Bệnh mạch vành

Người bệnh mạch vành nên luyện tập thể chất như thế nào?

Ngày đăng: 3 Tháng Tám, 2017
5/5 - (4 bình chọn)

Giống như mọi cơ quan khác của cơ thể, trái tim cũng cần được luyện tập mỗi ngày để gia tăng sức chịu đựng và sự dẻo dai. Đặc biệt đối với những người mắc bệnh mạch vành, lượng máu cung cấp cho tim thường bị thiếu hụt thì việc luyện tập này lại càng quan trọng.

Lợi ích của luyện tập thể chất đối với người bệnh mạch vành

Luyện tập thể chất giúp tăng cường sức khỏe cơ tim, giảm nguy cơ biến chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Bên cạnh đó, việc luyện tập thường xuyên, đều đặn có ý nghĩa tích cực giúp loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành như huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường, béo phì… Cụ thể:

– Làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương từ 5- 10 mmHg, làm giảm nguy cơ đau tim xuống từ 10 – 20%.

– Làm giảm nồng độ đường trong máu, đồng thời làm giảm các biến chứng tim mạch liên quan đến bệnh tiểu đường.

– Hạ thấp mức cholesterol xấu (cholesterol LDL) gây xơ vữa mạch máu, đồng thời làm tăng đáng kể mức cholesterol tốt (cholesterol HDL) giúp giảm nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.

– Duy trì cân nặng và vóc dáng cơ thể, tác động tích cực đến đối tượng thừa cân, béo phì.

– Giảm căng tẳng tâm lý (stress), duy trì tinh thần thoải mái, giúp bạn ngủ ngon hơn.

– Giúp cơ thể tràn đầy năng lượng.

Đi bộ đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện bệnh mạch vành hiệu quả

Quy định chung cho các bài tập dành cho người mắc bệnh mạch vành

Trong quá trình luyện tập, người bệnh mạch vành cần chú ý thực hiện theo một số quy tắc sau để đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao nhất:

– Luyện tập tối thiểu 150 phút/ 1 tuần, tuy nhiên không phải tập liền một lần mà chia đều ra các ngày trong tuần, khoảng 20 – 30 phút/ ngày.

– Luyện tập các bài tập cơ ít nhất 2 lần mỗi tuần, tập lần lượt các nhóm cơ chính của cơ thể như: Chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai và cánh tay…

– Luyện tập vào thời gian linh hoạt hàng ngày, có thể vào sáng hay chiều tối, tuy nhiên cần luyện tập đều đặn không ngắt quãng, tránh ngày tập ngày không.

– Khi bắt đầu một chế độ luyện tập nào đó, bạn không nên đặt quá nhiều mục tiêu để tránh gây áp lực. Thay vào đó, bạn nên giữ trạng thái tinh thần thoải mái, không lo nghĩ. Như vậy, việc luyện tập mới mang lại hiệu quả cao nhất.

Các hình thức luyện tập thể chất có lợi cho người bệnh mạch vành

Thể dục thể thao cường độ nhẹ

– Loại hình bài tập: Bạn có thể lựa chọn bất kỳ loại vận động nào bạn thích như: Thể dục nhịp điệu (aerobic), đi bộ, đạp xe… Hình thức này phù hợp với những người có thói quen ít vận động và mới bắt đầu tập luyện.

– Thời gian luyện tập: Chia nhỏ thành các khoảng 5 phút, 10 phút. Khi bắt đầu tập, bạn nên tập trong thời gian ngắn và cường độ nhẹ trước để cơ thể kịp thích nghi, sau đó tăng dần thời gian cho đến khi bạn cảm thấy vừa sức (không quá 10 phút/lần ). Lưu ý cần xen kẽ với nghỉ ngơi một hai phút giữa các lần luyện tập.

– Tần suất tập: Trung bình 30 phút/ ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp

Sau vài tuần thử sức, cơ thể đã thích ứng và thuần thục các bài tập nhẹ nhàng, bạn có thể chuyển sang các bài tập cường độ mạnh hơn để nâng cao hiệu quả cải thiện tình trạng bệnh mạch vành, đồng thời duy trì cân nặng và vóc dáng cân đối.

– Một số bài tập bạn có thể áp dụng đó là: Leo cầu thang, leo núi, đứng lên ngồi xuống, tập gym…

– Thời gian luyện tập khoảng 30 phút/ ngày chia thành các bài tập 5 – 10 phút xen kẽ nghỉ ngơi hợp lý.

Bài tập tăng cường sự dẻo dai (bài tập linh hoạt)

Phổ biến hiện nay là yoga, thiền. Các bài tập này giúp ngăn ngừa chấn thương như đau, cứng khớp, co rút cơ… do hoạt động mạnh. Khi tập các bài tập này, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái và thư giãn. Bạn có thể đăng ký tham gia các lớp học hoặc có thể tự tập ở nhà, linh hoạt theo thời gian của bạn.

Luyện tập thường xuyên giúp người bệnh mạch vành tăng cường sức khỏe tim mạch

Người bệnh mạch vành cần lưu ý gì khi luyện tập để đạt hiệu quả cao nhất?

Dù lựa chọn hình thức luyện tập nào, người bệnh mạch vành cũng nên thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân để kịp thời thay đổi cường độ cho phù hợp, tránh tập quá sức vì có thể gây phản tác dụng. Ngoài ra cũng cần lưu ý một số điều sau:

– Tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu bất kỳ một chế độ tập luyện nào.

– Nếu từ trước tới giờ, bạn có thói quen ít vận động thì nên bắt đầu với các bài tập thể dục nhẹ nhàng với thời gian ngắn để cơ thể thích nghi trước.

– Nên ăn nhẹ trước khi tập khoảng 1 giờ, bổ sung nước đầy đủ trong suốt quá trình tập.

– Nên luyện tập trong môi trường nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, tránh tập trong môi trường quá nóng hay quá khô lạnh.

– Trước khi tập, cần khởi động khoảng 2 – 3 phút. Khi hết thời gian tập, cần giảm dần cường độ, tránh dừng lại đột ngột. Sau khi tập cần nghỉ ngơi 5 – 7 phút hoặc đến khi cơ thể hết mồ hôi mới đi tắm.

– Luôn mang bên mình thuốc xịt hay thuốc uống Nitroglycerin khi tập luyện, có thể uống thuốc để phòng cơn đau thắt ngực trước khi chuyển sang bài tập cường độ cao hơn.

– Luôn mang theo điện thoại để có thể liên lạc ngay với bác sĩ hoặc người thân khi xảy ra sự cố trong lúc tập.

– Ngừng tập nếu bạn cảm thấy chóng mặt, đau đầu, quá mệt, thở dốc hay nhịp tim nhanh bất thường.

– Tránh tập các bài tập gập hay cúi người vì có thể khiến bạn bị choáng.

Ds Trần Huyền

Nguồn tham khảo:

http://prescription4exercise.com/patientpublic/health-enhancing-recommendations/condition-specific-recommendations/angina-coronary-heart-disease/angina-coronary-heart-disease-prescription/

http://www.acsm.org/public-information/articles/2016/10/07/exercising-with-coronary-heart-disease

http://www.webmd.com/heart-disease/encouraging-safe-exercise

Viết bình luận