bị phá vỡ từ các mô mỡ, nó sẽ chuyển hóa thành phân tử Acetyl-CoA. Đây chính là đầu vào cho chu trình Krebs xảy ra ở các tế bào để tạo năng lượng cho mọi hoạt động trong cơ thể.

Ketogenic là quá trình đốt cháy chất béo thay vì glucose để tạo năng lượng

Nhưng với chế độ ăn Ketogenic, sau khi chuyển hóa các axit béo thành Acetyl-CoA, gan không thể đưa nó đi vào chu trình Krebs ngay lập tức. Nó tiếp tục phá vỡ Acetyl-CoA thành phân tử ceton. Và các phân tử này chính là mấu chốt cho việc kiểm soát, hạn chế các cơn động kinh. 

Lợi ích mang lại từ chế độ ăn Ketogenic với bệnh động kinh

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với khẩu phần ăn Ketogenic sẽ giúp bổ sung nguồn năng lượng ổn định cho não bộ, hoạt hóa chức năng của các kênh ion Na, K giúp ổn định màng tế bào thần kinh, giảm hưng phấn quá mức, từ đó kiểm soát các cơn động kinh.

Ngoài ra, sự mất cân bằng các chất dẫn truyền glutamate – GABA cũng chính là một cơ chế gây bệnh động kinh. GABA là chất ức chế, khi não bộ không tiết đủ có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, mất ngủ, đặc biệt là tình trạng rối loạn điện não gây co giật. Với những người sử dụng chế độ ăn Ketogenic, chất béo sẽ được phân hủy thành thể ceton, nhờ đó làm tăng GABA trong dịch não tủy, tạo nên sự cân bằng giữa các chất dẫn truyền, ngăn ngừa cơn động kinh xuất hiện.

Theo kết quả từ một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet năm 2008 cho thấy, những đứa trẻ tuân thủ chế độ ăn Ketogenic có thể giảm được 1/3 số cơn động kinh so với những trẻ khác.

Nên thực hiện chế độ ăn Ketogenic như thế nào?

Một chế độ ăn Ketogenic chuẩn sẽ cần cung cấp các chất theo tỷ lệ chính xác là 5% Carbohydrate, 20% protein và 75% chất béo. Để có thể hình dung dễ hơn, bạn có thể tham khảo bảng dưới đây để có thể lựa chọn thực phẩm phù hợp.

Thực phẩm nên ăn

Thực phẩm nên hạn chế

– Tất cả các loại thịt và sản phẩm từ thịt

– Tất cả các loại cá béo: cá hồi, cá thu,..

– Trứng, nên chọn trứng gà nuôi thả tự nhiên

– Bơ động vật

– Phomat nên chọn loại chưa chế biến

– Các loại hạt: hạnh nhân, óc chó,…

– Các loại dầu: dầu oliu, dầu dừa, dầu từ trái bơ,…

– Các loại rau có lá xanh, cà chua, hành, ớt,…

– Thực phẩm chứa nhiều đường: Soda, nước ép trái cây, bánh ngọt, kem, kẹo,..

– Ngũ cốc, lúa mỳ, tinh bột gạo,…

– Trái cây: tất cả các loại trái cây, trừ một số ít các cây họ dâu như dâu tây

– Các loại đậu: đậu hà lan, đậu tây, đậu xanh,..

– Các loại củ: Khoai tây, khoai lang, cà rốt, củ cải,..

– Các sản phẩm ít béo và sản phẩm ăn kiêng vì chúng chứa nhiều carbohydrat, và chủ yếu là sản phẩm chế biến sẵn

– Đồ uống có cồn: rượu , bia,..

Mỗi bệnh nhân sẽ phù hợp với những loại thực phẩm khác nhau tùy vào thói quen, sở thích. Không thể áp đặt một chế độ ăn nào đó cho tất cả mọi người được. Đây là một ví dụ điển hình cho 7 ngày ăn Ketogenic để mọi người có thể tham khảo:

Tác dụng phụ có thể gặp sau khi sử dụng chế độ ăn Ketogenic

Không có một phương pháp nào là thực sự hoàn hảo và không có một điểm bất lợi nào. Ketogenic cũng vậy, khi thực hiện chế độ ăn giảm carbohydrate tăng chất béo, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn: hạ đường huyết, còi xương, táo bón, sỏi mật, sỏi thận, ….Vì thế mỗi bệnh nhân động kinh, muốn sử dụng hiệu quả nhất chế độ ăn Ketogenic, cần đến các cơ sở y tế, hay các chuyên khoa về dinh dưỡng để được tư vấn, giám sát chặt chẽ nhất.

Khó khăn gì khi sử dụng chế độ ăn Ketogenic và nên duy trì trong bao lâu?

Trong giai đoạn 3,4 ngày đầu của liệu pháp Ketogenic, bênh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn bởi chưa quen với việc bổ sung quá nhiều chất béo và giảm lượng carbohydrate. Sẽ phải mất vài tuần để bệnh nhân có thể làm quen dần.

Rất nhiều bệnh nhân không đủ kiên trì để theo đuổi liệu pháp này. Đặc biệt là trẻ em, đang tuổi ăn, tuổi lớn, việc hạn chế những đồ ăn mà chúng vẫn thường thích ăn như bánh , kẹo, nước ngọt, trái cây,… là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên làm cho bữa ăn thêm phong phú, sinh động, đẹp mắt giúp trẻ hứng thú với việc ăn hơn, mà vẫn tuân thủ nguyên tắc của liệu pháp Ketogenic.

Thông thường liệu pháp ketogenic nên được thực hiện liên tục trong vòng 2 năm, sau đó sẽ từ từ ngưng lại khi bệnh được kiểm soát. Nghĩa là không nên thay đổi chế độ ăn ngay lập tức, nên tăng dần lượng carbohydrat và giảm dần lượng chất béo trong bữa ăn để bệnh nhân có thể thích nghi.

Có thể dử dụng thuốc khi thực hiện chế độ ăn Ketogenic?

Bệnh nhân hoàn toàn có thể sử dụng thuốc kháng động kinh trong thời gian thực hiên chế độ ăn Ketogenic để kiểm soát tốt hơn các cơn co giật. Ngoài ra các bác sỹ cũng khuyên bệnh nhân nên bổ sung các thuốc chứa vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi và vitamin D3, để ngăn ngừa loãng xương. Bệnh nhân cũng có thể phối hợp sử dụng thêm sản phẩm hỗ trợ điều trị chứa các thảo dược lành tính như An tức hương, Câu đằng để trấn kinh, an thần, hạn chế tối đa các cơn co giật, giảm tần suất, mức độ các cơn co giật.

Ds. Quỳnh Hoa

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Link tham khảo :

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3969728/

http://www.epilepsy.com/learn/treating-seizures-and-epilepsy/dietary-therapies/ketogenic-diet

Viết bình luận