Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Các giai đoạn phát triển của bệnh võng mạc tiểu đường trên mắt

Ngày đăng: 1 Tháng Sáu, 2017
5/5 - (4 bình chọn)

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với tim mạch, thận, bàn chân và biến chứng mắt thường xảy ra đầu tiên. Trong những biến chứng liên quan đến mắt, thì bệnh võng mạc tiểu đường là biến chứng thường gặp nhất, tiến triển dần theo 2 giai đoạn.

Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường là tình trạng mạch máu ở võng mạc của mắt bị tổn thương vì lượng đường trong máu quá cao. Võng mạc có thể bị phù và gây rò rỉ chất lỏng ra bên ngoài. Đôi khi, các mạch máu bất thường có thể phát triển trên bề mặt của võng mạc.

Vai trò của võng mạc mắt

Võng mạc là một lớp mô mỏng rất nhạy cảm với ánh sáng nằm phía sau của mắt. Ánh sáng được tập trung tại võng mạc, sau đó được truyền tới não và được phiên giải thành những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy. Ở trung tâm võng mạc có một khu vực được gọi là điểm vàng. Điểm vàng đóng vai trò chính trong việc giúp chúng ta nhìn rõ mọi vật, màu sắc và thị lực ở vùng trung tâm hình ảnh.

Bệnh võng mạc tiểu đường thường ảnh hưởng đến cả hai mắt. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể cảm nhận được sự thay đổi trong tầm nhìn. Nhưng khi bệnh tiến triển, những tổn thương của mắt không thể phục hồi và thậm chí có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường phát triển theo hai giai đoạn chính:

2 giai đoạn của bệnh võng mạc tiểu đường

2 giai đoạn của bệnh võng mạc tiểu đường

 

Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh (NPDR)

Đây là giai đoạn sớm nhất của bệnh. Trong giai đoạn này, các mạch máu cung cấp dinh dưỡng cho võng mạc bị tổn thương, gây rò rỉ chất lỏng và máu hoặc đôi khi có thể là cả cặn cholesterol và những chất béo vào trong mắt.

Những ảnh hưởng của bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh đến mắt có thể bao gồm:

Phình mạch máu võng mạc (Microaneurysms): Phình mạch máu võng mạc thường gây rò rỉ chất lỏng vào mắt.

Xuất huyết võng mạc: Có những đốm máu nhỏ rò rỉ vào trong võng mạc.

Lắng cặn mắt: Những chất lắng đọng của cholesterol hoặc các chất béo khác từ máu rò rỉ vào trong võng mạc.

Phù điểm vàng: Điểm vàng bị phù hoặc dày lên do chất lỏng rò rỉ từ các mạch máu của tĩnh mạch vào. Điểm vàng không thể hoạt động bình thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên mất thị lực.

Thiếu máu võng mạc: Những mao mạch cung cấp máu cho võng mạc bị chặn lại, khiến điểm vàng không nhận được đủ máu để hoạt động.

Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh mức độ nhẹ thường không có sự ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Nếu khả năng nhìn bị giảm sút thì đó là kết quả của phù điểm vàng và thiếu máu võng mạc.

Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh (PDR)

Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh (PDR) chủ yếu xảy ra khi rất nhiều những mạch máu của võng mạc bị tắc nghẽn, không cung cấp đủ lượng máu cho võng mạc. Lúc này, võng mạc phản ứng lại bằng cách phát triển thêm những mạch máu mới đến những vùng bị thiếu máu nuôi dưỡng. Tuy nhiên, những mạch máu mới này lại rất giòn và dễ vỡ, gây ra mô sẹo khiến võng mạc bị bong hoặc tách ra khỏi màng mạch.

Giai đoạn tăng sinh gây ảnh hưởng đến thị lực nhiều hơn giai đoạn không tăng sinh vì nó có thể gây ảnh hưởng đến cả thị lực trung tâm và thị lực ngoại vi. Những biến chứng có thể bao gồm:

Bong võng mạc: Mô sẹo hình thành từ những mạch máu mới co lại, khiến cho võng mạc bị nhăn và kéo lệch khỏi vị trí bình thường. Nguy hiểm hơn nữa, người bệnh có thể mất thị lực vĩnh viễn nếu võng mạc bị bong rách nhiều.

Bong võng mạc do bệnh tiểu đường

Bong võng mạc do bệnh tiểu đường

 

Xuất huyết dịch kính: Nếu dịch kính chỉ bị xuất huyết nhẹ, người bệnh có thể nhìn thấy một vài điểm mờ, điểm tối xuất hiện trong tầm nhìn. Nhưng nếu xuất huyết trên một phạm vi lớn, người bệnh chỉ có thể phân biệt được sáng và tối.

Tăng nhãn áp: Những mạch máu mới có thể hình thành ngay cả ở mống mắt, nó chặn dòng chảy bình thường của chất lỏng ra khỏi mắt, khiến những chất lỏng này tích tụ, làm tăng áp lực bên trong mắt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dây thần kinh của mắt.

Bệnh võng mạc tiểu đường gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thị lực, thậm chí là mù vĩnh viễn. Bên cạnh việc điều trị bệnh võng mạc tiểu đường, việc quản lý tốt đường huyết để ngăn ngừa biến chứng cũng cần được quan tâm.

Ds. Hoàng Lan

Tham khảo: https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-diabetic-retinopathy

Viết bình luận