Bệnh mạch vành

Bệnh hẹp van 2 lá và những thông tin không thể bỏ qua

Ngày đăng: 21 Tháng Tư, 2017
5/5 - (2 bình chọn)

Hẹp van 2 lá là một trong những bệnh tim mạch phổ biến. Có rất nhiều trường hợp mắc bệnh mà không có bất kỳ triệu chứng nào, tuy nhiên, bệnh hẹp van hai lá nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, việc hiểu một cách toàn diện về bệnh hẹp van 2 lá là vô cùng cần thiết, giúp bạn biết cách tự chăm sóc bản thân nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh hẹp van 2 lá là gì?

Van hai lá là van nằm giữa hai buồng tim bên trái (tâm nhĩ trái và tâm thất trái). Hẹp van 2 lá là tình trạng van hai lá mở không đúng cách, làm giảm lưu lượng máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái.

Nguyên nhân dẫn tới hẹp van hai lá

– Thấp khớp: Đây là nguyên nhân chính gây hẹp van 2 lá. Sốt thấp khớp khiến các lá van hai lá dày lên hoặc dính nhau, dẫn tới van không mở được hoàn toàn. Hẹp van hai lá do sốt thấp khớp có thể tiến triển âm thầm, không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm.

– Lắng đọng calci: thường gặp ở người cao tuổi. Calci lắng đọng xung quanh van hai lá khiến van không thể mở ra hoàn toàn.

– Nguyên nhân khác: Hẹp van hai lá bẩm sinh, bị bức xạ vùng ngực, bệnh tự miễn…

Hình ảnh van tim bình thường và hẹp van 2 lá

Triệu chứng hẹp van 2 lá

Trong trường hợp hẹp van hai lá nhẹ, người bệnh có thể không có triệu chứng gì và sống bình thường trong nhiều năm. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng đột ngột nặng hơn, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để được điều trị kịp thời. Các triệu chứng của bệnh hẹp van 2 lá bao gồm:

– Khó thở, thở dốc, đặc biệt khi người bệnh gắng sức hoặc khi nằm.

– Mệt mỏi, đặc biệt khi vận động thể thao , leo cầu thang…

– Phù: thường gặp nhất là sưng mắt cá chân hoặc bàn chân.

– Đánh trống ngực: Cảm giác tim đập nhanh và dồn dập.

– Chóng mặt hoặc ngất.

– Ho nhiều, thỉnh thoảng ho ra đờm lẫn máu.

– Đau ngực, nặng ngực.

– Có các dấu hiệu của đột quỵ: Đau đầu dữ dội, khó nói, tê nửa người…

Các triệu chứng của bệnh hẹp van hai lá thường xuất hiện ở độ tuổi 30 – 50 ở các nước phát triển. Trong trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán hẹp van 2 lá nhưng không có triệu chứng vẫn cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và xác định hướng điều trị phù hợp.

Hẹp van 2 lá có nguy hiểm không?

Hẹp van hai lá nếu không được điều trị tốt có thể dẫn tới các biến chứng:

Tăng huyết áp động mạch phổi: Tình trạng áp lực trong động mạch dẫn máu từ tim đến phổi (động mạch phổi) tăng cao, khiến tim khó co bóp để tống máu về phổi.

Suy tim: Hẹp van hai lá cản trở lưu thông máu và làm tăng áp lực tại tim trái, dẫn tới suy tim trái.

Tim to: Khi áp lực trong tim trái tăng lên có thể khiến buồng trên tim trái (tâm nhĩ trái) giãn rộng ra.

Rối loạn nhịp tim: Tâm nhĩ trái to ra có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, thường gặp nhất là rung tâm nhĩ.

Cục máu đông: Khi tình trạng rung tâm nhĩ không được điều trị có thể hình thành các cục máu đông ở tâm nhĩ trái. Các cục máu đông này có thể vỡ ra và theo dòng máu đi đến các bộ phận khác của cơ thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Tắc nghẽn phổi (phù phổi): Máu và dịch tích tụ lại trong phổi gây phù phổi với dấu hiệu hụt hơi, ho ra đờm lẫn máu…

Các xét nghiệm chẩn đoán hẹp van 2 lá

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn và thực hiện các thăm khám bên ngoài như nghe tim phổi. Sau đó, bác sĩ sẽ lựa chọn các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm thông thường để chẩn đoán hẹp van 2 lá bao gồm: Siêu âm tim, điện tâm đồ, X – quang ngực, nội soi tim.

Điều trị hẹp van 2 lá

Trường hợp hẹp van 2 lá từ nhẹ đến trung bình mà không có triệu chứng, người bệnh chỉ cần theo dõi. Khi hẹp van hai lá nặng hoặc có triệu chứng rõ rệt, người bệnh cần được điều trị kịp thời bằng các phương pháp sau:

Điều trị hẹp van 2 lá bằng thuốc

Không có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm hẹp van 2 lá, nhưng một số nhóm thuốc dưới đây sẽ giúp kiểm soát triệu chứng bệnh:

– Thuốc lợi tiểu: Giảm tích tụ dịch trong phổi và các bộ phận khác trong cơ thể.

– Thuốc chống đông máu: Ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

– Chất chẹn beta hoặc chất chẹn kênh calci: Làm chậm nhịp tim.

– Thuốc chống loạn nhịp tim: Điều trị rung tâm nhĩ hoặc các rối loạn nhịp tim khác liên quan đến hẹp van 2 lá.

– Thuốc kháng sinh: Ngăn ngừa tái phát bệnh thấp khớp trong trường hợp hẹp van hai lá do thấp khớp.

Can thiệp ngoại khoa

Tùy theo mức độ bệnh mà người bệnh hẹp van hai lá có thể tiến hành các hình thức phẫu thuật sau:

Nong van: Bác sĩ luồn một ống mềm, mỏng, đầu có chứa 1 quả bóng nhỏ qua mạch máu ở cánh tay hoặc háng tới khu vực van 2 lá bị hẹp. Bóng được bơm phồng lên để mở rộng van. Sau đó, quả bóng xẹp đi và ống thông được rút khỏi mạch máu.

Nong van điều trị hẹp van hai lá

Phẫu thuật van: Có hai loại phẫu thuật trị hẹp van 2 lá là sửa van giúp loại bỏ calci tích tụ và mô sẹo trên lá van. Hoặc phương pháp thay thế van khác sau khi cắt bỏ van 2 lá bị hẹp. Van thay thế có hai loại: van cơ học làm từ kim loại, bền nhưng có nguy cơ cao hình thành cục máu đông; van sinh học có thể lấy từ tim lợn, tim bò hoặc người hiến tặng.

Ngoài các phương pháp điều trị kể trên, hiện nay rất nhiều người bệnh van tim đã lựa chọn phương pháp sử dụng các thảo dược thiên nhiên như Bồ hoàng, Hoàng bá, Đan sâm,… song song với thuốc tây y và can thiệp ngoại khoa để giảm các triệu chứng mệt mỏi, đau ngực… phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim hiệu quả.

Điều chỉnh lối sống và biện pháp khắc phục hẹp van 2 lá tại nhà

Người bệnh hẹp van 2 lá cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh và khoa học để cải thiện tình trạng bệnh:

– Nên đánh răng thường xuyên và khám nha khoa định kỳ.

– Ăn nhạt: Hạn chế muối trong thức ăn và đồ uống hằng ngày, duy trì cân nặng hợp lý.

– Hạn chế caffein, rượu bia để tránh bị loạn nhịp tim, khiến các triệu chứng hẹp van 2 lá trở nên nặng hơn.

– Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần hoặc ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường.

– Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn

Đối với phụ nữ bị hẹp van 2 lá, cần trao đổi với bác sĩ khi có dự định mang thai. Trong suốt thời kì mang thai và sau khi sinh, người bệnh cần được theo dõi bởi bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa, phòng ngừa nguy cơ hẹp van hai lá gây hại cho cả mẹ và con.

Hẹp van 2 lá có thể phòng ngừa được không?

Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh hẹp van hai lá là ngăn ngừa nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh – sốt thấp khớp. Bạn nên đi khám bác sĩ khi bị đau họng vì nhiễm khuẩn họng do liên cầu có thể tiến triển thành thấp khớp. Viêm họng do liên cầu được dự phòng và điều trị bằng kháng sinh, bạn cần uống đúng và đủ liều kháng sinh điều trị để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Ds. Lương Lan

Link tham khảo: http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mitral-valve-stenosis/basics/definition/con-20022582

Viết bình luận