Bệnh động kinh

6 điều có thể bạn chưa biết về bệnh động kinh

Ngày đăng: 7 Tháng Tư, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Bệnh động kinh là một thuật ngữ để chỉ tình trạng rối loạn về vận động, hành vi cảm xúc mạn tính có nguyên nhân từ những rối loạn hoạt động điện bên trong não bộ. Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới (WHO) có khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới hiện đang gặp phải chứng bệnh này khiến cho nó trở thành một trong những bệnh lý liên quan tới hệ thần kinh phổ biến nhất trên toàn cầu, tuy nhiên có rất nhiều người chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này. Dưới đây là 6 điều có thể bạn chưa biết về căn bệnh này.

Khoảng 50% người bệnh động kinh không xác định được nguyên nhân rõ ràng

Theo các nhà khoa học có tới 50% người bệnh động kinh không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Những trường hợp còn lại có thể do các nguyên nhân sau:

– Yếu tố di truyền: Viện nghiên cứu các rối loạn thần kinh và đột quỵ quốc gia Hoa Kỳ, ước tính có tới 500 gen có thể liên quan tới chứng bệnh động kinh. Tuy nhiên, gen chỉ là một phần của nguyên nhân, bởi bệnh động kinh có xuất hiện hay không còn phụ thuộc vào cả môi trường và các yếu tố kích hoạt.

– Chấn thương vùng đầu

– Đột quỵ não, đây là nguyên nhân gây động kinh phổ biến nhất ở những người trên 35 tuổi.

–  U não, viêm não, viêm màng não

– Sang chấn trước và trong khi sinh: thiếu dinh dưỡng trong bào thai, ngạt khi sinh

Có cơn co giật không có nghĩa là bạn mắc bệnh động kinh

Mặc dù, co giật là triệu chứng điển hình của bệnh động kinh nhưng không phải cứ có cơn co giật là bạn mắc bệnh động kinh. Đồng thời có rất nhiều các nguyên nhân khác cũng có thể gây nên các cơn co giật như rối loạn chất điện giải, thiếu canxi, căng thẳng tâm lý quá mức… Cơn co giật chỉ được xác định là động kinh khi nó lặp lại nhiều lần với tính chất tương tự nhau và có nguyên nhân bắt nguồn từ những rối loạn điện não.

Triệu chứng bệnh động kinh ở mỗi người có thể rất khác nhau

Khi nói tới động kinh, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới triệu chứng là các cơn co cứng, co giật. Nhưng thực tế, bệnh động kinh còn xuất hiện với rất nhiều các triệu chứng khác như mất ý thức, xuất hiện những ảo giác về âm thanh, mùi vị, hình ảnh, cảm giác, cảm xúc, đau đầu, đau bụng…vv. Triệu chứng bệnh động kinh ở mối người có thể sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào dạng động kinh mà người bệnh gặp phải.

Triệu chứng bệnh động kinh ở mỗi người có thể khác nhau

Có tới 18% người bệnh động kinh tử vong đột ngột do một hiện tượng gọi là SUDEP

Theo bệnh viện Mayo clinic bang Florida Hoa Kỳ, SUDEP là tên gọi để chỉ hiện tượng người bệnh động kinh tử vong đột ngột mà không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của SUDEP có thể là bệnh động kinh ảnh hưởng tới vùng hô hấp của bệnh nhân gây nên chứng ngưng thở khi ngủ, nếu thời gian ngưng thở đủ lâu, nồng độ oxy trong máu có thể giảm xuống mức nguy hiểm. Mặt khác bệnh cũng có thể gây ra những bất thường về nhịp tim gây ngừng tìm đột ngột.

Bệnh động kinh không phải là bệnh tâm thần

Một trong những quan niệm sai lầm ở rất nhiều người đó là bệnh động kinh cũng là bệnh tâm thần, trong khi đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Một số người lại nghĩ rằng bị bệnh động kinh rồi sẽ bị bệnh tâm thần hoặc chậm phát triển về trí tuệ.  Tuy nhiên, hầu hết người bệnh động kinh vẫn có chỉ số thông minh bình thường. Chuyên gia thần kinh học Seiden cho biết: “Hầu hết người bệnh hoàn toàn bình thường khi không có cơn động kinh”

Rất nhiều người thành công và nổi tiếng mắc bệnh động kinh

Trên thế giới có rất nhiều người thành công và nổi tiếng cũng mắc bệnh động kinh như triết gia Socrates, nhà lãnh đạo chính chị và quân sự người Pháp Napoleon Bonaparte, người sáng lập ra giải Nobel: Alfred Nobel, nhà văn người Nga Fyodor Dostoyevsky… Chính vì vậy, mắc bệnh động kinh không có nghĩa là tương lai của bạn sẽ trở nên u ám. Điều quan trọng nhất là việc dùng thuốc thường xuyên, đều đặn và thực hiện lối sống khoa học để hạn chế bệnh, đồng thời học cách để thích ngi, chung sống hòa bình với bệnh.

Ds.Ngọc Hải

Nguồn tham khảo:

http://edition.cnn.com/2014/07/21/health/epilepsy-symptoms-treatment/

http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs999/en/

 

Viết bình luận