Bệnh mạch vành

Giải mã thông tin bệnh qua những cơn đau thắt ngực trái

Ngày đăng: 1 Tháng Mười Một, 2017
5/5 - (3 bình chọn)

Thông thường, những cơn đau thắt ngực trái có thể đến một cách thoáng qua khi ta làm việc quá gắng sức, nhưng nếu tình trạng đó kéo dài và lặp lại thường xuyên thì bạn chớ vội chủ quan, vì đó có thể là lời cảnh báo về một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, trong đó điển hình nhất là bệnh mạch vành.

Triệu chứng đau thắt ngực trái, thực tế nó như thế nào?

Cơn đau thắt ngực trái điển hình được mô tả thông qua những cảm giác như bị ép chặt, đè nén vào lồng ngực, đôi khi là căng tức như muốn vỡ ra hoặc nóng rát, đau nhói như kim châm vùng chính giữa tim. Cơn đau có thể lan ra lên cổ hàm, ra sau lưng, lên vai và xuống đến cánh tay trái. Có những trường hợp còn bị khó thở, trống ngực, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc đau bụng vùng thượng vị nên cũng dễ lầm tưởng là bệnh dạ dày. Thời gian đau thắt ngực sẽ khác nhau tùy từng người, thông thường là chỉ trong 1 – 2 phút.

Đau thắt ngực trái có những loại nào?

Có 4 loại cơn đau thắt ngực trái với những đặc điểm nhận biết và điều trị khác nhau.

Cơn đau thắt ngực ổn định

Đau thắt ngực ổn định là tình trạng phổ biến nhất, cơn đau thường xảy ra khi hoạt động, làm việc gắng sức do nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim tăng cao. Dạng đau thắt ngực ổn định có tần xuất, mức độ, thời gian diễn ra ổn định nên có thể dễ biết trước được. Cơn đau sẽ giảm dần khi nghỉ ngơi hoặc khi dùng thuốc giãn mạch như nitroglycerin. Sự hiện diện của đau thắt ngực ổn định tuy chưa nguy hiểm nhưng sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy đến cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai.

Cơn đau thắt ngực không ổn định

Đau thắt ngực không ổn định có thể xảy đến ở mọi thời điểm, ngay cả khi đang nghỉ ngơi, đang ngủ hoặc hoàn toàn không có hoạt động gắng sức, bởi vậy sẽ không thể dự đoán trước được. Tình trạng này thường nghiêm trọng hơn so với cơn đau thắt ngực dạng ổn định, việc nghỉ ngơi hay sử dụng thuốc không giảm bớt cơn đau. Nếu không điều trị khẩn cấp có thể dẫn tới cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Cơn đau thắt ngực trái có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim nguy hiểm

Cơn đau thắt ngực biến thể/ Prinzmetal

Cơn đau xuất hiện do động mạch vành bị co thắt, xảy ra tại những động mạch vành khỏe mạnh, không có mảng xơ vữa. Một số yếu tố có thể làm kích hoạt cơn đau như hút thuốc lá, căng thẳng tâm lý, stress, thời tiết lạnh hoặc sau khi sử dụng đồ uống mang tính kích thích như café, rượu bia… Cơn co thắt mạch vành thường xuất hiện vào lúc nửa đêm hoặc sáng sớm, các biểu hiện có thể thuyên giam sau khi uống thuốc giãn mạch vành.

Cơn đau thắt ngực vi mạch vành

Đau thắt ngực vi mạch vành xuất hiện khi các động mạch vành nhỏ nằm sâu trong các lớp cơ tim bị tổn thương. Tình trạng này thường nghiêm trọng hơn và thời gian kéo dài hơn so với các loại đau thắt ngực khác, khoảng từ 10 – 30 phút, kèm theo khó thở, mệt mỏi và cảm giác tê ở vai xuống đến cánh tay, cổ tay. Việc nghỉ ngơi hay dùng thuốc nhiều khi không làm giảm các triệu chứng đau. Loại đau thắt ngực này thường xuất hiện ở người bệnh tiểu đường, phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.

Nguyên nhân gây hiện tượng đau thắt ngực trái

Cảm giác đau thắt ngực trái sẽ xuất hiện khi một vùng cơ tim không nhận được đủ máu và oxy để hoạt động. Nguyên nhân chính là do xơ vữa động mạch vành – động mạch duy nhất dẫn máu đến nuôi tim. Các mảng xơ vữa hình thành từ bên trong lớp nội tâm mạc, khi chất béo, cholesterol, canxi và một số chất khác trong máu tích tụ lại lâu ngày khiến lòng mạch bị thu hẹp dần. Nếu những mảng bám bị nứt vỡ, cục máu đông sẽ xuất hiện làm bít tắc hoàn toàn động mạch gây ra cơn nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực trái có nguy hiểm không?

Đau thắt ngực trái thường là triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành, một bệnh lý tim mạch nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim là rất cao. Ngay cả khi thoát khỏi cơn nguy kịch thì tình trạng tái tắc hẹp mạch vành vẫn có thể xảy ra, cơ tim bị thiếu oxy trong thời gian dài sẽ dẫn tới suy tim hoặc bị rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, gây đột tử.

Yếu tố nguy cơ gây ra các cơn đau thắt ngực trái

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau thắt ngực trái, bao gồm hút thuốc lá, béo phì, rối loạn lipid máu, mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp cao, gia đình có tiền sử mắc bệnh mạch vành sớm, tuổi cao, lối sống ít vận động và tâm lý căng thẳng.

Cách điều trị đau thắt ngực trái phổ biến nhất hiện nay

Để điều trị đau thắt ngực hiệu quả, cần sự kết hợp đồng thời của việc điều chỉnh lối sống, từ chế độ ăn uống khoa học đến việc tập thể dục thường xuyên, ngừng hút thuốc và kiểm soát tốt các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường nếu có.

Một số loại thuốc điều trị đau thắt ngực có thể được chỉ định để giúp giãn mạch, tăng cường tuần hoàn mạch vành đưa máu đến tim và ngăn ngừa yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển. Ngoài ra, việc sử dụng kết hợp với các sản phẩm thảo dược chứa Bồ hoàng, Đỏ ngọn cũng chính là giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tốt tình trạng xơ vữa mạch vành, ngăn chặn bệnh tiến triển ngay từ giai đoạn đầu, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ gặp phải cơn nhồi máu cơ tim cấp trong tương lai.

Xem thêm:

Sản phẩm hỗ trợ trị bệnh mạch vành, làm giảm đau ngực chứa Bồ hoàng, Đỏ ngọn

Cách xử trí khi bị đau tim, đau thắt ngực

Chế độ ăn uống tốt nhất cho người bệnh mạch vành

Mặc dù cơn đau thắt ngực trái là dấu hiệu rất đặc trưng nhất của bệnh lý tim mạch, tuy nhiên đó cũng rất dễ nhầm lẫn với cơn đau của các bệnh khác như đau dạ dày, đau dây thần kinh liên sườn hoặc bệnh phổi… Vì vậy khi có các dấu hiệu của cơn đau ngực trái và kéo dài liên tục, tốt nhất cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.

Ds Thu Hường

Tài liệu tham khảo:

http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/HeartAttack/DiagnosingaHeartAttack/Angina-Pectoris-Stable-Angina_UCM_437515_Article.jsp#.WfMxno-0PIU

https://www.healthline.com/health/stable-angina#overview1

Viết bình luận