Bệnh mạch vành

Giải đáp những thắc mắc về Aspirin điều trị bệnh mạch vành (Phần I)

Ngày đăng: 14 Tháng Sáu, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường vào năm 1897, Aspirin (acetylsalicylic acid) là một trong những loại thuốc lâu đời nhất của nền y học hiện đại. Từ thời xa xưa, Hippocrates và người Ai Cập đã sử dụng vỏ cây liễu, trong đó có chứa salicylate, để điều trị sốt và đau. Hơn 100 năm qua, Aspirin vẫn được xem là một loại thuốc được dùng nhiều nhất thế giới và có mặt trong hầu hết các tủ thuốc gia đình.

Khi nói đến Aspirin, người ta sẽ nghĩ ngay đến công dụng giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên, loại thuốc này còn có một công dụng tuyệt vời khác đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu, đó là phòng ngừa nhồi máu cơ tim ở người bệnh mạch vành.

Nếu bạn mắc bệnh mạch vành và được chỉ định sử dụng Aspirin, có thể bạn sẽ thắc mắc một số điều sau:

Làm thế nào thuốc Aspirin bảo vệ được tim mạch?

Trong giai đoạn sớm của bệnh mạch vành, cholesterol tích tụ trong thành của một hoặc nhiều nhánh động mạch vành – mạch máu nuôi tim tạo nên các mảng xơ vữa, chúng ngày một lớn dần lên gây hẹp động mạch, cản trở dòng máu lưu thông qua đó.

Vì một nguyên nhân nào đó, các mảng xơ vữa có thể bị nứt vỡ, tại vị trí đó các tiểu cầu nhanh chóng kết dính với nhau và hình thành nên cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành. Điều này khiến cho các tế bào cơ tim không được cung cấp máu, oxy và chết đi hàng loạt, tình trạng này còn gọi là nhồi máu cơ tim.

Aspirin phòng ngừa cơn nhồi máu cơ tim bằng cách ngăn chặn các tế bào tiểu cầu dính lại với nhau và không cho cục máu đông hình thành.

Cần dùng bao nhiêu Aspirin để bảo vệ tim mạch?

Aspirin – “vũ khí” bảo vệ tim mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Aspirin liều thấp đã đủ để bảo vệ tim mạch, nhưng cũng đủ để làm tăng nguy cơ xuất huyết. Hầu hết các bác sỹ khuyến cáo sử dụng 81mg Aspirin/ngày để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, liều cao hơn để giảm đau, hạ sốt.

Nên uống Aspirin khi có các triệu chứng nhồi máu cơ tim?

Đúng vậy!

Bởi khi các triệu chứng nhồi máu cơ tim đã xuất hiện tức là cục máu đông đã được hình thành, cần phá vỡ cục máu đông càng nhanh càng tốt. Ngay khi nhận ra dấu hiệu nhồi máu cơ tim, bạn nên nhai và nuốt một viên Aspirin 325mg (theo hướng dẫn của bác sỹ) và gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Đã hồi phục sức khỏe sau cơn nhồi máu cơ tim thì có phải dùng Aspirin tiếp hay không?

Câu trả lời là có.

Sau cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên, bạn có nguy cơ cao tái diễn cơn thứ hai trong tương lai, dù đã hồi phục sức khỏe tốt. Bác sỹ có thể chỉ định cho bạn Aspirin liều thấp mỗi ngày (81mg/ngày) là 1 trong những cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Trừ khi điều kiện sức khỏe không phù hợp, tất cả người bệnh động mạch vành nên duy trì Aspirin liều thấp hàng ngày.

Tôi không bị bệnh tim nhưng bị tắc nghẽn động mạch chân thì có nên dùng Asprin?

Bạn đang mắc phải bệnh động mạch ngoại biên (PAD), đây thực chất cũng là tình trạng xơ vữa động mạch (giống như bệnh động mạch vành). Bệnh động mạch ngoại biên cũng làm tăng đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim, do đó bạn vẫn nên dùng Asprin để phòng ngừa.

Không bị bệnh tim nhưng có bệnh đái tháo đường có nên dùng Aspirin hay không?

Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim mạch. Do đó, người bệnh đái tháo đường nên kiểm soát tốt mức cholesterol trong máu và huyết áp. Năm 2007, Hiệp hội Đái tháo đường (ADA) và Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo người bệnh đái tháo đường trên 40 tuổi nên dùng Aspirin liều thấp để phòng ngừa bệnh tim mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã không chứng minh được lợi ích rõ ràng của Aspirin trong trường hợp này. ADA và AHA đã thay đổi khuyến cáo rằng bác sỹ sẽ chỉ định Aspirin dựa trên nguy cơ tim mạch của bạn.

Dùng aspirin có phòng ngừa nhồi máu cơ tim ở nam giới hay không?

Vào những năm 1940, nghiên cứu của TS. Lawrence L. Craven đã cho thấy rằng Aspirin có tác dụng phòng ngừa nhồi máu cơ tim do thiếu máu cơ tim cục bộ. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại về khả năng đột quỵ do xuất huyết não khi sử dụng Aspirin. Vì vậy, nam giới khỏe mạnh không nên dùng Aspirin với mục đích phòng ngừa nhồi máu cơ tim.

Phụ nữ có nên dùng aspirin để phòng ngừa nhồi máu cơ tim?

Aspirin rất quan trọng trong phòng ngừa nhồi máu cơ tim ở phụ nữ

Cũng như với nam giới, Aspirin rất quan trọng và hiệu quả trong việc phòng ngừa  nhồi máu cơ tim ở phụ nữ. Tuy nhiên, đối với phụ nữ khỏe mạnh lại khác: Aspirin không làm giảm nguy cơ nhồi máu tim nhưng có thể phòng đột quỵ do cục máu đông. Hiệp hội dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến cáo các bác sỹ có thể cân nhắc cho phụ nữ từ 55 – 79 tuổi dùng Aspirin khi nguy cơ đột quỵ vượt quá nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.

Aspirin dạng viên nén có bọc và tan trong ruột (enteric-coated) có ít nguy cơ gây xuất huyết hơn?

Đáng tiếc là không phải vậy!

Trên thực tế, aspirin gây ra vấn đề khi nằm trong máu chứ không phải là trong dạ dày. Aspirin trong máu ức chế COX-1, làm giảm lượng prostaglandin giúp bảo vệ dạ dày, từ đó gây xuất huyết đường tiêu hóa. Tác dụng phụ này có ở mọi dạng bào chế của Aspirin.

Xem thêm: Giải đáp những thắc mắc về Aspirin điều trị bệnh mạch vành (Phần II)

Ds. Ngọc Mai

Tham khảo:

http://www.health.harvard.edu/heart-health/aspirin-and-your-heart-many-questions-some-answers

Viết bình luận